Thứ bảy, 18/05/2024, 16:59 [GMT+7]

Thầm lặng hy sinh của những “chiến sỹ” áo trắng

Thứ ba, 24/08/2021 - 17:32'
(BLC) - Là những người trực tiếp điều trị các ca bị nhiễm Covid -19, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Phổi tỉnh đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, lặng thầm hy sinh hạnh phúc riêng, đem công sức, trí tuệ góp phần chung tay cùng tỉnh đẩy lùi dịch Covid -19.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm

Ngày 21/7/2021, Bệnh viện Phổi tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Đ.Q.H có địa chỉ tại huyện Mường Tè đi từ thành phố Hồ Chí Minh về bị dương tính SARS-CoV-2 sau 13 ngày cách ly tập trung tại huyện Than Uyên. Trước đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.H tái dương tính SARS - CoV-2 đã được điều trị và cách ly ở tỉnh Bắc Giang trở về địa phương. Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Phổi tỉnh nhanh chóng chỉ định 2 ê-kíp điều trị gồm 6 người (2 bác sỹ, 2 điều dưỡng, 2 hộ lý). Trong đó, ê-kíp của bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Lương - Phó trưởng Khoa Lao phổi, điều dưỡng Lê Thị Giang - Khoa Lao, hộ lý Sùng Thị Mẩy - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ là ê-kíp đầu tiên điều trị cho 2 bệnh nhân.

Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Tiến Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Những ê-kíp được chọn đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn cao, tận tâm với công việc. Đặc biệt đã được đào tạo, tập huấn về cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

Hộ lý Đoàn Thị Liên thực hiện lau chùi bằng hóa chất để hạn chế môi trường trú ngụ của virút trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid - 19.

Hộ lý Đoàn Thị Liên thực hiện lau chùi bằng hóa chất để hạn chế môi trường trú ngụ của virút trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid - 19.

Từng có kinh nghiệm điều trị nhiều bệnh nhân mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm lâu năm và chứng kiến những căn bệnh lây nhiễm cao như: lao phổi, lao kháng thuốc… song bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Lương - Phó trưởng Khoa Lao phổi xác định lần này là nhiệm vụ rất nặng nề, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bản thân. Thế nhưng với tâm niệm đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thì phải luôn sẵn sàng trong tâm thế điều trị cứu chữa cho bệnh nhân dù là nặng hay nhẹ, nguy hiểm hay phức tạp. Đó là còn cái tâm của người thầy thuốc, nên khi được đồng nghiệp tin tưởng, cấp trên giao phó thực hiện việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, bác sỹ Lương sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Còn hộ lý Sùng Thị Mẩy thì cho rằng, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ai cũng lo sợ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên đã làm trong ngành Y còn e ngại, thoái thác thì lấy ai chống dịch. Trách nhiệm với nghề, chị Mẩy đã tự khuyên mình làm tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời giữ sức khỏe để không bị lây nhiễm.

Từ khi tỉnh phát hiện có ca nhiễm Covid-19 vào đầu năm 2020 đây là lần đầu tiên điều dưỡng Lê Thị Giang trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi khi kết thúc công việc của một ngày, chị Giang bộc bạch: "Là một điều dưỡng nên khi được giao phối hợp cùng bác sỹ chăm sóc và điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, tôi không do dự, nhanh chóng sắp xếp công việc riêng để thực hiện nhiệm vụ. Công việc này sẽ vô cùng nguy hiểm, vất vả, song được gia đình, đồng nghiệp, cấp trên động viên tôi yên tâm làm việc".

Hy sinh hạnh phúc riêng

Từ khi trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính với SARS- CoV-2, ê-kíp của bác sỹ Lương hơn 1 tháng nay không được về nhà. Trước kia với công việc bận rộn, hạnh phúc của các bác sỹ, điều dưỡng là giây phút được về nhà quây quần bên gia đình, người thân. Thế nhưng, bây giờ niềm vui ấy phải tạm gác sang một bên, bởi phải giành thời gian, công sức cứu chữa người bệnh.

