Thứ sáu, 17/05/2024, 20:59 [GMT+7]

Kỳ II: “Sống chết mặc bay"

Thứ tư, 20/06/2012 - 10:37'
 >>Kỳ I: Tan hoang rừng phòng hộ(BLC) - Trong hành trình khám phá bãi vàng Phiêng Chạng, đi đến đâu chúng tôi cũng sởn gai ốc bởi bơm kim tiêm đã qua sử dụng mà các đối tượng nghiện ma túy vứt bừa bãi trên đường, gốc cây. Ngay cả những người làm công tác quản lý ở địa phương cũng lo lắng cho những lao động đang làm việc tại bãi vàng, bởi các chủ khai thác vàng sử dụng lao động theo kiểu “sống chết mặc bay”.

Trả “lương” bằng ma túy

Để tận mắt chứng kiến những điều một số người dân bản Phiêng Chạng nói trước khi lên bãi vàng “hầu hết dân đào vàng đều nghiện ma túy”, chúng tôi liều mình tiếp cận một số lán trại của các chủ khai thác vàng sừng sỏ có thâm niên bám trụ ở bãi vàng.

Nhiều phụ nữ, em gái nhỏ người địa phương tham gia tiếp tay cho những kẻ khai thác vàng lậu.

Tuy nhiên, sự bặm trợn trong lời ăn tiếng nói của chúng tôi với những ngôn từ lóng của dân giang hồ từng trải cũng không thể khỏa lấp sự nghi ngờ từ ánh mắt của những người ăn núi, ngủ rừng tìm vàng nhiều năm. Trước khi bước vào lán trại của chủ khai thác vàng lậu tên Kiều Đình Trí, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), anh bạn dẫn đường cảnh báo “không ai hỏi thì đừng nói” để mình anh ta tự diễn.

Lán trại của Trí nằm chênh vênh trên mỏm đá, được đỡ bằng những cây chống và quây bằng những tấm bạt xanh đã rách nhiều miếng bởi nắng gió thời gian. Bên trong lán là những tấm ván gỗ xếp thành giường ngủ, trên giường, những chiếc chiếu nhàu nhĩ và những tấm chăn chiên đã cáu bẩn. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi được giới thiệu tên Trí - chủ lán trại mặc độc một chiếc quần sóc để lộ ra làn da đen xạm; 2 hõm mắt thâm quầng.


Trí nhìn chằm chằm người lạ vẻ tò mò rồi hỏi anh bạn tôi: Ai đấy? Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng trước câu nói của kẻ đã có gần 20 năm sống với luật giang hồ nơi núi rừng Phiêng Chạng và ánh mắt của gần chục thanh niên trong lán vẫn làm tôi thấy lo sợ. Cố trấn tĩnh và tỏ vẻ một người từng trải, tôi trả lời nhát gừng “Tôi ở Hà Tây mới lên, nhờ thằng em đưa đi tìm bãi kiếm tí chút…”.

Sau câu trả lời, sự hoài nghi của Trí giảm dần. Hắn tuôn ra toàn những lời thô tục của một ông chủ từng trải. Sau câu gọi với của hắn, một người đàn bà bước vào, rút từ mái lán một chiếc bơm kim tiêm. Mải nói chuyện với Trí, tôi không để ý từ nãy giờ nằm ngay bên cạnh tôi là hai người đàn ông một già, một trẻ trùm chăn giả ngủ khi thấy người lạ tới.

Mỗi lít dầu lên đến bãi được trả công từ 8 đến 10 nghìn đồng.

Dù cố tỏ vẻ không để người lạ biết, nhưng với ánh mắt đờ đẫn và cơn ngáp dài tôi hiểu là họ đang cần “thuốc”. Trong khi người đàn bà vén tay áo thản nhiên chích ma túy cho hai người đàn ông chung một bơm kim tiêm thì Trí thốt lên “Thằng em thông cảm, bọn anh đề phòng “cớm” trà trộn”.

Không đủ can đảm, tôi nháy B. “chuồn” với lý do lên bãi trên cho kịp trước khi trời tối. Bước ra ngoài lán trại, người tôi nổi đầy gai ốc, ngay đầu nhà là một bãi rác chứa đầy bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Thấy tôi ngạc nhiên, B. nói: Riêng địa bàn xã Noong Hẻo hiện giờ có 18 chủ lán trại với khoảng hơn 200 người làm.

