Chủ nhật, 19/05/2024, 04:34 [GMT+7]

Làm báo phải biết chia sẻ cùng nhân vật

Thứ bảy, 21/06/2014 - 10:00'
(BLC) - Nhiều người bảo làm báo sướng, được đi nhiều, biết nhiều, giao thiệp rộng… Nhưng không phải làm báo lúc nào cũng vui. Nhiều lúc người cầm bút gặp những nhân vật, những mảnh đời bất hạnh; viết về họ mà không khỏi chạnh lòng bởi cuộc sống còn quá nhiều trắc trở.

Mỗi chuyến đi của tôi đến một vùng đất mới luôn có nhiều cái mới, lạ; nhiều nhân vật, số phận con người. Và trong những chuyến đi đó, có những nhân vật là những kiếp người với cuộc sống trắc trở đến não lòng. Trước những số phận, những kiếp người như vậy, bản thân người cầm bút không khỏi chạnh lòng, thương cảm.

Còn nhớ đầu năm 2009 tôi theo đoàn công tác của tỉnh vào làm việc ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè. Tại đây tôi gặp một cô giáo tên là Hằng (quê ở Thái Bình), lên công tác 3 năm thì cả 3 năm không về quê ăn tết với chồng con. Nghĩ cảnh tết đến ở quê nhà sum họp, chỉ mình cô giáo trẻ lủi thủi giữa bản với hầu như không một ai biết tiếng phổ thông mà cay xè khoé mắt. Cuộc sống của giáo viên vùng cao vất vả đã đành còn buồn tủi vì tha hương ly biệt!

Nhân vật Hoàng Thị Giữa (bên trái) và những giọt nước mắt bất hạnh của cuộc đời.

Cùng trường có cô giáo tên là Hoàng Thị Giữa nhiều năm bám trường bám bản. Lấy chồng nhiều năm mà không sinh được con, đã thế chồng cô còn bị bện hiểm nghèo và qua đời. Bản thân cô cũng bệnh tật triền miên, ở quê nhà (tỉnh Thái Bình), mẹ già ngoài 90 tuổi nay ốm mai đau, không người thân thích chăm sóc. Nhìn những giọt nước mắt lã chã dơi trên khuôn mặt già nua, đen sạm và gầy gò của cô khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mà thấy nghẹn lòng, tôi viết về cô mà không khỏi day dứt vì cuộc sống bất hạnh, cô đơn của một kiếp người.

Không chỉ cô Hằng, cô Giữa, tại Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè tôi được nghe, chứng kiến cảnh nửa đêm các thầy hò nhau khiêng cô giáo vượt rừng đi cấp cứu mà vẫn chẳng giữ nổi cái thai. Có cô giáo sau khi bị sảy thai đã kinh nghiệm hơn để giữ, nhưng cũng chỉ đến tháng thứ 7 - 8 đã sinh non. Nhiều cô giáo phải cai sữa con từ khi 7 tháng tuổi để ở quê với chồng mà trèo đèo lội suối ngược ngàn gieo chữ. Những con người đó, nhân vật đó  rất đáng để tôn vinh, ca ngợi về đức hy sinh, sự cống hiến; nhưng khi nhắc đến họ, viết về họ, về những giọt nước mắt của họ phía đằng sau bục giảng mà người viết cũng tự nhiên cảm thấy đắng lòng!

Dù khó khăn vất vả nhưng những cô giáo ở bản Nậm Ngà vẫn cố gắng bám trường bám lớp.

Câu chuyện của những người La Hủ “lá vàng” ở Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Tá Bạ) huyện Mường Tè năm 2008 đã từng gây chấn động dư luận cả nước trong một thời gian dài bởi mức độ nguyên thuỷ của tộc người này. Đã ở thế kỷ 21 mà chẳng mấy ai ngờ đồng loại của mình vẫn sống với nghề chính là săn bắt, hái lượm. Rau rừng, cháo sắn được xem là sang trọng bởi măng mới là món ăn chính thường ngày. Viết về những đồng loại của mình mà không khỏi xót xa, cũng là kiếp người mà mọi thứ cách biệt nhau nhiều quá. Hay câu chuyện của một người phụ nữ Mông tên Si ở xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ của tác giả Xuân Thi cũng từng là sự ám ảnh về kiếp người trong xã hội hiện đại này. Một người “chồng hờ” không chỉ đánh đập hành hạ mẹ con bà Si như những con vật trong nhiều năm; hắn còn nhiều lần xâm hại đứa con gái riêng điên điên dở dở của bà ngay trước mặt bà mà bà không làm gì được. Trước những kiếp người như vậy tác giả đặt bút viết lòng day dứt không yên!

Mặc dù hiện nay, những nhân vật như cô Hằng cũng đã đưa được chồng, con lên Bum Tở với mình, không còn cảnh cách trở biệt ly. Cô Hoàng Thị Giữa được giải quyết cho chuyển về quê công tác để có điều kiện chăm sóc mẹ già, mẹ con sớm tối dựa vào nhau sống nốt phần đời còn lại. Bà Si đã được giải thoát và người “chồng hờ ác thú” phải trả giá đắt trước pháp luật; các cô giáo ở Nậm Ngà đã có đường to để đi không còn cảnh bị động thai mà phải kiêng võng vượt rừng giữa đêm như trước; người La Hủ ở Hà Xi, Là Si đã sống tập trung, biết làm ăn vươn lên thoát kiếp “lá vàng”. Có được những kết quả đó không thể phủ nhận một phần vai trò và đóng góp của báo chí và những người làm nhà báo. Song cuộc sống này vẫn còn nhiều lắm những số phận, những con người bất hạnh ở đâu đó đang cần có tiếng nói của báo chí góp sức giúp họ vươn lên. Vì vậy mỗi người làm báo khi đứng trước nhân vật của mình, trước những mảnh đời bất hạnh cần phải chia sẻ được với họ. Phải hoà mình vào, phải biết buồn cùng nỗi buồn của nhân vật thì tác phẩm mới có được giá trị về nhân văn. Và viết sao cho đúng về những kiếp người, những số phận, nhân vật đó nên là trăn trở của người làm báo hiện nay.

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...