Chủ nhật, 19/05/2024, 16:26 [GMT+7]

Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới

Thứ ba, 09/04/2013 - 16:24'
(BLC) –Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hànhCông văn 122/SNN-NN về tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Theo thông tin từ Uỷ ban Kế hoạch hoá gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc, đến ngày 5/4/2013 đã phát hiện được 14 người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, trong đó đã có 5 trường hợp tử vong, các trường hợp khác đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện tại, Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin phòng cúm gia cầm chủng H7N9 để tiêm phòng cho gia cầm. Đồng thời trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã tổ chức bắt giữ, tiêu hủy nhiều gia cầm giống và gà loại thải nhập lậu qua biên giới. Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan thú y tỉnh, hiện nay tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm giống không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh (đặc biệt tại chợ San Thàng, thị xã Lai Châu) tương đối lớn và diễn biến rất phức tạp, làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn tỉnh rất cao.

Cán bộ Trạm Thú y huyện Tam Đường tăng cường kiểm tra gà đã qua giết mổ tại chợ Trung tâm huyện.

Thực hiện Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN-TY ngày 02/4/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập chủng vi rút cúm gia cầm mới H7N9 trên gia cầm và sản phẩm gia cầm từ bên kia biên giới vào địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 489/QĐ-UBND ngày 10/5/2012 của UBND tỉnh), UBND các huyện, thị xã, Chi cục Thú y triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Các Sở, ngành thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Sở, ngành mình tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, chiến sỹ, hội viên và nhân dân về tình hình, nguy cơ lây lan và các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với lực lượng Thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các Sở: Y tế, Công thương, Công an tỉnh cử cán bộ thường trực tại các Trạm, Chốt kiểm dịch động vật để đảm bảo đủ lực lượng tăng cường công tác giám sát ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã:

- Thông báo về việc nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới. Vận động người chăn nuôi mua gia cầm giống từ các cơ sở sản xuất, cung ứng có uy tín trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm dịch thú y. Tuyên truyền cho người dân chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch để làm thực phẩm.

- Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể tăng cường tham gia công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, nguy cơ, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm nói chung và cúm gia cầm mới H7N9 nói riêng.

- Thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Thú y, Công an, Quản lý thị trường, phòng, ban chuyên môn, chính quyền cơ sở, Ban quản lý chợ để kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia cầm giống, gia cầm thịt và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ; tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập lậu để ngăn chặn dịch bệnh.  

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh ngay từ thôn, bản, hộ gia đình; Tổ chức khoanh vùng, dập dịch ngay khi dịch, bệnh còn trong diện hẹp; Tuyệt đối không được giấu dịch hoặc chủ quan, lơ là trước tình hình dịch.

3. Chi cục Thú y:

- Chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, Trạm Kiểm dịch động vật (đặc biệt là trạm KDĐV Cửa khẩu Ma Lù Thàng) tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch bệnh, kiểm dịch buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ; phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường tại địa phương giám sát chặt chẽ tại khu vực cửa khẩu, đường biên, lối mở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hoặc không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.

- Duy trì lực lượng chuyên môn kiểm tra, giám sát vận chuyển động vật tại các Trạm, Chốt kiểm dịch động vật ra, vào địa bàn tỉnh; chỉ cho phép nhập vào địa bàn tỉnh những động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ giấy kiểm dịch vận chuyển hợp lý, hợp pháp.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã xây dựng phương án xử lý khẩn cấp khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra như: Biện pháp dập dịch, nhân lực, vật tư kỹ thuật, kinh phí chống dịch… đảm bảo chủ động, phòng, chống, khống chế ổ dịch ngay trong diện hẹp.

 

BT (theo Công văn số 122/SNN-NN)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...