Thứ hai, 20/05/2024, 10:13 [GMT+7]

Mô hình nhận em nuôi: Thiết thực, nhân văn

Thứ năm, 09/05/2024 - 11:09'
Huyện Sìn Hồ có 22 xã, thị trấn; địa bàn rộng, phức tạp, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; thời tiết khắc nghiệt, khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là lý do còn nhiều học sinh không được chăm lo đủ đầy khi đến trường. Từ năm 2022 đến nay, Nhóm kết nối trái tim tại Hà Nội đã kết nối với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội đồng Đội huyện nhận 33 em nuôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/em/tháng (trong 1 năm).

Nhóm kết nối trái tim gồm hơn 60 thành viên; trong đó tại Sìn Hồ có 2 thành viên đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Với phương châm hoạt động: “Lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia thông qua các hoạt động từ tâm”, nhóm đã triển khai 3 hoạt động chính: hành trình kết nối; quỹ em nuôi - vui đến trường; bán hàng gây quỹ. Từ đó, có nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến đối tượng là trẻ em, các nhà trường trên địa bàn cả nước nói chung, huyện Sìn Hồ nói riêng. Việc nhận em nuôi có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã trên địa bàn huyện Sìn Hồ là một trong số đó.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Tiến - Phó Bí thư Đoàn cơ sở Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, thành viên Nhóm kết nối trái tim cho biết: Trước thực tế trên địa bàn huyện nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (gia đình kinh tế khó khăn, bệnh hiểm nghèo, mồ côi cha mẹ…) nên con đường đến trường rất gian nan. Năm 2022, nhóm quyết định kết nối với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận 24 em nuôi (hỗ trợ 300 nghìn đồng/em/tháng với thời gian 12 tháng), nguồn kinh phí từ kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong cả nước. Tiếp nối hành trình đó, đầu năm 2024, thông qua Hội đồng Đội huyện, nhóm nhận thêm 9 em nuôi tại các xã vùng thấp của huyện gồm: Pa Khóa, Nậm Mạ, Căn Co, Noong Hẻo, Ma Quai. Ngoài hỗ trợ tiền, chúng tôi còn phối hợp với các liên đội nhà trường huy động thêm nguồn lực của nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng học sinh, nhà trường đồ dùng dạy và học, nhu yếu phẩm... Hiện, nhóm đang khảo sát để tiếp tục hỗ trợ xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn huyện.

Đoàn xã Nậm Mạ cùng nhà trường trao tiền hỗ trợ và quà của Nhóm kết nối trái tim cho em nuôi.

Do số lượng nhận em nuôi không nhiều nên Hội đồng Đội huyện chỉ đạo hội đồng đội các xã, liên đội trường học rà soát, lên danh sách, thông tin trích ngang kèm hình ảnh chứng minh hoàn cảnh của các em nhỏ gửi về Nhóm kết nối trái tim. Trên cơ sở đó, nhóm lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ những em có hoàn cảnh đặc biệt. Có thể kể đến trường hợp của em Hoàng Văn Ninh ở bản Nậm Phìn (xã Căn Co). Khi Ninh được 1 tuổi thì bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, em được giao lại cho ông bà nội nuôi. Tuy nhiên, ông bà cũng đã tuổi cao, sức yếu, gia đình thuộc diện khó khăn của xã. Năm nay, Ninh đang học lớp 1, Trường Tiểu học Căn Co. Hay như em Lừ Văn Hặc ở bản Pa Khóa (xã Pa Khóa), học lớp 1, Trường Tiểu học Pa Khóa. Gia đình có 5 người (bố mẹ và 3 chị em) nhưng bản thân Hặc và em trai bị bệnh tan máu bẩm sinh thường xuyên phải ở bệnh viện để truyền máu. Thu nhập chính của gia đình là sản xuất nông nghiệp nên bấp bênh và khó khăn. Còn với em Lò Văn Nghiệp cũng ở bản Pa Khóa, hiện đang học lớp 9, Trường THCS Pa Khóa, bố mất sớm, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào diện tích nương trồng ngô, lúa. Mặc dù là năm cuối cấp nhưng hoàn cảnh khó khăn, khả năng cao sau khi tốt nghiệp, Nghiệp không thể tiếp tục theo học THPT.
Anh Lý A Cạo - Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện chia sẻ: Hội đồng Đội các cấp trong huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện; kết nối với các đơn vị thiện nguyện ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập… để tổ chức tết Trung thu, tết Thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, tặng quà học sinh nghèo học giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm học 2023 - 2024, 41/41 liên đội trường tổ chức trao 1.520 suất quà, học bổng cho đội viên, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đối với mô hình em nuôi của Nhóm kết nối trái tim rất thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, với gia cảnh của các em, việc được nhận 300 nghìn đồng/tháng giúp gia đình chăm lo tốt hơn khi các con đến trường.
Được biết hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 40 học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt; nhưng nguồn lực huy động xã hội hóa tại chỗ không nhiều, chủ yếu là nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, vẫn cần hơn sự chung tay “nhận nuôi” mang tính lâu dài của các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm. Và, cũng từ đó, tiếp tục lan tỏa sự sẻ chia đến cộng đồng, địa phương nơi các em học tập, sinh sống, để những chiếc “lá chưa lành” sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác để các em có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục học tập, rèn luyện và nuôi dưỡng ước mơ.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...