Thứ bảy, 18/05/2024, 23:30 [GMT+7]

Mường Kim giảm tỷ lệ sinh con thứ 3

Thứ ba, 10/06/2014 - 09:40'
(BLC) – Tình trạng đẻ nhiều khiến đời sống của người dân đói nghèo, trẻ em không được học hành đầy đủ là hiện thực ở nhiều bản vùng cao của xã Mường Kim (huyện Than Uyên) nhiều năm trước. Từ nỗ lực của cán bộ, y sĩ Trạm Y tế Mường Kim, người dân đã nâng cao nhận thức về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGD).

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ y tế của Trạm đến bản Thẩm Phé - xa trung tâm nhất của xã Mường Kim. Khi tới nơi, bà con đã tập trung tại nhà trưởng bản khá đông đủ. Tiếng cười nói rôm rả của những chị em người dân tộc Khơ Mú, tiếng bi bô, chạy nhảy của đám trẻ con đi cùng mẹ và lẫn trong đó có vài giọng đàn ông trầm ấm. Đây là lần đầu tiên tôi đi theo chị Vũ Thị Kim Loan – nữ hộ sinh của Trạm đến bản này, nhưng với bà con có lẽ chẳng có gì xa lạ khi có cán bộ y tế đến. Mọi người tay bắt, chào hai cán bộ y tế khá thân thiết. Hỏi cặn kẽ mới biết, thì ra cứ hàng tháng cán bộ dân số và nữ hộ sinh trong Trạm đều đến bản tuyên truyền cho bà con về công tác DS-KHHGĐ tới người dân. Trong đợt tuyên truyền tháng trước, đông đảo người dân trong bản đã được tìm hiểu về các viện pháp tránh thai hiệu quả, đồng thời, được hướng dẫn cách sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục an toàn.

Phụ nữ trong xã đến khám thai định kỳ.

Chủ đề của buổi tuyên truyền tại bản ngày hôm nay là buổi vận động chị em phụ nữ không sinh con thứ 3. So với trước đây, những người sinh 2 con là chuyện hiếm có trong bản, bởi vì có nhà thì quan niệm sinh con nối dõi, nhà lại muốn đẻ nhiều để có người làm. Nhưng phần lớn là do thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai cộng với sinh đẻ không kế hoạch nên hầu như là đẻ “triền miên” hàng 5, 7 đứa. “Chuyện từ bỏ phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu từ bao đời nay của người dân vùng cao này không phải là chuyện một sớm, một chiều có thể giải quyết. Vì vậy, những năm qua chúng tôi thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động các hộ gia đình trong bản về lợi ích của việc không sinh con thứ 3. Ở những bản xa trung tâm thì công tác tuyên truyền càng phải chú trọng hơn”, chị Loan chia sẻ thêm.  

Buổi nói chuyện diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi thấy ai cũng phấn chấn, hào hứng lắng nghe. Lời nói truyền cảm, mạch lạc cùng những dẫn chứng cụ thể, các cán bộ của Trạm đã giảng giải, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cõ lẽ với tinh thần trách nhiệm cao nên không chỉ trong bản Thẩm Phé mà trên địa bàn toàn xã, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 của năm 2013 chỉ còn 14%, riêng đến hết quý I/2014, chỉ còn 9,3% (6/64 người đẻ) - con số khiến nhiều xã vùng cao trong huyện cần nhìn nhận và học hỏi theo.

… và được tư vấn.

Với xã Mường Kim nói chung, Trạm Y tế nói riêng, công tác DS-KHHGĐ luôn là vấn đề được quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và đời sống kinh tế - xã hội. Là địa bàn rộng và có số lượng dân số lớn nhất trong huyện, có nhiều bản cách xa trung tâm, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên xã còn nhiều khó khăn. Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác DS – KKHHGĐ, Trạm đã và đang thường xuyên phối hợp với nhiều đơn vị, chính quyền, đoàn thể trong huyện, xã tổ chức nhiều chương trình hành động về truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai…

Trao đổi với anh Lò Thanh Nguyện – Trạm trưởng Trạm Y tế Mường Kim, chúng tôi được biết thêm trong những lần Trạm xuống cơ sở khám chữa bệnh miễn phí hoặc lồng ghép với những lần khám phụ khoa và khám thai định kỳ tại trạm đều kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi và tư vấn cho người dân hiểu rõ vấn đề. Công tác tuyên truyền còn được thông qua hệ thống loa phát thanh của xã và kết hợp đến từng bản (25 bản) về các nội dung như: phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, làm mẹ an toàn…

Điều quan trọng hơn khi chúng tôi đến Trạm Y tế này chính là được trực tiếp chứng kiến cảnh rất nhiều “bà bầu” tới khám thai định kỳ. Đây có thể xem như là “phong trào” của người dân trong xã vùng cao này, đồng thời cũng đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức của đông đảo bà con về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Và ý thức về một đứa con chào đời khỏe mạnh sẽ là yếu tố hạt nhân để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và định hướng cho gia đình, con cái ấm no, hạnh phúc trong tương lai.

Trong năm 2013, 100% các thôn bản được tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình; 80% tỷ lệ người đẻ đến các cơ sở y tế; khám thai đủ 3 lần đạt 70%; trên 85% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai; không có trường hợp mắc tai biến sản khoa…

 

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...