Thứ tư, 08/05/2024, 02:55 [GMT+7]

Phong Thổ chủ động phòng chống thiên tai, mưa lũ

Thứ năm, 22/07/2021 - 10:30'
(BLC) - Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bão lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy, các cấp, ngành huyện Phong Thổ chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai. Qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.

Những cơn mưa xối xả kéo dài cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua khiến cho mực nước ở suối Nậm So (xã Mường So) lên cao, cuồn cuộn đổ về. Khi qua đập ở bản Nà Củng đã làm vỡ bờ ao của gia đình anh Hoàng Mạnh Cường và khối lượng lớn đá, sỏi trôi vào khu vực ruộng gần 1.000m2 ở phía dưới. Tranh thủ mấy ngày ngớt mưa, vợ chồng anh Cường ra ruộng xúc bớt đá, hy vọng sẽ vớt vát được chút diện tích để cấy lúa vụ mùa trà muộn.

Chỉ tay về phía ao, anh Cường thở dài: Ao này gia đình nuôi cá từ lâu rồi, diện tích khoảng 300m2. Mỗi năm, ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình vợ chồng tôi còn thu được hơn 30 triệu đồng từ bán cá. Bây giờ bờ ao bị vỡ, cá cũng trôi hết, chòi dựng trên bờ cũng không còn, vợ chồng tôi xót xa lắm; cứ nhìn tài sản của mình trôi theo dòng lũ. Hiện nay, vợ chồng tôi cũng mua được ít sắt, kè lại góc dưới của ruộng bị nước lũ làm xói lở. Còn ao cá thì chờ hết mùa mưa rồi khắc phục lại.

Lũ trên suối Nậm So cuối tháng 6 vừa qua, khiến cho lượng lớn đá, sỏi trôi vào ruộng của người dân bản Nà Củng (xã Mường So, huyện Phong Thổ) khó có thể khắc phục được.

Lũ trên suối Nậm So cuối tháng 6 vừa qua, khiến cho lượng lớn đá, sỏi trôi vào ruộng của người dân bản Nà Củng (xã Mường So) khó có thể khắc phục được.

2 năm gần đây, Mù Sang là xã biên giới bị ảnh hưởng thiên tai nặng nề nhất. Còn nhớ, vào mùa mưa năm 2020, những cơn gió lốc, lũ, sạt lở đất, mưa đá đã khiến cho 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương; hàng chục hécta cây ăn quả bị đổ, gãy; hơn 60 ngôi nhà bị tốc mái, thủng; nhiều hộ phải di dời chỗ ở khẩn cấp. Từ đầu năm đến nay, xã xảy ra 2 đợt thiên tai, gây thiệt hại tài sản và hoa màu; một số chuồng trại chăn nuôi bị hư hại nhiều.

Đồng chí Nguyễn Văn Thủy – Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho hay: Với đặc điểm tình hình trên địa bàn thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, xã chú trọng đến việc kiểm tra, rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất; làm tốt công tác dự báo tình hình mưa lũ có thể xảy ra. Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đất cao tìm mặt bằng, tiến hành di dời chỗ ở đến nơi an toàn; chủ động chằng chéo nhà, thay vì lợp mái pờ-rô-xi-măng thì lợp bằng mái tôn, tránh thiệt hại về người và tài sản khi có mưa đá xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, công chức, phối hợp với các bản giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân khắc phục diện tích cây ăn quả, hoa màu bị thiệt hại do ảnh hưởng mưa đá năm ngoái và đầu năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện Phong Thổ xảy ra 13 đợt thiên tai; chủ yếu là rét đậm, rét hại, mưa, lũ, gió lốc, sét và sạt lở đất. Thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng, nhà ở, hoa màu, vật nuôi của Nhân dân trên địa bàn huyện. Trong đó, sét đánh làm 6 người bị thương ở Tung Qua Lìn, Dào San; 124 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở; gần 4ha diện tích lúa mùa (Nậm Xe, Tung Qua Lìn, Mường So, Huổi Luông) bị ngập lụt, vùi lấp; 154,7ha cây thảo quả của 451 hộ gia đình trên địa bàn xã Sì Lở Lầu bị băng tuyết; 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng do sạt lở đất; hàng nghìn mét khối đất đồi ở xã Sì Lở Lầu, Bản Lang sạt xuống đường… Tổng giá trị thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Phong Thổ có địa hình đồi núi dốc, cao; tỷ lệ che phủ rừng ở mức thấp. Nhất là các xã biên giới của huyện: Sì Lở Lầu, Dào San, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mù Sang, Sin Suối Hồ nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển; thường xuyên có gió lốc, lũ ống, lũ quét xảy ra. Thời điểm này, mới bắt đầu vào mùa mưa, nhưng trên địa bàn huyện đã có những thiệt hại về tài sản. Vì thế, huyện Phong Thổ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống thiên tai.

Đồng chí Vương Thế Mẫn – Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phong Thổ cho biết: Diễn biến bất thường của thời tiết, mưa kéo dài ảnh hưởng đến giao thông đi lại, đời sống của Nhân dân; làm chậm tiến độ xây dựng các công trình, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi... Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về PCTT&TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy cấp huyện. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác PCTT với phương châm: “lấy phòng tránh là chính - cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời”. Khi gió lốc, mưa lũ xảy ra thực hiện tốt 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư thiết bị tại chỗ - hậu cần tại chỗ”. Trong đó, tập trung thành lập các đội xung kích, chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm, phương tiện tham gia hỗ trợ Nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai và TKCN. Đồng thời, bố trí lực lượng trực ban với chế độ 24/24 giờ. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị thường trực, thường xuyên bám sát cơ sở, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo nhanh với Ban chỉ huy huyện, tỉnh về tình hình mưa lũ và những thiệt hại để đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.

Một trong những giải pháp quan trọng được huyện quan tâm triển khai đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cao dưới nhiều hình thức đa dạng. Gắn với thực hiện Đề án “Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai”. Hàng năm, huyện tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng đang thi công (giao thông, thủy lợi, thủy điện); kiểm tra việc khai thác cát, sỏi trên sông, suối… trước, trong và sau mùa mưa. Triển khai diễn tập phòng chống lụt bão và TKCN…

Hiện nay, toàn huyện Phong Thổ chuẩn bị được 33 nhà bạt loại 16,5m2; 270 áo phao cứu sinh; 1 máy phát điện YH6500; 8 cái thiết bị cảnh báo mưa; 8 loa cầm tay; 31 biển cảnh báo sạt lở, balo, đèn pin, giày vải, bình tông… Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức một buổi diễn tập phòng chống lụt bão và TKCN. Các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền lần lượt đến từng thôn, bản; hỗ trợ di dời cho 9 hộ dân ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất. Đối với một số diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc Nhân dân khắc phục sau mưa lũ; với hơn 2ha diện tích lúa, ruộng bị vùi lấp không thể khắc phục, thực hiện hỗ trợ các hộ theo quy định. Riêng một số tuyến đường liên xã, liên bản, khi có sự cố sạt lở, các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng thực hiện thông tuyến, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện.

Hy vọng, với sự chủ động vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong huyện, những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra sẽ ở mức thấp nhất. Qua đó, giúp Nhân dân ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...