Chủ nhật, 19/05/2024, 03:33 [GMT+7]

Người sở hữu hoàng bào triều Nguyễn

Thứ hai, 09/04/2012 - 08:29'
Trong giới sưu tầm cổ vật Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Hoàng nổi danh vì gần như là người duy nhất sở hữu hoàng bào cùng bộ sưu tập đồ sộ với hơn 40 áo thái tử, hoàng hậu và quan lại triều Nguyễn. 

Những ngày này, nhà sưu tầm cổ vật trẻ Nguyễn Hữu Hoàng (38 tuổi, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đang bận bịu với việc sắp xếp bộ sưu tập cổ vật trang phục cung đình tại nhà Tả Vu (Đại nội Huế) để trưng bày dịp Festival Huế 2012.

Trong đó giá trị hơn cả là chiếc hoàng bào, áo vua mặc trong các dịp thường triều, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng. Những người tận mắt chứng kiến hoàng bào đều không khỏi trầm trồ trước hoa văn, họa tiết tinh xảo trên áo.

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng bên áo hoàng bào triển lãm tại Festival Huế 2012. Ảnh:Nguyễn Đông.

Anh Hoàng cho rằng đây là áo vua Hàm Nghi bởi căn cứ vào nguồn gốc sưu tầm cũng như kích cỡ nhỏ (dài 1,07 m). Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định vì theo giới nghiên cứu, vua Duy Tân, Khải Định cũng có thân hình nhỏ gọn.

Đến với nghề sưu tầm cổ vật như một cơ duyên, năm 18 tuổi, anh Hoàng bị thu hút bởi những chén, đĩa… cổ của ông nội. Những ngày sau đó, có bao nhiêu tiền từ việc làm nghề khảm, anh đạp chiếc xe cà tàng khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế lùng mua cổ vật.

Thời đó đồ cổ ở Huế khá rẻ nên dù vốn liếng nhỏ nhưng anh “rinh” về nhà hàng trăm thứ đồ rồi mải mê ngắm nghía, lau chùi. Về sau, anh đi khắp nơi, thậm chí sang cả Lào, Trung Quốc để săn những cổ vật Việt bị thất lạc, tìm đến những bậc đàn anh để học hỏi kinh nghiệm…

Một ngày lang thang ra Quảng Trị, anh Hoàng tình cờ được chiêm ngưỡng chiếc áo của vua Nguyễn với hai mươi hình rồng năm móng được thêu nổi mặt trước sau, trên cánh tay và cổ áo. Phía trước ngực thêu chữ Thọ, dưới gấu áo là thủy ba. Dù áo đã phai màu và có một số chỗ đứt chỉ nhưng anh Hoàng biết đích xác đó là áo quý mà có nằm mơ anh cũng không nghĩ mình có vận may được gặp.

20 hình rồng năm móng cuộn tròn được thêu trên khắp hai mặt trước sau, cánh tay và cổ áo hoàng bào. Ảnh: Nguyễn Đông.

Những câu chuyện đầu tiên về chiếc áo đặc biệt này ngay lập tức thu hút Hoàng. Chủ nhân của chiếc áo ngày đó là ông cụ đã ngoài 90, thừa hưởng bảo vật từ ông nội. “Ông cụ cất giữ rất cẩn thận và cho biết mỗi năm chỉ đưa ra thắp hương một lần rồi gói lại, cất lên bàn thờ. Ai hỏi mua cụ dứt khoát không chịu bán dù không ít người đã trả giá cao ngất ngưởng”, anh Hoàng nhớ lại.

Hơn 20 ngày ròng tìm hiểu chiếc áo và thuyết phục ông cụ, cuối cùng anh Hoàng đã sở hữu được hoàng bào. “Mình mừng ra mặt nhưng lại băn khoăn chưa biết sẽ đặt hoàng bào ở vị trí nào trong nhà”, anh Hoàng kể. Sau khi mua trầm hương về xông áo của vị đế vương, anh cẩn thận bỏ vào tráp, đặt vào tủ thờ và giữ bí mật về chiếc áo.

Phải hơn 10 năm sau, anh Hoàng mới công bố với giới nghiên cứu. Ai cũng nửa tin nửa ngờ nhưng khi tận mắt chứng kiến, được sờ vào hiện vật, tất cả đều không giấu được sự bất ngờ, bởi cổ vật trang phục còn lại rất ít. "Không biết hữu duyên hay sao nhưng từ ngày mua được hoàng bào, rất nhiều trang phục cung đình thời vua Nguyễn như tìm nhau về với tôi mà không phải mất nhiều công sức tìm kiếm”, anh Hoàng chia sẻ.

Các trang phục khác như áo hoàng tử, hoàng hậu, quan lại… được trưng bày tại nhà Tả Vu (Đại nội Huế). Ảnh: Nguyễn Đông.

Đến nay, ngoài hoàng bào, anh Hoàng còn sở hữu hơn 40 trang phục cung đình như: áo hoàng hậu, áo thái tử, số còn lại là áo thượng triều, đại triều của các quan, áo hoàng thân… Ấp ủ mãi, cuối cùng anh quyết định trưng bày bộ sưu tập này trong Festival Huế cùng với sự kiện Năm du lịch quốc gia, với hy vọng sẽ là cầu nối đưa trang phục thất lạc sau nhiều biến cố lịch sử về trưng bày ở nơi nó ra đời.

“Qua đây cũng muốn công bố rộng rãi hơn đến giới nghiên cứu và du khách để mọi người có thể cầm, sờ vào những chiếc áo vốn quen thuộc với tầng lớp vua quan xưa, đồng thời phối hợp xác định rõ chiếc hoàng bào thuộc đời vua nào trong 13 vua Nguyễn”, anh Hoàng tâm sự.

Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đánh giá, bộ sưu tập về trang phục cung đình của anh Hoàng có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử, tất cả đều là thật. "Đặc biệt chiếc hoàng bào dù chưa xác định cụ thể của vua nào nhưng mỹ thuật, chất liệu cũng như những họa tiết trên áo đạt đến mức hoàn hảo”, ông Hải nói.

Ngoài bộ sưu tập trang phục triều Nguyễn, anh Nguyễn Hữu Hoàng còn sở hữu hai bức khảm trai được xem là độc bản ở Việt Nam về cựu hoàng Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương cùng hàng trăm đồ gốm ký kiểu triều Nguyễn. Dịp này anh cũng tham gia trưng bày số đồ gốm ký kiểu này trong triển lãm “Cổ vật di sản văn hóa Huế”.

 

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...