Thứ ba, 07/05/2024, 05:36 [GMT+7]

Nỗ lực mang “con chữ” đến vùng cao

Thứ sáu, 05/04/2013 - 09:11'
(BLC) - 19h, tại xã Tà Mít (huyện Tân Uyên), trong “túp lều” lụp sụp khoảng 20m2, mái bờ - rô, nền đất, vách tre, một bên giường, một bên bếp..., cô giáo Dương Thị Cấp vừa nhóm củi nấu cơm, vừa tranh thủ đọc giáo án để chuẩn bị cho buổi lên lớp ngày mai. 21h30, máy phát  điện ngừng hoạt động cũng là lúc cô cần hoàn thành bài vở của mình.

Vượt khó…

Cô Cấp sinh ra tại Bắc Cạn, nhưng dạy ở Trường Mầm non xã Tà Mít. Con cô mới hơn một tuổi đã phải sống cùng ông bà ở quê, thế mà mỗi năm cô Cấp chỉ về thăm được một hoặc hai lần. “Nhớ con lắm nhưng đường xa, đi lại khó khăn, hơn nữa ai cũng về nhiều thì lấy ai dạy các em nhỏ ở đây”, giọng nghẹn ngào, cô Cấp tâm sự.

Giờ học Mỹ thuật của  cô giáo Nguyễn Thị Huyền - Trường Tiểu học Tà Mít.

Cũng ở trong “túp lều” như cô Cấp, cô giáo Duy Thị Gấm đang sống cùng chồng và con nhỏ 8 tháng tuổi. Quê ở Quảng Ninh, khi con mới vừa 5 tháng, cô Gấm không đành để con thiếu sữa mẹ, nhưng cũng không lỡ bỏ các em nhỏ nơi đây. Cô mang con lên vùng cao Tà Mít, chồng thương cô nên đi cùng trông cháu. Khi chúng tôi đến nơi cô Gấm ở, cô đang đi dạy, trong căn phòng chật hẹp, mái bờ-rô, anh Nguyễn Văn Tùng, chồng cô đang ngồi bế con trên giường. Trời nóng làm cả bố lẫn con mồ hôi ướt đẫm áo. Cháu khóc, anh lấy hộp sữa cho uống, rồi dỗ dành con “ừ…nín đi con, mẹ đang bận dạy học, sắp về rồi”. Nhìn cảnh đó, chúng tôi tự hỏi: có khi nào đang dạy, cô Gấm chạnh lòng khi nghe thấy tiếng con mình khóc đòi sữa?

Hơn 50 giáo viên khác của trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở xã Tà Mít, mỗi người một hoàn cảnh riêng, người xa con nhỏ, người xa mẹ già… Họ đang sinh hoạt và làm việc trong điều kiện bị cô lập, không sóng điện thoại, không internet, điện máy phát từ 19h đến 21h30 do giáo viên tự góp tiền mua dầu. Thế nhưng, họ đều nỗ lực hết mình với mong muốn giúp các em nhỏ nơi đây được tới trường như bao trẻ trên mọi miền Tổ quốc.

Xã Tà Mít cách thị trấn Tân Uyên gần 60 km. Đường vào xã gồ ghề, hiểm trở, trời mưa lầy lội, trời nắng bụi bay mịt mù. Nhiều lần cả tháng đường bị sạt lở, tắc nghẽn, xe không đi được, thầy cô phải tự thuê thuyền của dân, qua hồ nước lớn để ra thị trấn. “Có lần thuyền hỏng chúng tôi lại phải đi bộ hơn ba tiếng, vượt qua hơn 15km đường đất, bùn đến đầu gối để mua được đồ ăn tiếp tế” - Nguyễn Thị Huyền, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Tà Mít bộc bạch.

Chuyện xây trường, dựng lớp

Cuối năm 2011, sau tái định cư, xã Tà Mít còn nhiều dang dở. Trường, lớp, nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh còn thiếu thốn. Nhiều thầy cô không có phòng, phải ngủ nhờ nhà dân. Học sinh  thiếu lớp, thiếu phòng nội trú: “Vì không có đủ lớp học nên cùng một nơi, buổi sáng dành cho  tiểu học, chiều mầm non. Riêng các em nhỏ 5 tuổi học cả ngày, sáng không có phòng nên phải học ở dưới gầm sàn của lớp tiểu học, trưa thì phải mượn nhà dân làm phòng ăn” thầy Tô Hồng Điệp - Hiệu phó Trường Mầm non Tà Mít cho biết.

Được chính quyền địa phương cấp đất dựng trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Uyên hỗ trợ bờ-rô, sắt, đinh, phông bạt…, các thầy cô cùng bà con dân bản chặt tre, xẻ gỗ dựng lớp, dựng phòng. Những cây tre cách xã trên 2km, đường đồi núi khó đi, lại phải băng qua con sông mới đến được trường. Thế nhưng thầy cô vẫn cùng dân bản bỏ công sức để lấy về. Sau gần một tháng dựng trường tiểu học, tre, gỗ mang về vẫn không đủ, giáo viên phải huy động học sinh, mỗi người góp một mảnh gỗ nhỏ ghép lại để làm tấm ngăn giữa các lớp.

Đến nay, với sự nỗ lực của thầy, trò và bà con xã Tà Mít, trường lớp, phòng ở đã hơn trước nhiều. Thầy cô không phải ở nhờ dân, học sinh trung học đã có hai phòng nội trú, bốn lớp học; tiểu học và mầm non đã có 15 lớp; riêng các em nhỏ 5 tuổi đã có phòng học riêng, buổi trưa được ăn, nghỉ tại trường…

Nhiệt huyết, quyết tâm của tập thể thầy cô giáo giúp gần 500 học sinh Tà Mít đang được cắp sách đến trường. Tuy vậy, vẫn còn gia đình bận công việc, ít quan tâm đến con cái nên nhiều em bỏ học không lý do, bố mẹ cũng không hay biết. Chỉ cần ngày thứ hai học sinh không có mặt ở lớp là các thầy cô trong trường không ngại đường xa, đến tận nhà, tìm hiểu nguyên nhân, thuyết phục, động viên các em trở lại trường.

Dừng chân tại nhà ông Lò Văn Tình - bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, chúng tôi được nghe ông Tình kể lại: “Trước đây các cháu nhà tôi cũng hay nghỉ học lắm. Nhưng rồi được các thầy cô thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên nên bây giờ các cháu đi học chăm chỉ hơn và không đòi nghỉ học nữa”.

Tập thể giáo viên xã Tà Mít không những mang “con chữ” đến trẻ nhỏ, mà còn mở lớp học “xóa mù chữ” cho bà con dân bản. Ngày dạy trẻ, tối dạy xóa mù chữ cho nhân dân với hy vọng Tà Mít sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Chí Nghĩa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...