Thứ sáu, 17/05/2024, 01:46 [GMT+7]

Phó chủ tịch Hà Nội quanh co trả lời chất vấn

Thứ sáu, 09/12/2011 - 14:14'
Sáng 9/12, bị truy vấn về trách nhiệm để mọc lên quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô dẫn đến quá tải dân cư, ùn tắc giao thông, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lúc thì đổ lỗi cho quy hoạch, lúc lại do cơ chế.> 'Tăng phí trước bạ ôtô không thể giảm ùn tắc'

Trước đại biểu HĐND thành phố, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi báo cáo hàng loạt vấn đề và các giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, công trình chậm tiến độ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...

Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh đặt ra câu hỏi: "Thành phố có biện gì để giải quyết nạn ùn tắc trước mắt và lâu dài?". Theo Phó chủ tịch thành phố, liên quan tới giao thông có nhiều vấn đề phức tạp nhưng chung quy vẫn là giảm ùn tắc. Hiện Hà Nội gặp nhiều khó khăn như đất dành cho giao thông ít, đường nhỏ, thiếu phương tiện công cộng, thiếu bãi đỗ xe...

Để giải quyết, ông Khôi dẫn ra một danh mục dài tới gần 10 giải pháp. Tất cả đều đã và đang được thành phố tiến hành như tuyên truyền văn hóa giao thông; tái cơ cấu và tăng xe buýt; phát triển đường sắt đô thị; hạn chế phương tiện cá nhân, tăng mức phạt; đổi giờ học giờ làm...

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, dân số cỡ một phường, một quận đang dồn vào các khu đô thị mới hình thành trên đất các nhà máy được di dời. Ảnh: Đ.L.

Chỉ ra nguyên nhân ùn tắc là do tập trung quá nhiều nhà cao tầng ở khu vực nội đô, đại biểu Nguyễn Hoài Nam dẫn chứng sau 10 năm, Hà Nội di dời được một số nhà máy, nhưng di dời xong, tại vị trí đó lại trở thành chung cư cao tầng như khu đô thị quy mô ở Minh Khai (trên đất nhà máy dệt 8/3), khu đô thị Royal City ở Ngã tư Sở hay tại vị trí cũ của công ty văn phòng phẩm Hồng Hà....

"Thẩm quyền phê duyệt thuộc Chính phủ hay thành phố? Tới đây, trong phương án các bộ di dời, trụ sở cũ có làm nhà cao tầng nữa không?", đại biểu Nam chất vấn.

Cũng theo đại biểu này, 10 năm qua, thành phố chưa dời được bất cứ trường học, bệnh viện nào ra khỏi trung tâm trong khi đó, các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, ĐH Ngoại thương tăng quy mô, mật độ xây dựng với nhiều công trình xây thêm. Ông Nam muốn Phó chủ tịch thành phố giải trình trách nhiệm của thành phố, Chính phủ về vấn đề này.

Cùng chung băn khoăn, đại biểu Nguyễn Xuân Diên cũng muốn thành phố làm rõ việc thực hiện di dời các trường đại học, bệnh viện như thế nào khi mà quỹ đất đã ken dày các dự án bất động sản.

Đáp lại hàng loạt câu hỏi của đại biểu, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc di dời các cơ sở nhà máy, trường học... ra khỏi nội đô phải tính tới phương án tạo nguồn vốn cho chủ cơ sở có điều kiện xây dựng trụ sở mới. Đối với bệnh viện, ưu tiên di chuyển cơ sở bệnh truyền nhiễm ra các huyện ngoại thành. Ông Khôi cũng nhắc đến trách nhiệm của các Bộ Y tế, Giáo dục xây dựng quy hoạch toàn quốc, trên cơ sở xây dựng quy hoạch chung thủ đô.

Phần trả lời của ông Khôi thiếu sót đến nỗi khi các đại biểu chưa nhấn nút tái chất vấn, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh đã phải nhắc ông trả lời về trách nhiệm thành phố khi xây chung cư cao tầng.

