Thứ sáu, 03/05/2024, 01:18 [GMT+7]

Nghề báo giúp tôi trưởng thành hơn

Chủ nhật, 21/06/2015 - 21:20'
(BLC) - Khi mới vào nghề, làm việc ở Toà soạn Báo Lai Châu, tôi đã được học được nhiều điều từ các đồng nghiệp đi trước, đó là phải biết yêu nghề và luôn tìm tòi, học hỏi, bởi khi giỏi nghề thì không sợ một rào cản nào...

5 năm – khoảng thời gian không phải quá dài song cũng đủ để tôi hiểu được sự vất vả cũng như lòng nhiệt huyết của những đồng nghiệp với cái nghề gian nan và đầy nguy hiểm này. Những ngày đầu bước vào toà soạn, tôi bỡ ngỡ và bối rối, nhưng được Ban biên tập và các anh chị chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, góp ý cho tôi về cách viết, chia sẻ kinh nghiệm trong cách khai thác tư liệu cũng như để chụp một bức ảnh cân đối, đạt yêu cầu… Những việc đó đã giúp tôi trưởng thành dần lên.

Tác giả (người đứng thứ 2 từ trái sang) trong một lần tác nghiệp ở cơ sở.

Khi đã tích lũy được một chút kiến thức, kinh nghiệm, tôi được Ban Biên tập  tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách huyện Sìn Hồ. Đây là một huyện biên giới với muôn vàn khó khăn như: đường sá cách trở, cuộc sống của người dân còn bộn bề lo toan, thiếu thốn. Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, tôi cảm thấy nản chí, có lúc nghĩ mình không thể vượt qua được. Song được sự động viên của Ban Biên tập, các anh, chị đồng nghiệp cùng với lòng yêu nghề và muốn truyền tải cuộc sống của bà con nơi vùng đất “khó” Sìn Hồ đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh.

Vậy là đã 3 năm gắn bó với miền sơn cước ấy, mỗi chuyến công tác đều đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Đó là những chuyến đi đến với bà con Nhân dân xã Pu Sam Cáp để thu thập thông tin về phát triển kinh tế, khi lần đầu tiên bà con trong xã được chuyển giao khoa học kỹ thuật đưa các giống lúa mới, Nhị ưu 838 và Xuyên Hương vào gieo trồng. Ngay ở vụ đầu tiên thực hiện mô hình, năng suất lúa tại Pu Sam Cáp trên diện tích được hỗ trợ đầu tư của huyện đã đạt gần 70 tạ/ha – điều mà trước đến nay chưa từng có. Niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của những người làm báo như chúng tôi khi chứng kiến cuộc sống bà con có thêm nhiều thóc, gạo để bớt đi những ngày đói giáp hạt.

Kỷ niệm thì rất nhiều, song ám ảnh mãi trong tâm trí tôi đó là vào giữa năm 2012 khi tôi mới nhận nhiệm phụ trách địa bàn Sìn Hồ. Năm đó, khi tuyến Tỉnh lộ 129 từ thành phố Lai Châu đến huyện Sìn Hồ đang chuẩn bị thi công thì bị sạt lở nghiêm trọng. Với vai trò là phóng viên phản ảnh hiện thực cuộc sống, tôi đến đưa tin nhanh về vụ việc, cảnh báo người dân di dời và tránh xa vùng sạt lở. Để tiếp cận được hiện trường đó, tôi đã phải đi bộ trên quãng đường 2km ngập tràn bùn đất. Một mình trên hành trình đó, giờ nghĩ lại nhiều lúc tôi không tin mình có thể vượt qua. Và sự thật, tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để rồi giờ đây, tôi đã trưởng thành hơn và thấy yêu hơn nghề báo.

Khó khăn đối với một nhà báo đâu chỉ dừng lại ở đó, đặc biệt là với phái nữ thì công việc này lại càng gian nan hơn hết. Trong một lần đi khai thác thông tin về nạn buôn bán ma túy tại bản Hoàng Hồ (xã Phăng Sô Lin), một số đối tượng đe dọa, bắt tôi xoá hết ảnh đã chụp. Thấy tôi cương quyết không thực hiện theo lời chúng, một người trong số đó đã lao đến giật chiếc máy ảnh của tôi. Câu nói của một nhà báo nổi tiếng chợt hiện lên trong đầu tôi: “Một tác phẩm hay, và để thành công là khi ta biết trả giá cho nó, và không có cái giá nào là đủ”. Và nó đã cho tôi quyết tâm, động lực để bản thân bảo vệ những bức ảnh, thông tin mình đã lấy được tới cùng.

5 năm trong nghề, tôi đã phần nào hiểu được 2 từ “nguy hiểm” mà nhiều người đặt tên cho nghề báo. Nhưng đằng sau đó, tôi luôn thấy tự hào, hãnh diện vì mình có thể dùng ngòi bút của mình truyền tải những thông diệp, những số phận và cả những góc khuất của xã hội, mang hơi thở cuộc sống đến gần độc giả hơn.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...