Thứ bảy, 18/05/2024, 13:13 [GMT+7]

Thiết thực từ chính sách Bảo hiểm y tế

Thứ ba, 19/01/2016 - 17:04'
(BLC) - Trong những năm qua, chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số được tỉnh ta quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Ngày đầu năm chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dường như thời tiết rét đậm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe Nhân dân nên khu Phòng khám đông hơn so với ngày thường. Trao đổi nhanh với ông Hà Văn Hại (SN 1947) ở xã Mường Kim  (huyện Than Uyên), chúng tôi được biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Ông bị đau mắt, sau khi khám, được các bác sĩ chẩn đoán là quặm mi dưới, mắt phải và được nhận vào điều trị tại khoa Mắt. Trước đây, khi chưa có BHYT, những lúc ốm đau, đi khám và điều trị khá tốn kém, gia đình phải bán số thóc vốn đã phải căn cơ để lấy tiền mua thuốc, trả tiền ăn, ngủ khi điều trị. Từ khi có chính sách cấp thẻ BHYT cho người nghèo, khi ốm đau, đến các cơ sở y tế khám và chữa bệnh, ông chỉ thanh toán với số tiền rất ít.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thu Lũm khám bệnh cho người dân. 

Bác sỹ Nguyễn Văn Cường – Trưởng khoa Khám bệnh chia sẻ, hầu hết bệnh nhân nghèo tới khám và điều trị tại Bệnh viện đều có thẻ BHYT, điều đó cho thấy chính sách của Đảng và Nhà nước về việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo rất thiết thực. Nhờ đó, người nghèo không còn lo gánh nặng về chi phí khi có bệnh; vừa tiết kiệm được 1 khoản tiền cho bản thân và gia đình.

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được bà Đoàn Thị Làn – Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, chính sách BHYT luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHXH tỉnh đã tham mưu tỉnh kịp thời ban hành các văn bản; tổ chức triển khai hướng dẫn đầy đủ các quy định của nhà nước về công tác BHYT; tích cực phối hợp cùng các cấp, ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân về chính sách, pháp luật BHYT, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Để người nghèo có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật BHYT ngay tại cơ sở y tế nơi gần nhất, năm 2015, BHXH đã ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) từ thẻ BHYT với 17 cơ sở khám chữa bệnh; trong đó: 16 cơ sở KCB BHYT công lập; 1 cơ sở y tế ngoài công lập.  Thực hiện nghiêm túc quy trình giám định BHYT, nhất là kiểm soát các vật tư y tế có mức giá cao, tần suất sử dụng lớn, tính hợp lý trong chỉ định của y, bác sỹ điều trị, cấp thuốc BHYT.

Chủ động phối hợp với ngành Y tế và các cơ sở KCB thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bệnh, tăng cường công tác kiểm tra, chống lạm dụng quỹ KCB, BHYT, quản lý tốt quỹ KCB BHYT.

Để công tác KCB BHYT đảm bảo hiệu quả, hiện nay, gần 80% các cơ sở KCB trên toàn tỉnh áp dụng phần mềm thống kê chi phí KCB BHYT phiên bản 2.0 do BHXH Việt Nam cung cấp. Phần mềm này tạo sự liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT, kết nối dữ liệu tại các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan quản lý y tế và cơ quan BHXH trên hệ thống mạng, bảo đảm việc KCB thông tuyến trên địa bàn tỉnh, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám định, thanh toán BHYT. Nhờ đó, việc giám định thuận tiện hơn, việc giải quyết hồ sơ luôn được kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi đối tượng hưởng; không tồn đọng, sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực. Trong năm 2015, ngành BHXH tỉnh đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho 708.260 lượt người với số tiền 160 tỷ 507 triệu đồng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT nói chung và của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật BHYT, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tạo điều kiện để người tham gia BHYT được tiếp cận, hưởng quyền lợi đầy đủ trong KCB tại các cơ sở y tế trong phạm vi tuyến huyện; bổ sung và quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện BHYT. Do đó, số người tham gia BHYT năm 2015 là 364.916 người, tăng 1.789 người so với năm 2014. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 278.000 người nghèo được cấp thẻ BHYT. Trong năm, ngành BHXH đã thanh toán chi phí KCB BHYT với 70% là người nghèo.

Có thể khẳng định rằng, cùng với chính sách BHXH, BHYT đã và đang phát huy vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...