Thứ bảy, 18/05/2024, 15:51 [GMT+7]

Những “người lính” trong cuộc chiến cứu người

Thứ ba, 05/01/2016 - 11:30'
(BLC) - Những tháng cuối năm, nhất là thời điểm tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần, công tác thu gom và bảo quản máu tại Khoa Huyết học Truyền máu (HHTM) - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh lại trở nên bận rộn hơn bao giờ hết bởi đảm bảo lượng máu trong kho dự trữ có đủ các nhóm máu và đơn vị máu là nhiệm vụ hàng đầu của Khoa.

Có lẽ nhiều người cho rằng, công việc của những người làm công tác bảo quản, lưu trữ máu trong bệnh viện là nhàn hạ nhất bởi ít khi phải xuất hiện trước bệnh nhân, không trực tiếp khám chữa bệnh và bởi lẽ những cán bộ ấy hiếm có dịp được trò chuyện cùng người nhà bệnh nhân. Nhưng những “người lính trong cuộc chiến cứu người” này chính là gốc của sự sống, niềm hy vọng. Có dịp tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của các cán bộ trong Khoa HHTM, chúng tôi mới thấy hết được những vất vả, khó khăn họ đang trải qua mỗi ngày. Với họ, công việc tưởng chừng như “cơm bữa” là đảm bảo máu trong kho phải thường xuyên đầy đủ rất căng thẳng, có khi là nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi người. Không phải là sợ cấp trên khiển trách, mà lo sợ sẽ không cứu được người bệnh nếu thiếu đi nguồn máu dự trữ. Sự tận tâm, tận lực được thể hiện rõ trên khuôn mặt của các cán bộ trong Khoa, khi lượng máu trong kho đủ, ai nấy phấn chấn làm việc. Nếu thiếu nhóm máu nào, cả đội lại “chạy đôn chạy đáo”, mất ăn, mất ngủ tìm nguồn máu.

Các bán bộ khoa Huyết học Truyền máu phân loại nhóm máu để bảo quản.

Mùa xuân lại đến, khi những cánh đào, cành mai bắt đầu khoe sắc; nhà nhà, người người sum họp bên mâm cơm ấm cúng của không khí tết đang đến gần thì những cán bộ khoa HHTM lại tranh thủ ăn nhanh từng bữa cơm để chuẩn bị cho chiến dịch “tìm máu cứu người”. “Máu và chế phẩm máu là thứ chỉ lấy duy nhất ở từng người hiến máu, không thể tự sản xuất hay điều chế được nên lượng máu thu gom được không phải lúc nào cũng dồi dào hay có sẵn. Bởi vậy, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người có đủ sức khỏe và điều kiện hãy tham gia hiến máu cứu người” – Bác sĩ Vũ Thị Tơ – Phó Trưởng Khoa HHTM chia sẻ.

Thực tế cho thấy, những ngày giáp tết, số lượng máu cần cho người bệnh luôn trong tình trạng khan hiếm. Còn nhớ mùa xuân năm 2014, dù trong kho của Khoa vẫn còn  dự trữ được từ 200 – 300 đơn vị máu các loại nhưng vì số lượng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cần máu tăng cao nên vẫn thiếu máu. Hay như thời điểm tháng 11 vừa qua, trong kho chỉ còn lại nhóm máu O nhưng số lượng bệnh nhân cần nhóm máu A, B tăng đột biến khiến công tác tìm kiếm máu kịp thời cho bệnh nhân gấp rút, khẩn trương hơn. Trước tình hình đó, việc làm ưu tiên là lấy máu từ người nhà bệnh nhân hoặc liên hệ đến Hội Chữ Thập đỏ tỉnh để kêu gọi các tình nguyện viên hiến máu cứu người. Cũng có khi, chính các cán bộ, y bác sỹ lại trở thành người cung ứng máu khi bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Trường hợp của bác sĩ Tạ Xuân Đông – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh là một ví dụ. Với lương tâm của một người “thầy thuốc như mẹ hiện”, anh đã không quản ngại đêm hôm lạnh giá sẵn sàng đến hiến máu cứu người bệnh của mình.

Trong số hàng trăm người vẫn thường xuyên đến BVĐK hiến máu mỗi năm, lực lượng đoàn viên thanh niên là cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh được coi là những tấm gương đi đầu trong “trận tuyến cứu người”. Các anh đã tự nguyện đến Khoa HHTM để đăng ký hiến máu trong mỗi đợt phát động cũng như đột xuất. Điển hình nhất là đồng chí Lò Văn Minh – Phòng PC65 (Công an tỉnh). Năm 2015, người chiến sỹ công an trẻ tuổi này đã đến hiến 2 lần máu cho Khoa, nhờ đó, số lượng bệnh nhân được cứu sống nhờ nguồn máu quý giá của anh cũng được tăng lên.

Hiện nay tại Khoa HHTM, ngoài những thiết bị dành cho công tác xét nghiệm, phân tích mẫu máu, kho dự trữ và bảo quản máu là vật quan trọng nhất của Khoa HHTM. Trong khoa có đủ các giá đựng các loại máu. Mỗi khi có máu từ Viện Huyết học Trung ương hoặc nguồn máu được huy động từ các đợt phát động hiến máu tình nguyện do Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phát động hay có người trực tiếp đến hiến máu tại Khoa, các cán bộ sẽ lọc và ghi ký hiệu các loại máu để phân loại nhóm máu. Điều đặc biệt trong bảo quản máu là sau 24 giờ thì không thể bảo quản được. Như vậy có nghĩa sau khi máu được đưa về phải không quá 24 tiếng, các cán bộ của Khoa sẽ tách khối hồng cầu và bảo quản chế phẩm máu trong môi trường 2 – 8oC. Các đơn vị máu này chỉ có thể sử dụng được trong vòng 42 ngày, sau thời gian này, dù trong kho còn máu cũng phải hủy để lưu trữ lượng máu mới, đáp ứng việc cung cấp máu cho bệnh nhân. Trời đã xế chiều, giờ tan ca cũng chuẩn bị điểm, những cán bộ trong Khoa vẫn cần mẫn với công việc của mình. Trách nhiệm của những người làm nghề y ấy không đơn thuần là làm cho trọn vẹn công việc mà còn là lương tâm mỗi người. Niềm vui khi cứu sống được một người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch, giúp người bệnh lấy lại tinh thần, niềm tin đã và đang là sức mạnh để cán bộ Khoa HHTM hăng say với “cái nghiệp” của mình.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...