Chủ nhật, 05/05/2024, 23:39 [GMT+7]

Tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó, mèo: Cần triển khai quyết liệt

Thứ sáu, 30/03/2012 - 09:14'
(BLC) - Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn con chó, mèo, trong khi đó, từ đầu tháng 3 đến nay, ngành Thú y tỉnh tổ chức tiêm vắcxin phòng dại cho chó, mèo mới chỉ được gần 30%.

Nguyên nhân của việc triển khai tiêm vắcxin phòng dại chó, mèo chậm, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ do một số chính quyền địa phương còn thờ ơ, chưa có giải pháp gắn với trách nhiệm của chủ vật nuôi. Nhiều gia đình nuôi chó thả rông, khi cán bộ thú y huyện, xã đến vận động tiêm vắcxin phòng dại cho đàn chó nhưng không hợp tác...

Cán bộ Trạm Thú y huyện Phong Thổ tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó của gia đình ông Đỗ Đường Tuân (thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ).

Được biết ngay từ đầu năm, các trạm thú y trên địa bàn tỉnh đăng ký hơn 13.400 liều vắcxin phòng dại cho chó, mèo. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo chính quyền cơ sở cùng vào cuộc vận động chủ vật nuôi tự giác đăng ký tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo từ ngày 1/3 đến đầu tháng 4. Tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh mới chỉ phân bổ được hơn 7.000 liều vắcxin phòng bệnh dại. Cán bộ thú y cơ sở cũng chỉ tổ chức tiêm được gần 4.000 liều vắcxin phòng dại chó, mèo. Như vậy, việc triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo quá chậm so với kế hoạch đề ra.

Chó vẫn thả rông trên đường (ảnh chụp ngày 30/3 trên địa bàn thị xã Lai Châu).

Điều đáng lo ngại nhất của ngành Thú y tỉnh về công tác phòng bệnh dại chó, mèo hiện nay là khu vực thị xã Lai Châu, bởi lượng người đông, trong khi đàn chó thả rông nhiều. Ngày 16/3 vừa qua, UBND thị xã Lai Châu mới có Công văn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (muộn hơn so với kế hoạch nửa tháng). Ngoài ra, thị xã còn chưa đưa ra những giải pháp quyết liệt buộc chủ vật nuôi phải tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Vì vậy, hầu hết chó, mèo trên địa bàn thị xã đến nay vẫn chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh dại.

Tiêu biểu trong công tác tiêm vắcxin phòng bệnh dại chó, mèo huyện Phong Thổ. Mặc dù, Trạm Thú y huyện chỉ đăng ký 1.500 liều vắcxin phòng bệnh dại nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, huyện đã triển khai tiêm 1.700 liều vắcxin phòng dại chó, mèo (tăng 200 liều so với kế hoạch). Đây là nguồn vắcxin dự phòng của Chi cục Thú y tỉnh mà Trạm đã ứng trước để tiêm cho đàn chó, mèo của huyện.

Kết quả trên là nhờ sự chung tay, phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban chuyên môn và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền huyện, xã và thị trấn. Huyện đã phân công cán bộ chuyên môn phụ trách từng xã phối hợp với cán bộ thôn, bản yêu cầu tất cả các chủ vật nuôi (chó, mèo) nghiêm túc thực hiện việc tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó, mèo và lấy đó làm tiêu chí bình xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, thiên tai cho gia súc, gia cầm. Từ đó, chính quyền địa phương đã gắn trách nhiệm của người dân với việc tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt hiệu quả cao.

Ông Đỗ Đường Tuân (thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ) chia sẻ: “2 năm gần đây, không chỉ gia đình tôi mà bà con ở khu vực thị trấn luôn xác định việc tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo là bảo vệ chính người thân trong gia đình. Khi vật nuôi lên cơn dại người đầu tiên bị cắn là những người hàng ngày tiếp xúc với chúng. Vì vậy, tất cả những hộ nuôi chó ở thị trấn đã tiêm vắcxin phòng dại cho đàn chó”.

Theo cán bộ ngành Thú y tỉnh thì việc chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó, mèo điều quan trọng nhất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch dại lây lan sang người. Bởi mỗi ca bị chó cắn, mức phí điều trị vắcxin dự phòng từ 700 - 750 nghìn đồng/người, cao gấp gần 40 lần so với tiêm vắcxin phòng dại cho chó, mèo (20 nghìn đồng/con).Từ đầu đầu năm đến nay, tỉnh ta đã có gần 200 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế. Đây là dấu hiệu dự báo cho một năm vất vả đối với việc phòng chống bệnh dại. Bởi số ca bị chó cắn ở tỉnh ta tăng 50 ca so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, người dân khi bị chó cắn đã đến cơ sở y tế điều trị dự phòng nên số ca tử vong do bệnh dại giảm.

Ông Đặng Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, Chi cục đã chỉ đạo 7/7 Trạm Thú y huyện, thị xã triển khai Tháng hành động tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, tuy nhiên việc triển khai lại quá chậm so với kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phòng bệnh dịch dại, thời gian tới, ngành Thú y tỉnh rất cần có sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và chủ vật nuôi đồng tình ủng hộ”.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...