Chủ nhật, 19/05/2024, 10:15 [GMT+7]

Tân Uyên xây dựng phòng học theo phương châm “3 cứng”

Thứ tư, 11/09/2013 - 20:00'
(BLC) - Xây dựng phòng học theo phương châm “3 cứng”: nền cứng, vách cứng, mái cứng là chủ trương mới được ngành Giáo dục - Đào tạo (GD – ĐT) chỉ đạo thực hiện trong vài năm học gần đây. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành GD – ĐT huyện Tân Uyên đã khắc phục, nỗ lực thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2013 – 2014, huyện Tân Uyên được hỗ trợ xây dựng 65 phòng học theo phương châm “3 cứng”. Nhờ vậy, số phòng học tạm giảm xuống còn 158 phòng, góp phần giảm bớt khó khăn về cơ sở vật chất cho các điểm trường mầm non ở các bản xa.

Sau 1 giờ đồng hồ đi xe máy, có đoạn dắt bộ, lội qua những đoạn bùn đất ngập đến nửa bánh xe, chúng tôi đã có mặt tại điểm Trường Mầm non bản Phiêng Cúm (xã Mường Khoa). Dù đã xế trưa, song 2 cô giáo phụ trách điểm bản vẫn miệt mài sắp xếp đồ chơi cho các cháu trong gian nhà rộng rãi, khang trang mới được xây dựng theo phương châm “3 cứng”. Phòng học được xây kiên cố với đầy đủ cửa sổ, cửa ra vào, thoáng đãng; bên cạnh đó là gian nhà lớp học cũ lụp xụp, ẩm ướt.

Lãnh đạo Phòng GD – ĐT huyện Tân Uyên kiểm tra phòng học “3 cứng” tại điểm trường Phiêng Khon (trường Mầm non xã Mường Khoa).

Cô Phạm Thị Lượng, giáo viên phụ trách điểm bản tâm sự với chúng tôi: “Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, chủ yếu được phân công ở những khu vực thuận lợi, năm nay dù được phân công vào đây tôi cũng không có gì phải băn khoăn. Đường giao thông đi lại khó khăn, song so với các cô giáo phụ trách bản những năm trước, tôi còn hạnh phúc hơn nhiều. Từ khi có lớp học mới, các cháu đi học chuyên cần; ăn, ngủ tốt và hứng thú vì có nhiều đồ chơi, đồ dùng học tập mới”.

Chúng tôi tiếp tục đến điểm trường Mầm non bản Phiêng Khon khi các cô giáo đang chuẩn bị xếp đệm cho các cháu nghỉ trưa. Nhìn những nét mặt ngây thơ, ánh mắt háo hức được học tập, vui chơi trong gian nhà mới, chúng tôi hiểu được niềm vui của cô trò nhà trường. Vui hơn khi khuôn viên điểm bản rộng chừng 600m2 là do ông Hoàng Văn Pai ủng hộ từ đất trồng chè của gia đình để xây dựng nên. Cô giáo Đới Thị Nhạn – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Mường Khoa cho biết: “Trước đây, điểm bản chưa được đầu tư xây dựng lớp học, phải học nhờ nhà văn hóa bản. Giờ đây, được đầu tư xây dựng điểm bản trên không gian thoáng đãng, gần nguồn nước lại cạnh cánh đồng bằng phẳng, các cháu học sinh được hưởng không khí trong lành; được các cô tận tình dạy dỗ, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ được nâng lên. Sắp tới, mỗi cháu còn được hỗ trợ 120.000 đồng tiền ăn/tháng sẽ góp phần bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao thể lực, sức khỏe để học tốt hơn”.

Để có được những niềm vui lớn lao đó, đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục của huyện đã nỗ lực cân đối nguồn kinh phí được hỗ trợ với 60 triệu đồng/phòng; xem xét ưu tiên đầu tư đối với những trường quá thiếu về cơ sở vật chất và giao cho các xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện giao thông ở phần lớn các điểm bản đi lại khó khăn nên việc chuyên chở vật liệu rất tốn kém. Nhiều đơn vị trường khi bàn giao đưa vào sử dụng, tổng kinh phí vượt gần gấp đôi nguồn tiền hỗ trợ. Điển hình như xã Nậm Sỏ được hỗ trợ xây 30 nhà “3 cứng”, với tổng số tiền hỗ trợ 180 triệu đồng, xã đã huy động toàn dân tham gia xây dựng nhà lớp học cho con em bằng cách “khoán trắng”. Các bậc phụ huynh không chỉ đóng góp ngày công mà còn ủng hộ thêm gỗ để làm. Có nhiều phòng học ở các điểm bản được dựng lên hoàn toàn bằng gỗ với những gian phòng chắc chắn, mùa đông gió không thể lùa vào; mùa hè thoáng mát, thuận lợi cho con em học tập và vui chơi.

Nhìn một cách tổng thể, dù đã được quan tâm hỗ trợ, song đến nay toàn huyện vẫn còn 158 phòng học tạm đang có nhu cầu xây kiên cố. Do vậy, huyện mong muốn ngành GD – ĐT tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ để huyện từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để đảm bảo yêu cầu chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...