Ông Khôi cho rằng, xử lý trách nhiệm đối với chung cư cao tầng ở nội đô là theo quy hoạch và cơ chế tạo vốn khi đầu tư cơ sở mới cho chủ nhà máy. Trong giai đoạn 2009 trở lại đây là theo chỉ đạo của Chính phủ và theo quy hoạch.

"Như vậy tất cả nhà cao tầng đều theo quy hoạch?", bà Thanh hỏi ngay. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi lại trả lời chệch đi rằng, theo quy hoạch chung thủ đô phê duyệt từ tháng 7/2011, rà soát thì không còn công trình nào mới như vậy nữa.

Việc né tránh trả lời câu hỏi của đại biểu khiến ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND cũng phải nhắc nhở ông Khôi trả lời tại sao những vị trí nhà máy di dời lẽ ra ưu tiên công trình công cộng lại trở thành nhà cao tầng. "Thành phố đã có ý kiến gì với trung ương khi xây và trách nhiệm gì với các quận huyện?", ông Hoạt truy vấn.

Trái với mong đợi của đại biểu, ông Khôi nhắc lại quyết định về quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Chính phủ duyệt vào tháng 7/2011 mà không đả động gì các công trình được xây vào thời điểm trước.

Đến lúc này, đại biểu Nguyễn Hoài Nam mới đăng đàn tái chất vấn. Ông cho hay, các câu hỏi của ông là muốn nêu thực trạng những nhà máy được di dời đều nằm ở cửa khẩu của thành phố. Sau khi dời đi, tại vị trí đó lại mọc lên các dự án đô thị có quy mô dân số cỡ một phường, thậm chí một quận dồn vào.

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện chưa có lối thoát. Ảnh: H.Hà.

Theo đại biểu Nam, đây rõ ràng là lỗi quy hoạch làm tăng dân số cơ học trong khi cả quy hoạch cũ lẫn nghị quyết 13 của Chính phủ đều nói cố gắng giảm. "Phó chủ tịch bảo đường nhỏ, công trình giao thông chậm nhưng theo tôi, bệnh ùn tắc là do đây chứ không phải biện pháp giảm phương tiện cá nhân. Quan điểm của đồng chí có đúng không?", ông Nam tái chất vấn.

Nói thêm về nhà cao tầng nội đô, đại biểu này chất vấn, trong quy hoạch thủ đô Chính phủ đã duyệt, thành phố kiến nghị gì với Chính phủ và Bộ, ngành. "Nếu không, khi họ di dời thì đất cũ lại thành khu đô thị vì không có vốn nên phải nhờ tới chủ đầu tư xây đô thị. Nếu tiếp diễn, Hà Nội không giải quyết được vấn nạn tắc", đại biểu Nam nói thẳng.

Vẫn không trả lời vào vấn đề, ông Khôi cho biết, chất vấn về di dời nhà máy và xây nhà cao tầng thì ông đã trình bày nguyên nhân trước đó. Còn lý do ảnh hưởng tới ùn tắc thì trong kế hoạch, quy hoạch đều có. Đối với câu hỏi về vấn đề tạo cơ chế vốn như thế thì buộc phải xây cao tầng, ông cho biết, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ từ năm 2009.

"Rõ ràng chúng ta phải nghiêm khắc, dứt điểm không xây nhà cao tầng nữa", ông Khôi kết thúc phần trả lời và không có thêm đại biểu nào tiếp tục đặt câu hỏi.

Sau phần chất vấn Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, vấn đề giao thông ở Hà Nội không chỉ của riêng UBND hay của thành phố mà cần sự vào cuộc của trung ương, các bộ, ngành. Theo bà, từ nay tới năm 2015, trong 37 công trình trọng điểm có tới 14 công trình giao thông, chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư.

"Cần đẩy nhanh các dự án giao thông, khẩn trương thi công; tăng quản lý nhà nước. Năm 2012 tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tránh điều chỉnh cục bộ", bà Thanh chốt lại phiên chất vấn và kêu gọi người tham gia giao thông chia sẻ với thành phố bằng việc chấp hành nghiêm luật giao thông.

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...