Thứ hai, 29/04/2024, 16:40 [GMT+7]

Trường sa tươi đẹp

Thứ năm, 22/01/2015 - 10:05'
(BLC) - Giữa mênh mông biển cả, đảo Trường Sa hiện ra xanh mướt một mà. Những tán bàng vuông, cây phong ba, hàng dừa… phủ bóng mát cho đảo Trường Sa.

Ai đã từng đặt chân đến Trường Sa mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của hòn đảo này. Giữa biển khơi, đảo Trường Sa được che phủ bởi một màu xanh của cây lá. Nhưng có lẽ rất ít người biết rằng để có được màu xanh như thế, nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo đã phải cải tạo nó trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Bắt đầu từ những cây bàng vuông, phong ba, bão táp đến những cây tra, bồ đề, đa búp đỏ... Dưới sức người chăm chút, cây bám rễ ăn sâu vào cát trắng, phủ sự sống trường tồn lên những dải đá san hô. Không dừng lại ở những loài cây bóng mát, cán bộ chiến sĩ và Nhân dân trên đảo còn đưa cả các loại cây ăn quả khác ra đảo như: dừa, mít, chuối, đu đủ… với mong muốn vừa tạo môi trường sống tốt, vừa tạo ra thêm thực phẩm tươi phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Đêm ở thị trấn Trường Sa lung linh, huyền ảo.

Cùng với đó các loài hoa cùng theo người mà bám rễ nơi đảo xa. Mùa nào hoa nấy, hoa giấy, hoa cúc, xương rồng, mào gà… và mới đây hàng trăm giỏ phong lan được vận chuyển ra đảo, bổ sung vào không gian sống của đảo sự đa dạng và tươi đẹp. Theo Thượng tá Phạm Văn Hoà – Chỉ huy Trưởng đảo Trường Sa lớn thì nhiệm vụ đầu tiên của cán bộ chiến sĩ là bảo về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên để có thể làm tốt việc bảo về chủ quyền cần phải tạo môi trường sống tốt nhất, tinh thần thoải mái và anh em ở đảo sẽ có cảm giác gần gũi như ở đất liền. Có như vậy anh em mới vững tâm bám đảo, giữ đảo. Và việc xây dựng đảo xanh, sạch, tạo môi trường sống tốt là một trong những tiêu chí hàng đầu của đơn vị, thời gian gần đây các đoàn ra thăm đã mang ra cả một số loài cây mới như kim giao, sống đời, lưỡi cọp thậm chí là tre gai. Việc phủ xanh đảo vừa sẽ giúp tạo lớp mùn, tạo ra tầng nước ngầm để đào giếng lấy nước sinh hoạt vừa có thể chắn sóng bảo vệ đảo…

Góp phần vào sự xanh sạch của đảo phải kể đến các loại thực phẩm do cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo tăng gia, mỗi năm được trên 15 tấn rau xanh, đủ cung ứng cho bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó là chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt… Ở trên đảo đi dạo rất dễ bắt gặp những đàn lợn giống địa phương hay những đàn vịt của các phân đội tăng gia. Mỗi năm các đội cung cấp trên 20 tất thịt tươi cho đảo, bổ sung thêm dinh dưỡng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của cán bộ chiến sĩ, từ đó đảm bảo sức khoẻ để rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu khi có ngoại xâm.

Một trong những đóng góp cho cuộc sống của đảo thêm phần tươi đẹp là hệ thống năng lượng sạch. Hệ thống này nhiều năm nay đã đáp ứng nguồn năng lượng cho toàn bộ hoạt động của đảo. Từ xem ti vi, giải trí, thắp sáng, chạy tủ lạnh đến phục vụ cho viễn thông, y tế, giáo dục… Toàn bộ hệ thống này gồm các quạt gió, pin năng lượng mặt trời, bình ác quy tích điện… bắt đầu được triển khai trên các đảo từ 2010 và hiện tại tất cả các đảo nhỏ ở Trường Sa đều có các hệ thống này. Chính vì vậy, ai có dịp đi dạo đêm trên đảo Trường Sa, dưới ánh điện lung linh của những đèn LED chạy bằng năng lượng mặt trời thì mới thấy biên cương trên biển thật đẹp và đáng để gắn bó.

Trường lớp học ngày càng khang trang, kiên cố.

Ở Trường Sa, giữa biển khơi bao la thật đấy nhưng chẳng bao giờ lo lắng về sự tẻ nhạt trong đời sống tinh thần. Trên đảo có cả thư viện lớn với trên 5.000 đầu sách và trên 30 đầu báo các loại. Mạng internet không dây, điện thoại giúp liên lạc giữa đảo và đất liền bất cứ lúc nào; hệ thống sân chơi bãi tập cũng đầy đủ và thoáng đãng.

Sau gần 4 thập kỳ cải tạo, bằng sức người vụn đắp, từ những dải đá san hô và cát trắng, Trường Sa đã sừng sững mọc lên với những công trình kiên cố. Những công trình kinh tế kết hợp quốc phòng; hệ thống trường học, trạm y tế phục vụ quân dân, sân bay, trạm khí tượng thuỷ văn hiện đại, mắt thần gác biển dẫn đường (hải đăng), công trình đài liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa… tạo cho thị trấn đảo diện mạo hiện đại và khang trang như bất cứ thị trấn nào của đất liền. Giữa Trường Sa, lẫn trong tiếng sóng biển, tiếng ê a của học trẻ học bài là tiếng chuông chùa vang vọng ngân nga.

33 năm quay lại Trường Sa, ông Trần Văn Khương - Vụ Phó Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường (người đã từng công tác tại Trường Sa từ năm 1977 đến 1981) đã không cầm nổi nước mắt. Ông đã khóc trong sự ngỡ ngàng vì Trường Sa trong tâm trí ông ngày ấy chỉ là cát trắng, nắng, gió gay gắt, là thiếu thốn, khó khăn. Ấy vậy mà, giờ Trường Sa trước mắt ông lại khang trang, tươi đẹp và hiện đại gấp nhiều lần. Hoá ra ông khóc vì quá vui mừng, phấn khởi; khóc bởi điều kiện sống và làm việc của mọi người trên đảo tốt hơn. Ông Khương bảo “tại tôi vui quá nên không cầm được nước mắt”.    

Thượng tá Phạm Văn Hoà – Chỉ huy Trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa bảo rằng, hiện đảo vẫn còn có những khó khăn nhất định, song các anh sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn để xây dựng đảo tươi đẹp hơn. Cuộc sống tốt hơn sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo yên tâm bám trụ. Và như thế các anh sẽ vững lòng để bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước mọi kẻ thù xâm lược.

 

Anh Tuấn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...