Chủ nhật, 19/05/2024, 10:33 [GMT+7]

Những học sinh 'buồn nhiều hơn vui' khi trúng tuyển đại học

Thứ hai, 23/09/2013 - 08:44'
Sớm phải mồ côi bố, mẹ lại bệnh tật mất khả năng lao động, giấy báo trúng tuyển đại học đối với nhiều em mang lại những nỗi lo âu nẵng trĩu.

Khác với hàng triệu sĩ tử cả nước, khi nhận được tin đỗ vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội, chàng trai Vũ Văn Sinh (Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình) lại buồn rười rượi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đến mức Sinh không dám nghĩ đến việc sẽ được bước chân vào giảng đường.

Không có bố, mẹ lại chẳng được nhanh nhẹn, tháo vát, tuổi thơ của Sinh đã quen với việc phải đi ở nhờ nhà người thân. Ở với bà cô một thời gian, mẹ con em lại phải thu dọn về nhờ gia đình người bác ruột. Cảnh không nhà khiến Sinh và mẹ luôn sống trong buồn tủi.

Niềm vui đầu tiên trong đời đến với cậu là được xã hỗ trợ để cất cho mẹ con ngôi nhà che mưa che nắng. Khi ấy Sinh học lớp 10. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, cậu bé 15 tuổi lại phải chịu nỗi đau đớn khi mẹ cậu bị viêm màng não, mất hết nhận thức. Sinh vừa đi học, chăm mẹ, vừa lo việc đồng áng và làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Cày cuốc, gieo mạ, cấy lúa xong, Sinh nhận làm bạt, xếp bàn ghế cho đám cưới...

Vũ Văn Sinh vừa học, vừa tất bật việc đồng áng, lại phải chăm mẹ ốm nhưng vẫn đỗ đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ảnh: Tiến Thắng (TT).

Vũ Văn Sinh vừa học, vừa tất bật việc đồng áng, lại phải chăm mẹ ốm nhưng vẫn đỗ đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ảnh: Tiến Thắng.

Bữa cơm của hai mẹ con cậu bé nghèo không thịt, cá, chỉ có rau dưa và nước phở xin được ở quán người hàng xóm. Thế nhưng càng khó khăn, nghị lực của Sinh càng cao bởi cậu biết chỉ có con đường học tập mới giúp em và mẹ thoát ra khỏi cảnh cơ cực, bần hàn.

"Nhưng đến khi cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, em lại không biết có thể xoay sở ở đâu để có tiền đóng góp đầu năm. Rồi mẹ đau ốm cũng không biết nhờ ai trông nom", Sinh rơm rớm nước mắt.

Cảm thông với hoàn cảnh của Sinh, những người hàng xóm tốt bụng và xã nơi cậu sinh sống đã quyên góp được 6 triệu đồng để cậu trò nghèo hiện thực hóa giấc mơ vào giảng đường. Sinh cũng được giới thiệu vào ở nhờ trong một ngôi chùa thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) - gần với trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội để tiện đi học. Mẹ em phải gửi lại hàng xóm chăm nom.

Cũng đỗ vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Lê Thị Minh Đức (Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cũng đứng trước nguy cơ phải đứt gánh học giữa đường khi gia cảnh quá khó khăn. Cả gia đình bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Bố mẹ đều ốm đau, bệnh tật, để có tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc, cả nhà phải cật lực lao động, làm mướn.

Cách đây 4 năm, bố Đức bị đột quỵ và qua đời khi đưa con trai đi bệnh viện ở Hà Nội chữa bệnh. Không còn trụ cột trong gia đình, lại mang khoản nợ lớn khi chữa bỏng cho em trai, Đức và mẹ phải gồng mình, lo việc đồng áng lại tranh thủ đi gặt thuê. Hàng ngày, mẹ em phải dậy từ lúc gà chưa gáy để đi tráng bánh thuê. Ở trong xã, ai thuê gì bà làm nấy, chắt bóp từng đồng để trả nợ.

Vất vả, thiếu thốn nhưng không vì thế mà Đức chểnh mảng việc học. Sau những buổi làm đồng dưới trời nắng cháy, người đau ê ẩm, cô vẫn ngồi học bài say sưa. 3 năm cấp 3, cô đều là học sinh xuất sắc của trường, giành được giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Tốt nghiệp THPT, Đức xin mẹ cho xuống Hà Nội thi đại học. Sợ không đủ sức nuôi hai con ăn học, bà gạt nước mắt hỏi Đức "hay đừng đi thi đại học nữa, ở nhà mẹ nhờ người xin cho đi làm công nhân". Nhưng bà cũng không đành lòng để con phải từ bỏ ước mơ. Thương mẹ con Đức côi cút, hàng xóm góp tiền cho cô đi thi. Đức đã không phụ lòng của những người nông dân tốt bụng khi đỗ đại học với điểm khá cao.

