Thứ hai, 29/04/2024, 17:37 [GMT+7]

Thay đổi nhận thức người dân

Thứ ba, 20/01/2015 - 09:53'
(BLC) - Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Tà Mung (huyện Than Uyên) những ngày đầu năm 2015 đúng lúc cán bộ y tế đang tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân. Chúng tôi thấy cán bộ trạm tận tình hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe, tận tâm với người bệnh.

Tà Mung là xã vùng cao khó khăn của huyện Than Uyên, có 2 dân tộc: Mông, Thái cùng sinh sống với 712 hộ, 3.894 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,5%. Trình độ nhận thức của người dân chưa cao, kinh tế của xã chậm phát triển là thách thức không nhỏ đối với cán bộ Trạm Y tế xã. Trước đây, người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu như: cúng bái, mời thầy mo chữa bệnh hoặc dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi người trong nhà bị bệnh, người dân thường mời thầy mo, thầy cúng về cúng ma, đuổi tà.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tà Mung, huyện Than Uyên khám bệnh cho người dân trong xã.

Anh Tô Văn Hiếu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã kể lại chuyến đi thực tế cách đây 1 năm tới bản Hua Ta để kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong chuyến đi, anh bắt gặp gia đình anh Mùa Nhà Su, dân tộc Mông đang cúng ma chữa bệnh cho vợ anh bị ốm. Do điều kiện khó khăn, ăn uống không hợp vệ sinh nên vợ anh Su bị tiêu chảy cấp. Sau khi anh Hiếu thuyết phục, vận động, anh Su đã đưa vợ xuống trạm để cán bộ y tế chăm sóc. Sau 5 ngày điều trị, bệnh của vợ anh Su khỏi hẳn. Từ đó, ở bản Hua Ta, người dân không tin con ma có thể chữa được bệnh nữa.

Bằng hành động cụ thể cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền của cán bộ y tế xã đã làm người dân dần thay đổi nhận thức, không cúng ma khi ốm đau mà đến Trạm Y tế xã điều trị. Hàng tuần, cán bộ trạm xuống từng bản, hộ gia đình, phối hợp với cán bộ y tế bản tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe.

Chị Hà Thị Sâu (bản Hua Ta) chia sẻ: “Do nhà nghèo không hiểu biết, gia đình tôi đã mời thầy mo về cúng đuổi con ma nhưng bệnh đau đầu của tôi vẫn không giảm. Được cán bộ y tế của trạm khám và điều trị, bệnh của tôi đã khỏi hẳn”. Cũng như chị Sâu, anh Giàng A Diêu (bản Tu Sang) tâm sự: “Gia đình tôi không còn mời thầy mo đến cúng mỗi khi trong nhà có người ốm nữa. Đến Trạm Y tế xã, chúng tôi thấy cán bộ y tế luôn nhiệt tình với bệnh nhân, nhiều bệnh nhân nghèo được khám và cấp phát thuốc miễn phí”.

Anh Hiếu cho biết thêm: “Trong năm 2014, Trạm Y tế xã đã khám cho hơn 7 nghìn lượt người. Trong đó: khám cho người nghèo 6.194 lượt, trẻ em từ 6 đến 15 tuổi 944 lượt, điều trị nội trú 46 lượt, điều trị ngoại trú và kê đơn 7.139 lượt bệnh nhân; truyền thông trực tiếp 11 buổi với gần 1.000 người dân tham gia… Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều năm nay, xã không xảy ra dịch bệnh, việc khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm đảm bảo, người dân được cấp phát thuốc đầy đủ, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 đã hạn chế”.

Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (trạm mới có 5 phòng làm việc chật hẹp, hầu hết bệnh nhân phải nằm ghép) nhưng đội ngũ cán bộ y tế trạm luôn cố gắng nỗ lực hết mình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...