Thứ tư, 22/05/2024, 06:09 [GMT+7]

Môi trường ô nhiễm do tập quán sinh hoạt

Thứ ba, 23/08/2011 - 17:38'
(BLC) - Sân nhà nào cũng vậy, góc thì gà, lợn nằm, góc thì buộc trâu rất mất cảnh quan, ngồi trong nhà mà vẫn có mùi phân trâu, lợn, gà...

Bản San Ta Ngai (xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ) chỉ cách trung tâm xã 5km. Vượt con đường mòn độc đạo lạo xạo đá sỏi, đến đầu bản chúng tôi gặp một đám trẻ lê la chơi đùa, tự trông nhau để bố mẹ lên nương thu hoạch ngô. Do tập quán thả rông gia súc nên sân nhà, sau ngõ đều bốc mùi khăm khẳm khó chịu. Gặp hôm trời mưa thì đường nội bản nhầy nhụa, nhớp nháp rất mất vệ sinh. Môi trường sinh hoạt ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trẻ em bản San Ta Ngai chơi nghịch với nước tù, bùn lầy... tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh.

Cùng đi với chúng tôi, anh Chẻo Liều Pao – Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Xô Lin cho biết: “Bản San Ta ngai có 92 hộ, 100% dân cư là người dân tộc Dao, trình độ dân trí thấp. Người dân trong bản sinh sống chỉ dựa vào nương ngô, lúa nên nhà nào khá giả cũng chỉ đủ ăn. Môi trường sống của nhân dân bản San Ta Ngai đang bị ô nhiễm là do thói quen chăn nuôi cũ. Trong các buổi sinh hoạt thôn, bản, xã đã tuyên truyền về xây dựng chuồng trại, song mọi biện pháp đều không hiệu quả, bà con vẫn chưa thay đổi được tập tục thả rông gia súc, gia cầm”.

Cái lắc đầu ái ngại của anh khiến chúng tôi hiểu rằng đây là bài toán nan giải đang đặt ra cho chính quyền địa phương.

Đến bản San Ta Ngai ấn tượng ban đầu là cảnh vật ở nơi đây khá đẹp, cổ kính do có nhiều vườn đào, lê, mận lâu năm xen kẽ các ngôi nhà trình tường của dân tộc Dao. Song để ý kỹ thì thấy đường toàn bùn đất (nước, chất thải đầy đường, kể cả khi trời nắng nóng) và phân gia súc, trong nhà tối om do cửa sổ nhỏ, giàn susu rậm rịt che kín. Đây cũng là nguyên nhân khiến muỗi,dĩn có mặt khắp bản.

Anh Tẩn Mí Chài lý giải: “Chúng tôi vẫn chăn nuôi gia súc gia cầm cạnh nhà từ xưa đến nay để tiện trông coi, lại có thể mang phân bón cho cây cối gần nhà. Các gia đình trong bản chủ yếu là hộ nghèo, đông con nên không có điều kiện xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh”.

Môi trường ô nhiễm khá nặng, theo đó nhiều loại bệnh phát sinh. Mỗi khi người dân ở bản San Ta Ngai ra Trạm Y tế xã khám chữa bệnh, chủ yếu vẫn là các loại bệnh tiêu hóa, hô hấp, sốt xuất huyết...

Bà Chẻo A Xoang tâm sự: “Tôi trông con cho vợ chồng con gái đi làm nương. Gần đây các cháu tôi thường khó thở, chảy nước mũi, đau mắt, tiêu chảy... không rõ nguyên nhân”. Nhìn cụ bà đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nói, chúng tôi hiểu rằng bà con cũng đã thấy hiểm họa, song không biết khắc phục từ đâu.

Cần có giải pháp hữu hiệu 

Dạo quanh bản, chúng tôi thấy nhiều gia đình đã xây bể chứa nước, một số gia đình chưa có bể thì sử dụng nước ở ao sau bản. Nước sinh hoạt của người dân trong bản chủ yếu là nước mưa nên nơi đây vẫn là một trong những bản thiếu nước nhất xã. Năm 2006, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đã khảo sát để dẫn nước về bản theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2006-2010. Trong bản cũng có mạch nước ngầm song Trung tâm không thể khoan khai thác được vì bản chưa có điện. Đến nay bản đã có điện thì chương trình nước sạch lại kết thúc. Đến các gia đình, thấy thau nước giặt quần áo đục ngầu, nước rửa rau, vo gạo, rửa bát đều sử dụng chung nửa chậu nước nhỏ, mới thấy người dân đang thiếu một môi trường sạch: cả về nguồn nước cũng như đường xá, tập quán sinh hoạt.

Thiết nghĩ giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề môi trường ở bản San Ta Ngai là không chỉ “nói” mà cần phải “làm”, phải huy động được nguồn vốn đầu tư và xây dựng, hướng dẫn người dân hình thành thói quen sinh hoạt văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân từ nguồn nước, xây dựng nhà vệ sinh cho mỗi gia đình, làm chuồng trại gia súc cách xa nhà ở…

 

Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...