Thứ ba, 21/05/2024, 15:47 [GMT+7]

Miền đất mới

Thứ ba, 18/09/2012 - 21:56'
(BLC) - Mới đó mà đã 10 năm chia tách thành lập huyện mới. Từ chỗ cái gì cũng “tạm” nếu không muốn nói là không có, đến nay Phong Thổ đã vươn mình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển khá cao trong tỉnh - miền đất mới hôm nay như thay da đổi thịt, cơ sở vật chất, con người và cả tư duy cũng rất “mới”.

Từ “tạm bợ”

Tháng 9 năm 2002, huyện Phong Thổ được chia tách thành 2 huyện Tam Đường và Phong Thổ. Huyện Phong Thổ chuyển về trụ sở mới với rất nhiều khó khăn. Tất cả những xã vùng cao, biên giới, giao thông đi lại khó khăn đều thuộc về Phong Thổ. Ngày chia tách “gia tài” của Phong Thổ gần như là những con số không: trụ sở nhà làm việc của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và các cơ quan của huyện chỉ gói gọn trong gần chục cái nhà xây cấp 4 tuềnh toàng; cán bộ công nhân viên phải đi thuê nhà ở, 5 – 6 người sinh hoạt trong căn phòng rộng hơn chục m2…

Một góc thị trấn phong thổ hôm nay.

Bấy giờ Phong Thổ “tạm bợ” lắm, cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, muốn đến các xã vùng bắc Phong Thổ như Mồ Sì San, Vàng Ma Chải, Sì Lờ Lầu… chỉ có cách duy nhất là quốc bộ vài chục km theo đường mòn. Nếu đem mà so sánh, bấy giờ chắc Phong Thổ cũng chỉ đứng sau huyện Mường Tè mà thôi. Khi đó lãnh đạo huyện Phong thổ xác định, mọi thứ phải bắt đầu khởi điểm từ không đến có và phải mất một thời gian dài mới bằng các huyện trong tỉnh.

Gần 4 năm sau ngày chia tách và thành lập huyện, Phong Thổ mới được UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình như trụ sở làm việc của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện. Thị trấn Phong Thổ bắt đầu chuyển mình như con rồng tỉnh giấc sau nhiều năm ngủ yên.

Giao thông phát triển thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Chỉ trong một thời gian ngắn những vạt đồi thấp nằm uốn lượn theo con suối Mường So được được san gạt tạo mặt bằng để phục vụ công tác xây dựng hạ tầng. Thị trấn Phong Thổ khi đó như một đại công trình, xe, máy của các đơn vị thi công hoạt động 3 ca để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng. Đến nay, 10 năm đã trôi qua, Phong Thổ đã thay đổi, “lột xác” để có được một cơ ngơi khang trang hiện đại sánh tầm cùng các huyện, thị khác trong tỉnh.

… đến đô thị khang trang

Bắt đầu năm 2006 các công trình, trụ sở, nhà làm việc của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, khu Trung tâm Hội nghị huyện đồng loạt khởi công. Ngày ấy cùng với thị xã Lai Châu, huyện Tam Đường, đại công trường Phong Thổ tấp nập xe máy, công nhân. Lúc đông lên đến vài trăm công nhân của các đơn vị tham gia thi công các công trình. Thị trấn Phong Thổ bắt đầu chuyển mình, những khu nhà làm việc dần được hoàn thành đã tạo cho Phong Thổ một diện mạo mới.

Chỉ trong vòng 3 năm thi công các công trình nhà làm việc của huyện đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, với kiểu dáng, kiến trúc của một đô thị vừa hiện đại nhưng lại mang nét đặc trưng riêng của thị trấn miền biên viễn.

Khu trung tâm hành chính và nhà làm việc của huyện uỷ được xây dựng khá khang trang.

Có thể nói thị trấn Phong Thổ được xây dựng trên địa thế sơn thuỷ hữu tình, với con suối Mường So hiền hoà chảy uốn lượn qua thị trấn. Bên bờ tả là khu trung tâm hành chính, chính trị huyện với hai dãy nhà trụ sở Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện nằm uy nghi bề thế hướng ra suối Mường So; Trung tâm hội nghị huyện đẹp nhất nhì trong tỉnh - đây chính là điểm nhấn trong bức tranh thị trấn huyện. Các cơ quan, phòng ban của huyện được xây dựng mới khang trang cao 2 – 3 tầng. Bờ hữu là các công trình của khối cơ quan, doanh nghiệp với hệ thống các ngân hàng, kho bạc, chi cục thuế… thuận tiện cho nhân dân đến giao dịch.

Nếu như trước đây nhân dân trong huyện khi nằm viện chữa bệnh trong các phòng cấp 4 ẩm thấp của Phòng khám đa khoa khu vực Mường So thì nay một bệnh viện mới hoành tráng, quy mô 100 giường bệnh cùng đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại; với đội ngũ y bác sĩ phục vụ tận tình tạo cảm giác cho người bệnh thoải mái, yên tâm mỗi khi đến khám chữa bệnh.

“Phong Thổ có được diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện. Từ năm 2002 đến nay Trung ương, tỉnh đã đầu tư cho huyện trên 1.200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện uỷ, UBND huyện trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như chất lượng các công trình. Mỗi công trình được đưa vào sử dụng đã làm đẹp thêm cho thị trấn đồng thời tạo điều kiện tốt cho cán bộ yên tâm công tác” - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện đã nhận định như thế khi trao đổi với chúng tôi.

Nông thôn mới

Cùng với việc đầu tư xây dựng thị trấn Phong Thổ thì các công trình phúc lợi của các xã đã được đầu tư xây dựng mới. Năm 2003 trở về trước muốn đến xã Sì Lờ Lầu thì chỉ còn cách đi bộ từ trung tâm xã Dào San vượt qua con dốc Vàng Ma Chải và đỉnh 9 tầng. Bà con muốn xuống chợ Dào san hay chợ huyện mua sắm thì phương tiện duy nhất là dùng ngựa thồ hàng. Còn bây giờ để đến Sờ Lờ Lầu chỉ mất 3 tiếng đi xe máy từ trung tâm huyện.

 Tuyến đường từ Dào San đi Sì Lờ Lầu được đầu tư trên 300 tỷ đồng mặt đường láng nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân 7 xã biên giới giao thương. Hình ảnh ngựa thồ hàng giờ đã là quá khứ mà thay vào đó những chiếc xe máy chạy tấp nập trên các tuyến đường mỗi ngày vào chợ phiên.

Không chỉ giao thông được đầu tư xây dựng, các công trình phúc lợi cũng được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng mới. Trụ sở các xã Dào San, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San… được xây dựng mới 2 tầng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Các điểm trường, trạm y tế xã được nhà nước đầu tư khang trang phục vụ việc học cho học sinh và khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến các xã vùng cao của huyện Phong Thổ hôm nay, hình ảnh thầy và trò cùng đứng vào một góc lớp tránh mưa đã không còn mà thay vào đấy các em được học dưới những mái trường kiên cố.

Phong Thổ từ một huyện có điểm xuất phát thấp nhất nhì tỉnh nay đã vươn mình đứng dậy trở thành một trong những đô thị hiện đại, văn minh; nằm ngay ngã ba sông Nậm Na với suối Mường So. Một Phong Thổ “mới” đang vươn mình trỗi dậy là cảm nhận của mỗi người khi đặt chân đến đây.

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...