Chủ nhật, 19/05/2024, 03:31 [GMT+7]

Lợi dụng chính sách để phá rừng đầu nguồn

Thứ tư, 14/03/2012 - 11:16'
(BLC) - Do nhu cầu làm nhà mới của các hộ tái định cư rất nhiều và ồ ạt nên người dân một số bản ở gần rừng đầu nguồn đã lợi dụng khai thác gỗ trái phép để bán cho các hộ tái định cư.

Được biết theo Nghị định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở cho phép người nghèo tại khu vực có rừng được khai thác gỗ để xóa nhà tạm, nhưng “Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ vào mục đích khác”. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) lại không hoàn toàn như vậy…

Gỗ được xẻ tự do.

Thời điểm này, dọc các con đường trong bản Nậm Lò (xã Nậm Tăm - một trong những xã nhiều rừng nhất của huyện Sìn Hồ) không ít gia đình đang dựng nhà mới mặc dù đã có nhà ở chắc chắn. Phần lớn những gia đình làm nhà trên ngoài làm nhà để ở còn nhằm mục đích bán cho người khác.Một người dân trong bản cho biết, hiện tại nhà sàn 3 – 4 gian gỗ được nhiều người mua giá từ 50 - 60 triệu đồng.

Số gỗ để làm một ngôi nhà.

Trong vai người mua gỗ làm nhà, chúng tôi vào bản Nậm Lò. Chỉ vào đống gỗ xẻ vuông vắn đỏ au, gồm khoảng 20 cột vuông 20cm, dài chừng 6m và chừng 200 chiếc phang dài 3m, ván lịa… chủ nhà phát giá 50 triệu đồng. Chủ nhà còn cho chúng tôi xem đống gỗ phía sau nhà được làm lán che gọn gàng. Gần chục bản gỗ ngoại cỡ, chiều ngang chừng 50cm, nếu trả giá hợp lý có thể bán ngay. Quan sát chúng tôi thấy gỗ không hề có dấu búa kiểm lâm, cạnh những đống gỗ lớn là một cưa máyloại 1,2m và một can xăng 5 lít, 1 chai dầu nhớt thải, sẵn sàng cho việc đi rừng chặt gỗ. Ông chủ nhà cũng nói luôn: “Gỗ không có giấy tờ, vừa xẻ trên rừng về mấy hôm nay nếu ưng ý thì anh tự lo khâu vận chuyển”.

Gỗ được tập kết ở bìa rừng.

Viện cớ đi tham khảo giá cả chúng tôi đi về cuối bản, theo những vệt gỗ còn hằn trên mặt đường nhẵn bóng, ngược lên rừng. Cũng không phải kỳ công leo dốc, lội suối, từ cuối bản, đi chừng 20 phút đã có thể thấy những đống gỗ to nhỏ đủ các kích cỡ. Gỗ đã được xẻ thành tấm vuông vắn kéo đi, vương vãi xung quanh là những phần thừa thẹo và cành lá còn chưa khô hẳn. Từ xa, vẫn nghe thấy tiếng máy cưa vọng lại. Tuy gỗ được kéo về xếp đầy gầm sàn nhà nhưng các hộ dân không đi giao bán mà người mua tự tìm đến vì nhu cầu làm nhà của người dân các bản tái định cư các xã: Nậm Hăn, Căn co, Nậm Mạ, Nậm Cha… về mua. Có thời điểm mỗi ngày khoảng 2 - 3 xe ôtô gỗ được chở đi nơi khác. Mỗi khi cán bộ kiểm lâm đến thì mọi việc đều im lìm, họ chỉ chờ cơ hội mới di chuyển.

Vào bản Nậm Lò đâu cũng có gỗ.

Hiện toàn bản Nậm Lò có 65 hộ, 350 nhân khẩu, 100% dân số là người dân tộc Dao, bản chưa có điện lưới quốc gia. Trưởng bản Tẩn Minh Đạch cho biết: “Nếu cấm bà con lấy gỗ thì bà con không biết lấy gì mà sống, ruộng có ít (cả bản hiện có 12ha, nếu chia bình quân mỗi hộ chưa đầy 0,2ha), nương đồi thì đã trồng cây cao su. Hiện tại trong bản có khoảng 40/65 hộ có cưa máy phục vụ cho việc lấy gỗ bán”. Chúng tôi đùa: “Thế cả bản làm lâm tặc à?”, anh chỉ cười và mời tôi uống nước.

Nậm Tăm là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Toàn xã có 13 bản ở rải rác trong bán kính 26km2, trong đó có 6 bản thuộc diện tái định cư Thuỷ điện Sơn La.
Chúng tôi tìm gặp anh Giang - cán bộ kiểm lâm phụ trách lâm nghiệp tại xã Nậm Tăm. Qua tìm hiểu được biết hiện anh đang có nhiệm vụ bảo vệ rừng cho 3 xã: Nậm Tăm, Nậm Cha, Pa Khoá. Khi được hỏi về vấn đề phá rừng ở bản Nậm Lò, anh cho biết: “Hiện nay lực lượng quá mỏng nên không thể quản lý hết được, với lại cũng khó quản lý vì một số chính sách của nhà nước chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở và hầu hết ở vùng khó khăn này đều nằm trong chính sách hỗ trợ nên khi có bắt gặp xe gỗ nào thì sau vài cuộc điện thoại là phải cho xe đi, vì thuộc các đối tượng theo Nghị định… Hiện nay một số tuyến đường đang mở mà lẽ ra phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khai thác tận thu nhưng chưa thấy giấy phép nào cả đã vào làm đường, tạo điều kiện cho các đối tượng phá rừng”.
Anh Giang còn cho biết thêm, có những thời điểm nhạy cảm anh phải đi tuần từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới về đến nhà, vất vả hơn là anh được phân công cai quản rừng của cả 7 xã vùng thấp nên khó kiểm soát hết việc lâm tặc phá rừng. Mới đây có bắt được 2 xe gỗ đang vận chuyển nhưng đã bàn giao cho xã giải quyết. Chúng tôi đùa: “Có lẽ anh phải có phép phân thân mới trông giữ được hết rừng”, anh chỉ mỉm cười và hút một hơi thuốc dài, vẻ mặt buồn, trầm ngâm, nhìn về phía xa xăm…

Hà Anh Tuấn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...