Chủ nhật, 19/05/2024, 02:15 [GMT+7]

Vinh dự đồng hành cùng chiến sỹ Điện Biên

Thứ tư, 25/06/2014 - 16:43'
(BLC) – Trên chặng đường tác nghiệp của mỗi nhà báo, điều quý giá nhất với họ không phải bạc, vàng mà là chuỗi thông tin từ những lần được gặp, làm việc với các nhân chứng, nguồn tin đặc biệt.

Với thế hệ nhà báo “hậu sinh” như tôi, được gặp, được trò chuyện với những cựu chiến binh đã làm nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một vinh dự lớn. Vinh dự ấy đến thật bất ngờ! Trong dịp tác nghiệp tại Đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi không chỉ được trò chuyện, đồng hành mà còn được cõng một cựu chiến sỹ Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Được nghe cụ kể, được nhìn cụ đi và hơn nữa là được “cảm” cái tinh thần thép đã đưa các cụ vào sử sách thế giới.

Tác giả cõng cụ Phạm Văn Chè lên thăm khu di tích Mường Phăng.

Tôi gặp cụ khi đang tác nghiệp tại khu di tích Mường Phăng - nơi có hầm Tổng tư lệnh, chỉ huy chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Điện Biên. Cụ xuất hiện với hai thanh niên dìu hai bên trong khi trong tay vẫn phải “phòng hờ” thêm chiếc gậy tre cũ kỹ. Nhìn bộ quân phục đã sờn mầu, những bộ huân, huy chương như muốn níu cả tấm thân gầy gò, bước chân chậm chạp và những câu nói mang đậm “hơi thở lịch sử” có thể nhận ra cụ là cựu chiến binh đi thăm nơi làm việc của Đại tướng. Thấy chúng tôi quan tâm, hai thanh niên dìu cụ nhanh miệng: Cụ một mình đi từ tỉnh Thái Bình lên Điện Biên, một mình thuê xe từ thành phố để vào “thăm Đại tướng” đấy. Chúng tôi dìu cụ được một đoạn đường rồi, giờ phải nhờ các anh.

Biết rằng đường vào đến nơi làm việc của Đại tướng còn xa, nếu dìu cụ đi sẽ làm chuyến tác nghiệp chậm tiến độ nhưng nhận thấy đây là một vinh dự và trách nhiệm với những người có công với nước nên tôi không ngần ngại nhận lời. Vừa đi đường vừa kể chuyện, những câu chuyện mới nghe đã nhuốm mầu thời gian của hơn 60 năm trước mà cụ là một nhân chứng lịch sử, một kho tư liệu sống vô cùng quý báu.

Cụ là Phạm Văn Chè, quê tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm nay cụ đã 84 tuổi. Cụ là cựu chiến sỹ Điện Biên thuộc lực lượng bộ binh chủ lực, đã từng đánh những trận mở màn của chiến dịch ở đồi Him Lam, Độc Lập. Trong giai đoạn 2 của chiến dịch là quá trình đào hào vây lấn của quân ta. Khi cụ Chè đang sửa công sự, một quả đạn pháo rơi trúng nắp hầm, cụ bị sức ép và mảnh vỡ của quả đạn gây bị thương nặng, ngất đi trong khi căn hầm đổ ụp, vùi lấp đi tất cả… Khi được cứu sống, cụ bị chấn thương sọ não, giảm thính lực và mất đến 71% sức khỏe (thương binh hạng 2/4), được chuyển về tuyến sau dù đã nhiều lần xung phong ra chiến dịch…

Cụ Chè ôn lại ký ức lịch sử trong căn hầm đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đường vào “hầm Đại tướng” quanh co, gập ghềnh, qua khe, qua cầu, lên dốc, xuống đèo. Sức lực của một cụ già ở cái tuổi “thượng thọ” như dân ta vẫn bảo thật chẳng còn đáng là bao nhưng cụ không lúc nào thoái trí. “Các anh cứ đi trước, tôi tự chống gậy vào được rồi. Tôi ngần này tuổi rồi, sống được bao lâu nữa đâu!. Không đến “thăm anh Giáp” được thì có lỗi lắm…”.

