Thứ tư, 15/05/2024, 20:18 [GMT+7]

Niềm vui đón Tết

Thứ bảy, 14/02/2015 - 18:15'
(BLC) - Sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Tam Đường đã chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Người dân vùng có rừng tăng thêm thu nhập, có tiền mua sắm quần áo mới, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, niềm vui đón Tết thêm trọn vẹn. 

Những ngày áp tết, chúng tôi có dịp trở lại xã Hồ Thầu, hòa chung với không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp bản làng là niềm vui, sự phấn khởi khi bà con ở các bản đều tập trung về xã nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Cầm số tiền trên tay, chị Phàn Thị Quây ở bản Đội 4, xã Hồ Thầu vui mừng nói: “Hai năm trở lại đây cứ đến gần tết bà con trong bản lại được nhận tiền chi trả DVMTR nên phấn khởi lắm. Số tiền đã phần nào giúp bà con mình bớt khó khăn, đón một cái tết ấm no. Có tiền, bà con ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, thường xuyên thay phiên nhau đi tuần tra, canh gác không cho các hộ gia đình lên đốt nương, chặt phá rừng bừa bãi để rừng phát triển”.

Bà con xã Sùng Phài, huyện Tam Đường nhận tiền chi trả  dịch vụ môi trường rừng.

Niềm vui của chị Quây cũng là niềm vui chung của bà con các dân tộc địa phương trên địa bàn xã. Trong câu chuyện của bà con đều xoay quanh chủ đề: Có tiền từ DVMTR ai cũng muốn rủ nhau xuống chợ huyện sắm tết với bao nhiêu dự định người thì mua quần áo mới cho các con, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình chuẩn bị một cái tết tươm tất, người thì mua sắm các dụng cụ phục vụ sản xuất. Tất cả tạo nên bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc, hân hoan đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Những năm gần đây, xã Hồ Thầu được biết đến là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Tam Đường với trên 2.800ha, diện tích rừng được phân đều ở 10 bản. Riêng năm 2014, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, 620 hộ trong xã nhận được tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Với số tiền mỗi hộ nhận được gần 3 triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR, đây là số tiền lớn giúp bà con trang trải cuộc sống hàng ngày, giảm bớt khó khăn, gánh nặng về kinh tế.

Nếu như trước đây, xã thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng, chặt phá rừng thì chính sách chi trả DVMTR đã thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực để Nhân dân gắn bó với rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Giờ đây, để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn xã, ở các đường mòn dẫn lên các khu rừng đều có những biển báo, biển cấm xâm hại rừng để nhắc nhở, tuyên truyền bà con nêu cao ý thức bảo vệ rừng. Các tổ xung kích thay phiên nhau tuần tra, canh gác không để tình trạng săn bắt, đốt nương, phá rừng làm rẫy diễn ra như trước.

Bà con bản Chu Va 12, xã Sơn Bình phát dọn thực bì.

Những ngày này đi đến các xã từ vùng thấp đến vùng cao bà con ở các xã Khun Há, Bản Hon, Sơn Bình, Tả Lèng, Sùng Phài đều được hưởng lợi từ rừng. Người được nhiều thì 4 triệu ít thì cũng được 1 triệu đồng. Số tiền giúp bà con đón tết ấm no, đầy đủ hơn, các hộ nghèo không lo bị đói. Thời điểm này, huyện Tam Đường có trên 32.000ha rừng được chi trả từ nguồn DVMTR với 55 nhóm hộ và 7.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài, tổng kinh phí chi trả gần 19 tỷ đồng. Số tiền này đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Mỗi diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR cao hơn năm 2013 là 100.000 đồng. Chính sách chi trả DVMTR đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng dễ dàng hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục tăng lên. Đây là những kết quả bước đầu tích cực, là tiền đề cho người trồng rừng, bảo vệ rừng yên tâm, có thu nhập ổn định từ rừng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường cho biết: “Việc giao khoán rừng để chi trả DVMTR trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương quản lý rừng bền vững, làm cho rừng thật sự có chủ và người dân được hưởng lợi khi quản lý bảo vệ rừng. Để việc chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích thì công tác rà soát xác định chủ rừng, diện tích được chi trả DVMTR được chúng tôi rà soát hàng năm, triển khai chặt chẽ đúng quy định. Tuy nhiện để việc xác định diện tích ranh giới rừng chính xác, chi trả tiền đúng đối tượng thời gian tới rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng”.

Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Tam Đường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là tiền đề cho người dân có rừng tiếp tục phát triển các nguồn lợi từ rừng. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên 48,5%, các vụ vi phạm liên quan đến rừng được hạn chế đáng kể tạo nguồn lực vững chắc để diện tích rừng phát triển.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...