Thứ tư, 22/05/2024, 08:57 [GMT+7]

Mù Sang vẫn… khát

Thứ ba, 23/08/2011 - 09:53'
(BLC) – Nhiều năm trôi qua, bao kiếp người vùng cao này vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hóa giải “cơn khát” trong mùa khô.

“Khát” từng ngày

“Những cơn mưa rả rích kéo dài suốt một tuần qua cũng chỉ phần nào vơi bớt sự vất vả của bà con khi ngồi chờ đợi lấy nước. Vào mùa khô, dù có đi từ 4 - 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa cũng chỉ lấy được 3 can nước (25 - 30 lít/can)” - ông Điêu A Tủa, bản Xin Chải tâm sự.

Hàng ngày người dân phải lấy nước ở một mó nước nhỏ cách trung tâm xã 3km về sử dụng.

Đúng như những gì chúng tôi được nghe, được thấy, ở một mó nước nhỏ cách trung tâm xã 3km, có khoảng hơn chục người (cả đi xe máy, đi bộ) đang phải chờ để có một can nước về dùng. Tình cảnh này không chỉ diễn ra trong buổi sáng mà bất cứ lúc nào, trưa, chiều và có khi là tối mịt mờ. Trong số đó, có cả những cụ già đã hơn 60 tuổi, những đứa trẻ mới 7, 8 tuổi vẫn phải còng lưng từng ngày gùi nước, đôi bàn tay nhỏ xíu chai sần vì xách nước. Và chẳng biết tới bao giờ, các em mới thoát cảnh gùi nước cả ngày lẫn đêm thế này?

Với điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt nên mảnh đất Mù Sang từ lâu đã nổi tiếng là “miền đất khát”. Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 4, tháng 5 của năm sau khiến các khe suối bắt nguồn từ những dãy núi cao trở nên khô kiệt. Để có nước sinh hoạt, người dân phải hứng liên tục mới đủ nước dùng trong một ngày. Nhưng đó là đối với những người dân khu vực lân cận mó nước, còn với người dân ở các bản như Mù Sang, Sàng Cải… để mang nước về tận nhà thì rất vất vả.

Theo chân một người dân ở bản Mù Sang đi lấy nước, chúng tôi mới cảm nhận hết được những khó khăn,vất vả mà người dân nơi đây đang từng ngày đối mặt. Con đường đến mó nước dài hơn 1km, men theo sườn núi dựng đứng và đầy đá tai mèo lởm chởm. Nhiều thanh niên có tay lái xe máy điêu luyện, nhưng khi nhắc tới việc phải chở nước vẫn lắc đầu ngao ngán. Đường xá khó là vậy, nhưng ngày nào mỗi hộ dân trong bản cũng phải mất từ 3 đến 4 lần đến mó lấy nước về sử dụng.

Anh Giàng Páo Mua (bản Mù Sang) than phiền: “Gia đình tôi phải phân công các thành viên trong gia đình đi gùi nước. Nếu không thì chẳng ai đủ sức gánh nước đến 6, 7 lần trên con dốc cao này mỗi ngày. Không có nước giặt giũ thường xuyên còn chịu được chứ nước dùng để sinh hoạt cá nhân và nấu ăn thì lúc nào cũng phải dự trữ”.

 Mong nước về bản

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đó, vì không có nguồn nước lớn và ổn định ở đầu nguồn nên xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây cho xã 13 bể chứa nước tại 10 bản. Và các bể này chỉ dùng để chứa nước mưa, hết mùa mưa, lượng nước chứa trong bể cũng chỉ sử dụng được khoảng 2, 3 tháng là cạn. Người dân lại phải ra các mó ở gần đó lấy nước về dùng. Vì vậy, tình trạng thiếu nước sinh hoạt thì vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều hộ dân trong xã muốn phát triển các mô hình kinh tế vườn, chuồng nhưng cũng đành bỏ dở chỉ vì thiếu nước.

Ông Điêu A Tủa cho biết thêm: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi gần 20 con bò, lợn và dê, nhưng do nguồn nước khan hiếm nên việc chăm sóc gia súc rất vất vả”.

“Hiện xã cũng đã khảo sát được một nguồn nước lớn dẫn từ Dào San, Tung Qua Lìn về phục vụ cho nhân dân trong xã vào mùa khô.Song nguồn kinh phí quá lớn, nên dự án cũng khó thực hiện được. Trước tình hình đó, nhân dân mong muốn được tỉnh, huyện quan tâm xây thêm bể chứa nước để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu nước của người dân trong mùa khô” - ông Lưu A Sài, Chủ tịch UBND xã bày tỏ.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của hơn 400 hộ gia đình trong xã, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhanh chóng giải quyết vấn đề để bà con yên tâm sinh hoạt và sản xuất. Nhưng không biết có phải do các cấp, các ngành “lực bất tòng tâm hay không?” mà đã nhiều năm trôi qua, Mù Sang vẫn chưa một lần thôi ngóng nước sinh hoạt về bản…

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...