Chủ nhật, 19/05/2024, 13:18 [GMT+7]

Vệ sinh an toàn thực phẩm vùng cao: Còn nhiều việc phải làm

Thứ hai, 27/04/2015 - 21:04'
(BLC) - Chúng tôi đến một số xã của huyện Sìn Hồ trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP). Những điều tận mắt chứng kiến về chất lượng vệ sinh ATTP nơi đây khiến nhiều người ái ngại, thậm chí bức xúc.

Tại các sạp hàng ở các xã vùng cao cũng như vùng thấp, bằng cảm quan cũng không khó khăn để tìm ra những vấn đề còn tồn tại trong việc đảm bảo vệ sinh (ATTP). Ở xã Pu Sam Cáp, khi chúng tôi mua 10 quả trứng gà để chế biến món ăn thì một chủ quán khẳng định: trứng mới nhập về được 1 tuần. Tuy nhiên khi sử dụng thì có đến 4 quả bị thối! Giải thích về điều chủ quán này (kiên quyết giấu tên) khẳng định: Đúng là trứng mới nhập về một tuần còn trước đó nó ở đâu, đã tồn tại bao nhiêu thời gian thì chúng tôi không biết. Tình trạng này cũng dễ bắt gặp ở các xã khác. Tại xã Noong Hẻo, các tiểu thương ở đây rất xởi lởi khi giới thiệu về các mặt hàng. Họ khẳng định khi nhập hàng đều kiểm tra thời hạn sử dụng (đối với những mặt hàng có in hạn sử dụng) còn lại thì phụ thuộc vào sự giới thiệu của các lái buôn. Tuy nhiên trong rất nhiều mặt hàng có tới quá nửa là lương thực, thực phẩm vẫn rất khó, thậm chí là không tìm được thời hạn sử dụng. Chia sẻ về điều này chủ một quán hàng quả quyết: chúng tôi cũng phải nhập hàng đảm bảo vì nhận thức của bà con về chất lượng vệ sinh ATTP đã nâng cao, tuy nhiên để kiểm tra hết 100% thì rất khó.

Thạch cao được bán công khai tại chợ huyện Sìn Hồ. 

Nói về nhận thức người tiêu dùng, chúng tôi không khỏi ái ngại về những hình ảnh đã gặp tại chợ trung tâm huyện Sìn Hồ. Tại các sạp hàng khô, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những túi thạch cao (nặng khoảng 200g) được bày bán công khai và bán khá “chạy” tại chợ. Anh Tẩn A Sun (xã Tả Phìn) là người bán hàng tại một xạp hàng kể trên không giấu giếm: Cái này (thạch cao) để cho vào đậu cho ngon! Còn một tiểu thương khác thì cho hay: bán túi nhỏ thế này thì ăn thua gì, có người mua cả bao hàng chục cân về dùng dần ấy chứ. Khi hỏi về những người làm công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP ở đây, bà con đều khẳng định họ vẫn xuống chợ kiểm tra thường xuyên.

Ngay phía cổng chợ chúng tôi gặp 3 người đang bày, bán đậu phụ. Họ tỏ ra rất tự nhiên và giới thiệu rằng đậu của họ có thạch cao. Theo những tiểu thương này thì khi cho thạch cao vào đậu việc làm đậu nhanh hơn, đậu rắn, nặng cân hơn. Một người mua hàng tên là Thào A Tráng (xã Hồng Thu) chia sẻ: Đậu này ăn ngon hơn nên tôi mua, còn về sức khỏe thì cũng thấy bình thường!

Bà Trần Thị Hằng ở khu 2 thị trấn huyện sìn hồ là người bán hàng hoa quả lâu năm ở chợ cho biết: Ở đây có 2 loại đậu phụ. Một loại có thạch cao thì được đa số bà con đồng bào dân tộc mua về, còn loại thứ hai không có thạch cao, đậu nhũn, chỉ bán được cho người Kinh ở trung tâm huyện là chính. Ở đây, nếu nói đậu không có thạch cao thì người mua hàng (là đồng bào dân tộc thiểu số) không thích!

Theo các nghiên cứu y học, thạch cao không có giá trị dinh dưỡng, nó chỉ là chất phụ gia. Trong xây dựng thạch cao được sử dụng như một loại ximăng. Khi cho thạch cao vào đậu phụ sẽ khiến cho quá trình kết tủa nhanh hơn (giảm thời gian làm đậu), trọng lượng của đậu phụ cao hơn (tăng lợi nhuận cho người bán) và khiến đậu rắn hơn. Tuy nhiên đối với sức khỏe, thạch cao rất khó, thậm chí là không thể tiêu hóa, sử dụng nhiều có thể dẫn tới tạo ra cặn canxi trong thành ruột, thận, gây sỏi thận.

Không chỉ có vấn đề thạch cao, tại chợ Sìn Hồ chúng tôi cũng ghi nhận nhiều hình ảnh đáng quan tâm về chất lượng vệ sinh ATTP. Do là chợ cũ nên các khu bày bán hàng không tách biệt. Các loại hoa quả, thực phẩm sống, chín bán lẫn lộn, không phân khu bán các loại hàng chuyên biệt. Một số đồng bào khi mang hoa quả ra chợ bán thì bày xuống đất trong nền chợ đã xuống cấp, nhiều chỗ đọng nước, ruồi nhặng, bụi bẩn nhiều. Đáng nói hơn, một số hộ dân sống quanh chợ thường xả rác, nước thải xuống chợ trong khi hệ thống thoát nước ở chợ hầu như không đáp ứng được nên rất mất vệ sinh. Hiện tượng phóng uế tại các góc khuất của chợ vẫn còn…

Chất lượng thực phẩm không chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn là tác nhân gián tiếp tác động tới chất lượng giống nòi. Nếu như người bán hàng vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, còn người tiêu dùng vẫn coi thường sức khỏe của chính mình thì có lẽ những vụ việc đáng tiếc do chất lượng thực phẩm không đảm bảo sẽ còn nhiều.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...