Hầu hết dân lao động ở đây đều là người địa phương trong xã hoặc ở các xã lân cận và thường là các đối tượng nghiện ma túy. Cùng đường họ mới tìm về đây để có cái ăn và có thuốc chích. Trong 18 lán trại thì hầu như lán nào cũng có người nghiện và việc trả “lương” hàng tháng cho họ được các chủ lán quy ra ma túy hàng ngày. Để có đủ ma túy sử dụng bằng với tiền công, các đối tượng nghiện phải làm cật lực cả ngày lẫn đêm.

Câu chuyện mà B. nói dưới chân núi rằng “trên đó hầu như không thiếu thứ gì…” quả không sai khi chúng tôi tới gần một lán trại khá khang trang. Chủ lán là một người đàn bà tên Thanh quê ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường) chừng ngoài 40 tuổi. Ở nơi núi rừng hoang vắng này, quán của Thanh thuộc vào hạng sang với nhiều mặt hàng bày bán, phục vụ đủ cho nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của cư dân đào đãi vàng nơi đây.

Thấy người lạ vào quán Thanh có vẻ cảnh giác cao độ, khi chúng tôi hỏi gì thì chị ta trả lời câu đó. Chưa uống xong lon nước thì người đàn bà cất giọng nói ráo hoảnh: “Các chú thông cảm, giờ chị phải xuống núi…”.

Sau khi rời quán B. cho biết đây nơi cung cấp “hàng” (PV - ma túy) cho các lán ở hầu hết các bãi trên địa bàn. Do cách đây 2 năm, em gái của Thanh bị công an bắt, nên cứ hễ gặp người lạ đến quán là Thanh tìm cách đuổi khách.

“Cơn lốc” vàng

Chưa ai có thể thống kê được con số chính xác có bao nhiêu người lớn bỏ nhà cửa, bao nhiêu đứa trẻ bỏ trường lớp ở các bản làng trên địa bàn xã Noong Hẻo đi theo tiếng gọi của vàng. Người ta chỉ biết rằng ngoài số lượng thanh niên, đàn ông trong tuổi lao động bị “cơn lốc” vàng cuốn nhiều năm nay thì cũng có rất nhiều đứa trẻ tham gia kiếm tiền cùng bố mẹ tại các bãi vàng trên địa bàn xã.

Dọc các ngả đường lên bãi, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn người tham gia gùi, gánh hàng lên núi. Đoàn ít cũng 4 – 5 người lấy ngựa làm phương tiện vận chuyển chính, đoàn nhiều thì tới vài chục người rồng rắn vận chuyển bằng sức người. Ngoài số lương thực, thực phẩm phục vụ cho các phu vàng ở bãi ra, thì hàng hóa chủ yếu là dầu mỡ để chạy máy. 

Trung bình mỗi một kilôgam hàng gùi lên tới bãi có giá tiền công từ 8 đến 10 nghìn đồng tùy thuộc vào chặng đường vận chuyển xa gần. Thông thường mỗi chuyến hàng người dân mang đi khoảng 20kg, người khỏe đi được hai chuyến còn người yếu thì chỉ đi được một chuyến trong ngày. Sức hút của đồng tiền đã kéo theo hàng trăm người dân tham gia mỗi ngày.

Các đoàn người gùi hàng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và một vài người luống tuổi. Vấn đề này đã được anh bạn dẫn đường cho biết là “hầu hết thanh niên đã làm thuê trên bãi. Điều đáng chú ý là có rất nhiều em bé gái tuổi đời chừng 13 – 14 tuổi cũng oằn lưng gánh hàng theo người lớn mà đáng nhẽ ở tuổi này các em phải được cắp sách tới trường. 

Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã trao đổi với một vị lãnh đạo xã Noong Hẻo về tình trạng trẻ em tham gia, “góp sức” cho những kẻ khai thác vàng lậu tại bãi vàng Phiêng Chạng thì được ông cho biết: “Xã đã nhiều lần phối hợp với các nhà trường tuyên tuyền, vận động trẻ đến lớp nhưng nói mãi có được đâu”. Nói đến đó ông thở dài thườn thượt quay mặt đi và đề nghị xin được dấu tên.

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...