Bác sỹ Lương kể: "Đến bây giờ tôi không quên được ánh mắt hoang mang, lo lắng của vợ khi biết tin tôi sẽ là bác sỹ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, song cũng là người làm cùng ngành nên vợ chỉ nhẹ nhàng khuyên tôi trước khi đi hãy giành thời gian nhiều hơn cho các con. Còn cô ấy lặng lẽ vào phòng sắp xếp từng bộ quần áo, bàn chải đánh răng, viên thuốc bổ… vào vali và động viên tôi giữ gìn sức khỏe, ở nhà mọi chuyện đã có em lo. Những khi rảnh rỗi cha - con, vợ - chồng chỉ được nhìn nhau khi gọi video qua điện thoại. Lúc ấy chỉ cần được nhìn thấy vợ, con là thỏa nỗi nhớ. Đó còn là động lực tiếp cho tôi thêm sức mạnh để tiếp tục với "cuộc chiến" cứu người. Hơn nữa tôi thấy mình may mắn, vì bệnh nhân ít, nhiều đồng nghiệp của tôi trên mọi miền đất nước phải "gồng mình" chống dịch, chăm sóc những bệnh nhân đang nguy kịch còn vất vả gấp trăm nghìn lần, thậm chí có cán bộ còn bị lây bệnh từ bệnh nhân, ranh giới sự sống và cái chết rất mong manh".

Còn hộ lý Sùng Thị Mẩy hoàn cảnh thật khó khăn, chồng mất được một năm, một mình chị gồng gánh nuôi 2 con nhỏ, cháu lớn năm nay 6 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi. Nhưng khi cấp trên giao nhiệm vụ, chị đã mang các con gửi cho ông bà nội chăm sóc. Có những đêm nằm nhớ các con quay quắt, không ngủ được, chị chỉ khóc thầm một mình. Chị Mẩy tâm sự: "Vào làm việc tại khu cách ly đặc biệt, những ngày đầu buồn và yên lặng đến đáng sợ, cả khu điều trị rộng mà có 5 người, trong đó 2 bệnh nhân, 3 cán bộ y tế. Song dần rồi cũng quen và ê-kíp cũng động viên nhau không được hoang mang, lo lắng, đồng thời phải ổn định tâm lý để người bệnh hợp tác điều trị".

Do đó, mỗi ngày công việc của chị Mẩy là khử khuẩn tất cả các phòng, hành lang, vệ sinh lau chùi bằng hóa chất từng tay nắm, chốt cửa, tay vịn cầu thang… để hạn chế môi trường trú ngụ của virút. Thấy bệnh nhân bất ổn tâm lý chị còn động viên, khuyên nhủ để yên tâm chữa bệnh. Đã vậy, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chị Mẩy còn được tin bố chồng bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, rồi lại được tin chú ruột mất khiến chị đau khổ vì không thể về chăm sóc bố, chịu tang chú.

Không chỉ xa các con, xa những người thân yêu, bác sỹ Lương, điều dưỡng Giang hay hộ lý Mẩy còn phải bỏ lại sau lưng bố mẹ già đau yếu. Khó khăn, vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của ê-kíp chưa bao giờ ngừng lại. Được tận mắt kiến nhiệm vụ hàng ngày của họ trong bộ đồ bảo hộ người ướt đẫm mồ hôi mới có thể hiểu được những cố gắng và sự hy sinh thầm lặng của những "chiến sỹ" áo trắng trong cuộc chiến chống dịch.

Khi tôi đang thực hiện bài viết này, thì ê-kíp của bác sỹ Lương đã hoàn thành nhiệm vụ và được chuyển sang khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, ê-kíp thứ 2 gồm: bác sỹ đa khoa Nguyễn Văn Tuyên - công tác tại Khoa Lao ngoài phổi, điều dưỡng Nông Thị Thắm - Khoa Phổi và hộ lý Đoàn Thị Liên- Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn lại tiếp tục công việc của ê-kíp 1. Công việc vất vả, nguy hiểm và có thể bị lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, thế nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, các anh chị đều nói, dù vất vả đến đâu cũng cống hiến hết mình vì người bệnh, quyết tâm cùng tỉnh chiến thắng đại dịch Covid-19 để trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Với những nỗ lực cố gắng của các ê-kíp trong điều trị Covid-19, đến thời điểm này bệnh nhân Đ.Q.H có kết quả âm tính lần 1 và đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, riêng bệnh nhân tái dương tính L.V.H sau 3 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính. Đó là tin vui không chỉ cho các ê-kíp điều trị bệnh mà còn là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh khi từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid -19 ra khỏi cộng đồng.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...