Chủ nhật, 19/05/2024, 14:28 [GMT+7]

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề

Thứ sáu, 06/09/2013 - 09:10'
(BLC) - Hơn 3 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 20 nghìn lượt lao động được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 75%, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong những năm qua, bằng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh ta bước đầu thu được kết quả khích lệ. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn hàng năm tăng đáng kể, lao động sau đào tạo đã có việc làm và áp dụng vào sản xuất tại địa phương… Bên cạnh đó, sự liên kết, thỏa thuận giữa 3 bên: cơ sở đào tạo nghề - doanh nghiệp - người lao động trước khi tổ chức các lớp dạy nghề đã có sự thống nhất cao. Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và xã hội; các cơ sở đào tạo nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội chia sẻ: Một trong những hình thức dạy nghề phổ biến và thiết thực được các cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương trong tỉnh thực hiện trong những năm gần đây là tổ chức đào tạo lưu động. Tức là các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho lao động tại thôn bản, cụm bản, cụm xã. Điểm nổi bật là các lớp này tạo điều kiện cho học viên được học tại chỗ, học lý thuyết kết hợp với thực hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, nói đi đôi với làm áp dụng vào thực tế tại địa phương. Thông qua đào tạo, dạy nghề đã làm thay đổi nhận thức về nghề của người lao động, biết áp dụng những tiến bộ KHKT mới về nông – lâm – ngư nghiệp vào đời sống và sản xuất”.

Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề, thanh niên trong bản Phiêng Cưởm A, xã Mường Cang, huyện Than Uyên trồng nấm rơm.

Để thu hút lao động nông thôn tham gia học các ngành nghề, các Trung tâm Dạy nghề ở các địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề đến tất cả các tầng lớp lao động ở cơ sở. Phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho các đối tượng lao động nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, rà soát thực tế, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch liên kết đào tạo nghề. Khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động.

Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo cũng ngày càng được mở rộng đa dạng, phong phú hơn đáp ứng nhu cầu của địa phương, cũng như người lao động. Trong đó, tập trung đào tạo, dạy các nghề: Kỹ thuật lâm sinh, trồng cây lương thực – thực phẩm, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi ong, trồng cây ăn quả…

Trung tâm dạy nghề huyện Than Uyên là một trong những đơn vị điển hình trong công tác dạy nghề, Bà Hoàng Thị Anh – Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Than Uyên cho biết: “Với phương pháp đào tạo: 1/3 thời lượng lý thuyết, còn 2/3 thời gian thực hành và thực hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, giáo viên trực tiếp hướng dẫn học viên trên mô hình. Đồng thời lựa chọn đội ngũ giảng viên có trình độ, nhiệt tình và hiểu tiếng địa phương nhằm giúp học viên tiếp thu các nội dung ngành nghề đào tạo một cách dễ dàng. Qua đó, Trung tâm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học viên”.

Với cách làm đó, sau mỗi khóa học các học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô đầu tư để từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như anh Triệu Chòi Sinh ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than, Than Uyên) sau khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt chăn nuôi do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức anh đã biết áp dụng các kiến thức đã học vào phát triển diện tích thảo quả và nuôi dê. Nhờ vậy, đến nay gia đình anh đã có 1ha thảo quả, 1ha rừng thông, 50 con dê… trừ chi phí anh thu nhập mỗi năm được 100 triệu đồng. Không chỉ vươn lên thoát khỏi đói nghèo, gia đình anh còn có vốn để tái sản xuất.

Từ chủ trương, chính sách thu hút dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay mỗi năm toàn tỉnh đào tạo được khoảng 5.500 lượt lao động. Trong đó, ngành nghề nông - lâm nghiệp chiếm gần 87%, còn lại là các ngành nghề phi nông nghiệp. Quan trọng hơn cả là hơn 75% lao động sau đào tạo có việc làm và vận dụng trong phát triển kinh tế. “Để hoàn thành các mục tiêu đào tạo nghề theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI tỉnh Đảng bộ đề ra, chúng tôi tham mưu cho tỉnh tập trung vào giải pháp lồng ghép các nguồn lực để xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Đồng thời từng bước nâng cao số lượng và duy trì chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương, Trung tâm dạy nghề các huyện, thị tăng cường công tác tuyên truyền về dạy nghề, cung cấp thông tin, tư vấn giới thiệu học nghề về trồng cao su, phát triển chăn nuôi cho người lao động…

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...