Phạm Đức Lưu chỉ nặng 40 kg, mẹ đã ngoài 60 tuổi phải vất vả nuôi em ăn học. Ảnh: Hoàng Thùy.

Phạm Đức Lưu chỉ nặng 40 kg, mẹ đã ngoài 60 tuổi phải vất vả nuôi em ăn học. Ảnh: Hoàng Thùy.

Còn với Phạm Đức Lưu (Kiến Xương, Thái Bình), nghèo khó thiếu thốn khiến cậu thanh niên đã 18 tuổi nhưng chỉ nặng 40 kg. Không có cha, hai mẹ con em nương tựa vào nhau để sống và thường xuyên có những bữa ăn thiếu chất. 

Nhà có hai sào ruộng, đến mùa, Lưu nhổ mạ, mẹ đi cấy. Cậu bé loắt choắt cứ thoăn thoắt làm việc đồng, phụ với mẹ nay đã ngoài 60. Nhiều lúc mệt mỏi, tủi thân, nhưng mẹ luôn bên cạnh động viên, Lưu quyết tâm học thật tốt.

Đỗ vào ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), hai mẹ con mừng tủi ôm nhau khóc. Vui đấy, nhưng nỗi buồn nặng trĩu bởi người mẹ đơn độc không biết bằng cách nào có tiền hàng tháng nuôi con. Bà chạy vạy khắp nơi, mượn người thân, hàng xóm một khoản tiền bảo Lưu cầm đi đóng học đầu năm.

"Em thương mẹ lắm, giờ mẹ phải ở nhà một mình, lại hay ốm đau. Em sẽ kiếm việc để làm thêm và học thật tốt để đền đáp cho mẹ", Lưu nói.

Cũng lớn lên từ ruộng đồng ở Đông Hưng, Thái Bình, Phạm Viết Đức nuôi ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ cha. Đỗ vào ngành Dược học (ĐH Y Thái Bình), Đức lại băn khoăn không biết có thể nhập học hay không khi gia đình đang lâm vào cảnh túng bấn.

Bố em đã 65 tuổi vẫn phải đi làm thợ xây, thường xuyên đau ốm nên thu nhập bình quân hàng tháng chỉ 1,5 đến 2 triệu đồng. Mẹ 60 tuổi bị mắc bệnh thấp khớp không thể đi lại, không có khả năng lao động. Hàng ngày, ngoài việc học tập, Đức phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng chỉ với 1,5 sào ruộng, mỗi năm tổng thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng 2 triệu đồng. Với khó khăn chồng chất, dù đỗ đại học, Đức có thể phải nghỉ học để bươn chải kiếm sống.

Hay em Vi Thị Vân (Hoàng Lâu, Tam Dương, Vĩnh Phúc), sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo. Ruộng ít nên mẹ phải đi làm thuê, bán hàng rong nuôi con. Kinh tế đã thiếu thốn, cuộc sống tinh thần của ba mẹ con cũng bị dày vò bởi người cha bị bệnh thần kinh, không kiểm soát được hành vi của mình. Tuy khó khăn về vật chất nhưng mẹ vẫn luôn động viên Vân học tập, đó là động lực để em giành vị trí á khoa vào ĐH Công Đoàn. 

"Em sẽ cố gắng học tập và tranh thủ làm thêm để mẹ đỡ vất vả. Em ước sẽ trở thành một luật sư trong tương lai", Vân tâm sự.

Tất cả nỗi lo về khoản đóng học đầu năm của các tân sinh viên nói trên đã được giải tỏa khi các em được quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" giúp đỡ. Rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được trợ giúp như Phạm Thị Ngọc Ánh (Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ), Hoàng Lan Hương (Kim Phú, Yên Sơn, Tuyên Quang), Cao Văn Sơn (Xã Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên)...

Sáng 22/9, chương trình "Tiếp sức đến trường" 2013 đã trao học bổng cho 200 tân sinh viên vượt khó học giỏi 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc. Tổng kinh phí học bổng 1 tỉ đồng (mỗi em được nhận 5 triệu đồng kèm quà tặng).

 

Theo Hoàng Thùy VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...