Thứ hai, 06/05/2024, 21:38 [GMT+7]

Phát huy vai trò của tri thức trẻ trên vùng đất khó

Thứ ba, 30/06/2015 - 14:58'
(BLC) - Vượt qua những khó khăn ban đầu bởi sự cách biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương, các trí thức trẻ huyện Mường Tè đã và đang từng bước khẳng định được năng lực trên các lĩnh vực được phân công phụ trách.

Được trúng tuyển Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở, huyện Mường Tè, đội viên Lê Thị Xiêm đã làm được nhiều việc mà cấp trên và người dân mong đợi. Nhớ lại ngày mới về xã nhận nhiệm vụ, chị Xiêm chia sẻ: “Năm 2012, tôi nhận nhiệm vụ tại xã Bum Tở, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Bà con phần đông là đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Cứ vào mùa giáp hạt, bà con lại phải ăn cơm độn ngô, sắn hoặc trông chờ vào sự cứu trợ của nhà nước. Bữa ăn hàng ngày có đủ cơm, canh rau với ít muối ớt là sang lắm rồi. Bởi vào thời điểm đó, ngay cả ngọn vả cũng chụi sạch vì đó là món nhắm rượu của người dân. Mải lo cái ăn nên người dân cũng ít quan tâm đến việc học của con em mình…”.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, chị Xiêm thường xuyên xuống các bản nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bào con; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện chăm sóc con cái, phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm bám dân, gần cơ sở, tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” bà con đã dần hiểu được lợi ích của việc sinh 2 con. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cũng như các chương trình hoạt động do các tổ chức, đoàn thể tổ chức… Nhờ vậy chị đã dần tạo dựng được niềm tin yêu trong đồng bào dân tộc La Hủ. Cũng nhờ sự tin yêu đó, bà con đã nghe theo những gì chị Xiêm hướng dẫn. Từ chỗ tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 40,3% vào năm 2013 đến hết năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 30%. Tỷ lệ học sinh đến lớp cũng tăng hàng năm. Năm học 2014 – 2015, tỷ lệ hoc sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 95%. Là dân tộc có duy nhất ở Lai Châu và trong cả nước, chị Xiêm hiểu việc khơi dậy và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc La Hủ là việc làm có ý nghĩa quan trọng, chị đã vận động các bà, các mẹ tổ chức truyền dạy các điệu múa, bài hát của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Đến nay, 8/8 bản đã thành lập được đội văn nghệ, các đội văn nghệ thường xuyên luyện tập phục vụ các dịp lễ, tết… thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Tình trạng nhậu nhẹt trong thanh niên cũng nhờ đó mà giảm hẳn.

 

Đội viên Lê Thị Xiêm thường xuyên nghiên cứu tài liệu nâng cao nghiệp vụ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Mường Tè là một trong 63 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nguồn lực cán bộ của huyện, có cả cán bộ địa phương và cán bộ từ nơi khác đến công tác. Tuy nhiên, đối với cấp xã chủ yếu là nguồn cán bộ địa phương, một số xã, thị trấn có thêm đội ngũ cán bộ luân chuyển tăng cường theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Thực hiện Quyết đinh số 675/QĐ-UBND ngày 21/6/2012 về việc phê duyệt danh sách đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tỉnh Lai Châu tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo của tỉnh, trong đó có huyện Mường Tè. Theo đó, năm 2012, huyện Mường Tè được tiếp nhận 8 đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã về giúp việc cho các xã: Bum Tở, Nậm Khao, Can Hồ, Nậm Hàng, Nậm Manh, Bum Nưa, Mường Tè, Vàng San. Sau khi chia tách huyện Nậm Nhùn (năm 2013) huyện Mường Tè còn 6 đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.

Đến nay, sau gần 3 năm tham gia công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, các đội viên đã cơ bản nắm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, nhiệt tình và trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và điều hành, phân công của Thường trực UBND xã, các đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã đã từng bước cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để các đội viên phát huy vai trò của mình, huyện Mường Tè thường xuyên tổ chức kiểm tra và nắm bắt tình hình các đội viên Dự án, thường xuyên quan tâm, theo dõi, chỉ đạo, tạo điều kiện để đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vượt qua mọi khó khăn, các đội viên đã kịp thời tiếp cận công việc và phối hợp với các tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công như: tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, công tác phổ cập giáo dục, tuyên truyền và lập đề án xây dựng nông thôn mới, xoá nhà tạm, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chỉ đạo Nhân dân phát triển sản xuất theo kế hoạch...

Với sức trẻ, quyết tâm giúp xã thoát nghèo, các đội viên đã chủ động xuống thôn, bản tìm hiểu phong tục tập quán, cách thức sản xuất, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân… Nhiều đội viên đã tham mưu, đề xuất cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương như: “Đề án Trồng rừng”, “Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng”, “Kế hoạch trồng mướp đắng cho một số hộ gia đình tại bản Nậm Hạ B và bản Seo Hai, xã Can Hồ”, “Đề án cải thiện nước sinh hoạt cho dân tộc H’Mông điểm dân cư Suối Voi, xã Can Hồ”… Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán trong lao động sản xuất của đồng bào theo phương thức mới, dần thay đổi các tập quán văn hóa lạc hậu của người dân. Đồng thời, thể hiện được tinh thần cầu thị, dám nghĩ dám làm của lớp trí thức trẻ hôm nay.

Theo đánh giá của Phòng Nội vụ huyện Mường Tè, qua gần 3 năm công tác, các tri thức trẻ đã có nhiều tiến bộ, được chính quyền và Nhân dân tín nhiệm, đặc biệt các đội viên đã nhanh chóng vượt qua điều kiện khó khăn, nhanh nhạy trong tiếp cận phong tục tập quán và ngôn ngữ địa phương, xây dựng được mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền sở tại, tham mưu hiệu quả cho các xã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế, chủ động áp dụng kiến thức được học vào công việc chuyên môn.

Bên cạnh đó, các đội viên còn chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND xã các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ; thực hiện tốt việc cải cách hành chính và thi hành công vụ để phù hợp với chuyên môn. Đặc biệt, gương mẫu, nghiêm túc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu; chấp hành đúng quy định về thời gian, quy chế làm việc… góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ công chức xã trong thực hiện lề lối, tác phong, phong cách làm việc trong cơ quan.

Với hành trang tri thức, sự tự tin, bản lĩnh, lòng nhiệt huyết, các trí thức trẻ huyện Mường Tè đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các xã nghèo từng bước khắc phục khó khăn, đưa đời sống Nhân dân ngày một nâng lên, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo  ở địa phương.

Thanh Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...