Thứ ba, 07/05/2024, 00:27 [GMT+7]

Thị xã Lai Châu: Mất cân bằng giới tính và những giải pháp đặt ra

Thứ hai, 07/01/2013 - 21:45'
(BLC) - Dù đã nhìn thấy những hậu quả “nhãn tiền” do việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số nước trên thế giới, song, tại thị xã Lai Châu vài năm trở lại đây đã có dấu hiệu mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh.

Trong năm 2012, tỷ lệ trẻ mới sinh ra là 118 nam/100 nữ. Đáng lo ngại hơn, số người có xu hướng “thích đẻ con trai” lại chính là tầng lớp trí thức, có trình độ nhận thức cao.

Dân trí càng cao, càng khó kiểm soát

Theo nhận định của anh Mai Văn Bình - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ thị xã, năm 2012, phường Tân Phong dẫn đầu thị xã Lai Châu và toàn tỉnh về tỷ lệ MCBGT khi sinh với tỷ lệ 121 nam/100 nữ (vượt trên mức trung bình toàn thị xã và vượt xa mức trung bình toàn tỉnh).

Lớp nhà trẻ A2, Trường Mầm non Tân Phong có 30 cháu thì có tới 19 cháu nam.

Chúng tôi khảo sát tại một số lớp học tại Trường Mầm non Tân Phong. Tại lớp mẫu giáo lớn A2, tổng số có 33 cháu thì có tới 21 cháu nam. Tại lớp nhà trẻ độ tuổi 25 - 36 tháng A2 cũng có tỷ lệ 19 nam/11 nữ, lớp A3: 19 nam/5 nữ. Đây là thế hệ ‘mới nhất” thể hiện sự MCBGT khi sinh. Theo cô giáo Nguyễn Thị Anh - Hiệu trưởng nhà trường, nếu so sánh từ những năm học trước thì tỷ lệ MCBGT tại các lớp chưa chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây thì tỷ lệ học sinh nam nhiều hơn hẳn so với nữ. Cụ thể, năm học 2012 - 2013, nhà trường đón 372 cháu thì có tới 212 cháu là nam, 160 cháu nữ. Tôi nghĩ, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những năm tới, không chỉ dẫn đến thiếu hài hòa trong công tác bố trí, giảng dạy của nhà trường mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của các cháu sau này”.

Giải thích ở góc độ chuyên môn, anh Bình cho rằng, đây chỉ là vấn đề “mới chớm”, vì đánh giá một địa phương MCBGT khi sinh hay không cần phải dựa trên tỷ lệ sinh theo giai đoạn (ít nhất 5 năm). Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh tự nhiên còn phụ thuộc nhiều yếu tố như theo mùa, thời tiết, tự nhiên… Theo quan niệm của người Á Đông, năm 2012 là năm Nhâm Thìn (năm con Rồng), được coi là “năm đẹp” để sinh con và nhất là con trai nên nhiều người đã chọn năm này để sinh con. 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi nhận thấy, MCBGT khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính trước khi sinh do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” để lại đã tạo ra những áp lực to lớn về việc phải sinh được con trai, điều này đang tồn tại ở bộ phận nhân dân có trình độ nhận thức cao và điều kiện kinh tế khá giả. “Đối với các gia đình có điều kiện kinh tế, vùng trung tâm, khi phát hiện có thai là đến các cơ sở siêu âm để biết tình trạng sức khỏe thai nhi và đặc biệt để biết về giới tính của con mình. Song đối với bà con dân tộc thiểu số, nhà ở xa trung tâm, đi lại khó khăn, khi phát hiện có thai, có điều kiện siêu âm thì thai cũng đã lớn. Muốn đẻ con theo ý muốn thì sự “cũng đã rồi” - anh Bình cho biết thêm.

Hậu quả và những giải pháp

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chứng minh, MCBGT khi sinh sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong vòng 20 năm tới, số lượng nam giới so với nữ giới trưởng thành sẽ dư thừa rất lớn, nghĩa là có nhiều nam giới sẽ khó lấy vợ hoặc gặp khó khăn trong việc tìm vợ. Điều này gây ra những tác động xấu đối với gia đình, xã hội, đặc biệt là đối với người vợ. Bên cạnh đó, hạnh phúc gia đình sẽ không được trọn vẹn nếu nam giới buộc phải “lấy cho có vợ” vì không tìm được người vợ như mong muốn. Khi nam giới khó tìm được vợ cũng có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác ...

Một buổi tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Hội LHPN tỉnh cho các hội viên phụ nữ tiêu biểu toàn tỉnh.

Thực tế đã được chứng minh, song khi Trung tâm DS - KHHGĐ thị xã tiến hành lấy phiếu điều tra dư luận về tác hại của MCBGT khi sinh thì hầu hết các ý kiến đều hiểu sai; nhiều ý kiến còn tỏ ra thờ ơ và không quan tâm nhiều đến vấn đề này bởi vì nghĩ “vẫn còn quá xa”. Thực trạng trên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chuyên môn khi muốn tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ hơn hậu quả của việc MCBGT khi sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai như thế nào.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về các chàng trai ở các nước trên thế giới sang Việt Nam tìm vợ vì ở nước khó tìm lấy được vợ. Và hậu quả của nó là những cuộc hôn nhân giữa các cô gái Việt với các chàng trai ngoại quốc đa số đều ngắn ngủi; có khi lại là những nỗi đau dai dẳng kéo dài của các bậc cha, mẹ có con lấy chồng ngoại quốc. Điều này cũng thật dễ hiểu khi phong tục tập quán mỗi dân tộc khác nhau; quy trình của một cuộc hôn nhân cần có thời gian tìm hiểu dẫn đến thương, yêu, gắn bó, tôn trọng nhau gần như đứt đoạn… thì hậu quả trên gần như tất yếu.

Giải pháp đề ra trước mắt và lâu dài vẫn là việc nâng cao các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đối tượng hướng đến trước tiên phải là đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương, đội ngũ này sẽ gương mẫu thực hiện và vận động gia đình, họ hàng, người thân làm theo; đặc biệt nên tránh tuyên truyền những bí quyết sinh con theo ý muốn. Tập trung thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị và nhận thức về quyền của họ. Điều quan trọng nữa là phải củng cố hệ thống thu thập dữ liệu để đảm bảo độ chính xác trong việc thu thập và báo cáo tỷ số giới tính khi sinh từ bản, tổ dân phố trở lên để có những giải pháp can thiệp kịp thời...

Những vấn đề của dân số hôm nay sẽ để lại những hậu quả nặng nề trong tương lai và tác động tới tất cả các thành tố của sự phát triển bền vững của xã hội. Mong rằng, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng hãy ý thức sâu sắc việc này và bắt tay vào thực hiện ngay khi chưa muộn.

THU TRANG

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...