Trước đó, khi Đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ muốn lắm nhưng con cháu của cụ lo lắng cho sức khỏe của cụ nên không cho cụ lên Điện Biên dự lễ. Sáng 7/5 khi xem xong chương trình truyền hình trực tiếp lễ Diễu binh, diễu hành kỷ niệm, cầm lòng không đặng, nhớ chiến trường, nhớ đồng đội, nhớ tướng Giáp, không quan tâm sự can ngăn của con, cháu. Một mình cụ thuê xe ôm ra bến xe Thái Bình, tự mình chống gậy mua vé xe lên Điện Biên, tự tìm và thuê nhà trọ, thuê taxi đi khắp các điểm di tích và vào tận Mường Phăng thăm nơi làm việc của “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” bất kể trời mưa gió, sức khỏe chẳng còn nhiều… Hẳn là tinh thần chiến sỹ Điện Biên năm nào đã giúp cụ làm được những điều mà có lẽ phải nghị lực lắm thanh niên bây giờ mới làm được.

Những điều cụ nói càng khiến chúng tôi kính phục và không thể không làm theo ý cụ dù đường còn dài. Đến những đoạn, đường xuống dốc mạnh, qua cầu, thấy cụ run run chống gậy, dò dẫm, lần từng bước khi hai người chúng tôi đã dìu hai bên. Không ngần ngại, tôi đề nghị được cõng cụ đi cho nhanh và an toàn. Sau gần một thế kỷ, tấm thân của người chiến sỹ Điện Biên năm nào hư hao đi nhiều. Cụ nhẹ lắm! Chỉ khoảng 30 - 40kg nhưng tôi vẫn thấy nặng nề trách nhiệm với lịch sử, với công lao của cụ. Chỉ một cú sảy chân, vấp, ngã là có thể tôi sẽ ân hận cả đời, ấy là chưa kể những tổn hại đối với 29% sức khỏe còn lại của cụ. Hơn nữa sau 60 năm, những chiến sỹ Điện Biên năm nào chẳng còn lại là bao, cụ đang là một tài sản lớn của đất nước.  

Như thể sợ chúng tôi không tin, cụ lật đật moi từ trong chiếc ví cũ kỹ tấm giấy chứng thương được bọc cẩn thận trong mấy lớp nilon đã ố mầu. Tôi để ý thấy cụ có một cuộn dây dù mang theo. Cụ giải thích: “Từ ngày bị thương, tháng nào tôi cũng lên cơn động kinh mấy lần. Lúc ấy mất trí chẳng biết thế nào. Không ai dám trói nên tôi phải tự trói. Phải dùng cái dây dù này mới chắc chắn. Lúc nào thấy hoa mắt, đau đầu là phải trói tay chân vào một gốc cây nào đấy, lúc nào tỉnh thì đi tiếp! Ở nhà, mỗi lần tôi bị lên cơn xong mọi người kể lại rằng lúc ấy tôi toàn gọi tên đồng đội, hô xung phong!”

Nhìn vóc dáng và bộ quân phục của cụ, du khách đều đoán được cụ là chiến sỹ Điện Biên. Khi nghe chúng tôi giới thiệu ai cũng trầm trồ thán phục cụ. Có người tặng cụ tiền uống nước, có người hỏi han, người thì chụp ảnh, xin địa chỉ gửi về tặng cụ. Có lẽ với họ cụ cũng là một tài sản.

Vừa cõng vừa dìu cuối cùng chúng tôi cũng đưa được cụ đến nơi cách đây 60 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống, làm việc, chỉ đạo quân, dân ta làm nên chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử thế giới hiện đại. Từ căn hầm đất, mái nhà tranh này những quyết sách chiến lược đã được Đại tướng ban ra để đưa những người nông dân áo vải như cụ Chè trở thành những anh hùng của thời đại. Khiến cả thế giới biết đến một dân tộc Việt Nam kiên cường bất khuất.

Run run sờ tấm biển của khu di tích cụ nói như nghẹn: “Được rồi! Đến được đây là được rồi! Toại nguyện rồi…”. Trong đôi mắt mờ đục của cụ, chẳng có dòng nước nào lăn ra nhưng đôi môi run run và bàn tay sờ như thể muốn “hút lấy”, “nhập vào” tấm biển tôi đoán cụ đang xúc động lắm! Cũng phải thôi, đã 2 lần cụ được gặp Bác Hồ nhưng cụ chưa một lần được gặp Đại tướng, tình cảm của một người lính dành cho người anh cả vĩ đại của mình làm sao không xúc động.

May mắn được đưa cụ đi đến cuối chặng đường, giúp cụ toại những ước nguyện cuối đời, được nghe, được cảm phục và thấm thía hơn nữa cái giá của hòa bình, độc lập để biết rằng dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những người trẻ như chúng tôi phải luôn cảnh giác và hơn hết là nỗ lực hết sức, làm việc hết mình để đắp xây Tổ quốc ngày một mạnh giàu trên nền tảng lịch sử cha ông để lại.

 

X. Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...