Thứ năm, 02/05/2024, 04:54 [GMT+7]

Người dân nâng cao nhận thức phòng, chống sốt rét

Thứ tư, 16/02/2022 - 20:26'
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Tè, tình hình sốt rét ở huyện vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tính đến 14/2/2022, phát hiện 105 ca ký sinh trùng sốt rét (KSTSR), tập trung chủ yếu tại các xã: Pa Ủ, Tá Bạ, Pa Vệ Sử, Bum Tở, Thu Lũm, Ka Lăng, Vàng San, trong đó xã Tá Bạ có 25 ca. Để giảm số ca mắc KSTSR trong thời gian tới, việc làm tiên quyết là nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng bệnh.

Xã Tá Bạ có 397 hộ với 1.848 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc La Hủ, Hà Nhì sinh sống bằng nghề nông nghiệp, làm nương. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ của người dân còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu, nhận thức của người dân về phòng, chống sốt rét còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với TTYT huyện Mường Tè triển khai các hoạt động phòng, chống sốt rét (PCSR) như: Phun, tẩm hoá chất, cấp màn cho Nhân dân; giám sát các hoạt động PCSR tại các xã trọng điểm (trong đó có xã Tá Bạ). Đồng thời, cử cán bộ tham gia cắm bản để thực hiện nhiệm vụ giám sát, điều tra các hoạt động PCSR: Lấy lam, thử test chẩn đoán nhanh cho tất cả Nhân dân trong bản, điều trị triệt để các ca ký sinh trùng mới, điều trị 1 liều dự phòng cho toàn dân có ký sinh trùng, điều tra tình trạng sử dụng màn PCSR của người dân tại bản. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, cung cấp các vật liệu truyền thông, tập trung ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho người dân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè).

Theo y sỹ Bùi Văn Tín - Phó trưởng Trạm Y tế xã Tá Bạ, hiện, người dân trong xã nhận thức về tác hại của sốt rét còn hạn chế nên chưa chú trọng đến công tác phòng, chống bệnh. Trong xã nhiều hộ dân chưa chú ý vệ sinh môi trường để cây cỏ mọc um tùm quanh nhà, rãnh nước không được khơi thông nên vào mùa mưa hình thành những vũng nước đọng, tạo điều kiện cho bọ gậy sinh trưởng và phát triển thành muỗi, người dân có thói quen ngủ không nằm màn. Để thay đổi nhận thức của người dân, Trạm Y tế xã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai công tác tuyên truyền PCSR ở các bản. Đồng thời, nâng cao kiến thức PCSR cho đội ngũ y tá bản là lực lượng nòng cốt, thường xuyên bám cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình khi xảy ra dịch bệnh sốt rét. Để việc PCSR có hiệu quả, ngoài công tác chuyên môn cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền; một nhân tố quan trọng khác là sự chung tay của người dân trong công tác PCSR.

Tuy nhiên, do địa hình xã Tá Bạ chủ yếu là đồi núi, dốc cao, hiểm trở có nhiều khe suối, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai dịch bệnh xảy ra bất thường. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân đi nương dài ngày, vào tháng 4, tháng 5 người dân đi vào rừng khai thác lâm sản, tháng 8 và tháng 9 người dân đi thu hoạch lúa nương, đây là thời điểm đầu và cuối mùa mưa nên muỗi truyền bệnh sốt rét phát triển và lây bệnh. Đặc biệt, nguồn kinh phí hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số nói chung và của chương trình sốt rét nói riêng hàng năm không có. Do vậy, các hoạt động triển khai giám sát, điều tra ca bệnh, ổ bệnh cũng như hỗ trợ phun tẩm màn bằng hóa chất không thực hiện thường xuyên, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, vừa qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cử 30 cán bộ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử 4 cán bộ hỗ trợ thực hiện PCSR tại 8 xã gồm: Pa Ủ, Tá Bạ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Ka Lăng, Vàng San, Mường Tè, Bum Tở. Tại xã Tá Bạ, Đoàn cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng đã hỗ trợ lấy 489 mẫu xét nghiệm KSTSR tại các bản trọng điểm (Nhóm Pố, Tá Bạ, Vạ Bù), không phát hiện ca KSTSR mới.

Anh Giàng Khừ Xa (bản Vạ Bù, xã Tá Bạ) cho biết: “Vừa qua trong bản có nhiều người bị mắc sốt rét do chủ quan. Được cán bộ y tế thường xuyên đến tuyên truyền cách PCSR nên người dân đã dần thay đổi nhận thức. Thường xuyên phát quang cây cỏ, khơi thông cống rãnh quanh nhà, khi ngủ nằm màn. Đặc biệt, khi đi làm nương dài ngày mang theo màn và thuốc dự phòng sốt rét. Vì thế, người dân trong bản không còn mắc sốt rét nữa”.

Hiện nay, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét thì việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện tốt các biện pháp PCSR như: khi ngủ phải nằm màn tẩm hóa chất; người đi vào vùng có dịch sốt rét phải mặc quần dài, áo dài tay, xoa kem xua muỗi; người dân đi làm nương ở vùng có dịch phải xoa kem xua muỗi vào vùng da hở; ngủ nằm màn tẩm hóa chất để tránh bị muỗi đốt; triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy… Khi phát hiện các dấu hiệu như: Sốt cao, rét run từng cơn, vã mồ hôi, ớn lạnh nhanh chóng đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...