Thứ hai, 06/05/2024, 17:39 [GMT+7]

Than Uyên: Cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng

Thứ sáu, 05/04/2013 - 11:39'
(BLC) - Tính đến thời điểm này, huyện Than Uyên đã xảy ra 6 vụ cháy thảm cỏ và cháy dưới tán rừng với tổng diện tích lên tới 35ha. Tuy chưa ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây rừng nhưng đó là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng có thể xảy đến bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời.

Cảnh báo từ các vụ cháy

Những ngày sau tết Nguyên đán, thời tiết khá khắc nghiệt, nắng nóng cộng khô hanh và gió kéo dài liên tục làm những cánh rừng xanh cũng trở nên thiếu sức sống. Đi qua những bìa rừng, “vạt” nương của các xã Mường Kim, Mường Cang, Mường Mít… những đốm lửa nhỏ vẫn đang cháy âm ỉ, chưa được dập tắt hẳn sau khi đốt nương. Sự lơ là, thiếu cảnh giác của bà con được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy rừng. Bởi vào mùa khô hanh, chỉ cần vài cơn gió nhỏ thì những đống tàn tro còn chút than đỏ cũng làm ngọn lửa bùng cháy và lan rộng vào khu vực rừng sinh trưởng, phát triển.

Đoàn Kiểm tra PCCCR của tỉnh, huyện làm việc tại xã Mường Kim về công tác PCCCR.

Những bài học từ việc đốt nương dẫn đến cháy rừng đã được Hạt Kiểm lâm huyện cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến khá rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng đốt nương trái phép liên tục xảy ra khiến cho những cánh rừng luôn trong tình trạng nguy hiểm.

Điển hình nhất là vào ngày đầu tháng 3, tại tiểu khu 610 thuộc khu vực bản Xanh của xã Mường Mít đã xảy ra vụ cháy 2,5ha thảm thực vật rừng. Vụ việc vừa kết thúc thì chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, một đám cháy nhỏ được người dân phát hiện trên khu vực bản Huổi Hằm (xã Mường Cang). Qua điều tra, các lực lượng chức năng đã xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy đều do người dân đốt nương, rẫy trái phép ở trong rừng và ven rừng. Tuy mức độ thiệt hại chưa nhiều nhưng với hai vụ cháy thảm thực vật xảy ra liên tục trên đã khiến không ít người phải lo lắng về những “thảm họa” đang đến rất gần với rừng.

Liên quan đến các đám cháy thảm cỏ thực vật, trong chuyến công tác gần đây của chúng tôi đến xã Mường Kim, nơi đã xảy ra hai vụ cháy với diện tích khá lớn từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua. Vụ cháy xảy ra ở bản Vi mới, Bản Chát vào khoảng 11 giờ trưa ngày 1/3 đã làm cho 30ha thảm thực vật dưới tán rừng thiệt hại nặng nề. Nhìn lại sự việc, Chủ tịch xã Mường Kim - Lường Văn Inh có vẻ bối rối, phân trần: “Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong huy động lực lượng chữa cháy. Khi chúng tôi vừa dập tắt được ngọn lửa, ai nấy cũng đều mệt nhoài thì thời tiết gió nồm khiến ngọn lửa tái phát. Vậy là phải mất gần 10 giờ đồng hồ, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Rất may, lửa chưa kịp lan sang khu rừng phát triển…”.

Thực tế cho thấy trong cách quản lý rừng và bảo vệ rừng của xã Mường Kim đang có nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn như việc thực hiện các biên bản cam kết về Quy ước bảo vệ rừng vẫn chưa được chính quyền xã triển khai cụ thể tới từng hộ, từng bản. Điều này là một sai sót trong quá trình quản lý rừng mà xã Mường Kim đang mắc phải. Dù ngay sau đó, xã đã có buổi làm việc nghiêm túc, đánh giá lại tình hình và có những biện pháp khắc phục kịp thời để nhân dân trong bản có nhận thức đúng đắn trong công tác giữ rừng...

Giữ rừng bằng mọi biện pháp

Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá mà con người đang chung tay bảo vệ và giữ gìn. Nhưng liên tiếp những vụ cháy thảm cỏ và cháy dưới tán rừng vừa qua ở Than Uyên đã gửi một thông điệp cho tất cả mọi người rằng “rừng cần phải bảo vệ bằng mọi cách”. Thiết nghĩ nếu chỉ thông qua các tuyên truyền hàng quý, hàng tháng hay đơn giản qua các buổi sinh hoạt thôn, bản về phòng cháy chữa cháy rừng vẫn là chưa đủ. Mà người dân cần phải xuất phát từ nhận thức, ý thức đúng đắn trong việc khai thác, bảo vệ rừng.

Trồng keo là một trong những giải pháp quan trọng để rừng thêm xanh.

 Nhà nước cũng đã chủ trương rất đúng đắn khi đưa ra quyết định về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho từng địa phương đang có rừng. Chỉ có gắn quyền lợi trực tiếp với người dân thì công tác bảo vệ nguồn tài nguyên đang ngày một cạn kiệt này mới duy trì ở mức độ cân bằng. Năm qua có rất nhiều xã đã thực hiện rất tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng này, điển hình như Mường Than, Tà Hừa, Tà Mung… Đây được coi là “nguồn động viên tinh thần” cho những hộ đang được giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, việc tăng cường các buổi diễn tập PCCCR ở các xã, thị trấn cần phải được Hạt Kiểm lâm huyện triển khai kịp thời đến đông đảo quần chúng nhân dân. Bởi không chỉ có lực lượng trong các tổ xung kích mà tất cả mọi người dân nên biết tới những phương pháp PCCC cơ bản để khi xảy ra tình huống xấu nhất ai cũng có thể tham gia bảo vệ rừng.

Anh Súa, người dân xã Tà Mung – một trong 12 xã vừa được triển khai diễn tập PCCCR năm qua nói: “Được tập huấn và tham gia chúng tôi mới hiểu rõ được phương pháp và cách phòng và chữa cháy, chứ nói bằng miệng thì cũng như “vịt nghe sấm” thôi…”.

Trong những biện pháp cần kíp đó, cái không thể thiếu chính là quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát, dọn, đốt nương rẫy của nhân dân trước và trong suốt mùa khô. Đồng thời, việc chọn thời gian, địa điểm và cách thức đốt nương rẫy của bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, để phục vụ công tác PCCCR, các trang thiết bị, dụng cụ và bảo hộ lao động cho các tổ xung kích luôn phải được đầu tư, sửa chữa kịp thời. Hơn hết là mỗi năm cần xây dựng các đường băng cản lửa tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Hoặc giải pháp thiết yếu trong bảo vệ rừng là đẩy mạnh công tác trồng rừng mới ở các khu vực đất trống đồi trọc…

Hiện nay, huyện Than Uyên đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy bảo vệ rừng – PCCCR ở 12/12 xã, thị trấn với 254 thành viên. Thành lập 150 tổ xung kích ở các thôn bản với 1.688 người tham gia, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch “4 tại chỗ”. Trong quý 1, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền tại 76 thôn, bản với gần 4.000 lượt người tham gia.

 

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...