Chủ nhật, 19/05/2024, 15:30 [GMT+7]

Xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Tân Uyên

Thứ hai, 08/04/2013 - 20:55'
(BLC) - Cơ sở vật chất là một trong 5 chuẩn để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện tại, đối với những chuẩn có thể khắc phục từ nội lực, Tân Uyên đã cơ bản hoàn thành. Song, chuẩn về cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục – Đào tạo Tân Uyên cần rất nhiều đến sự quan tâm đầu tư của các cấp.

Công tác xây dựng trường chuẩn được ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Tân Uyên xác định không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Bởi thế, đối với các chuẩn về tổ chức và quản lý; cán bộ giáo viên và nhân viên; chất lượng; xã hội hóa giáo dục, các đơn vị trường đã từng bước xây dựng chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống giải pháp để thực hiện có hiệu quả.

Giờ học nhạc của lớp 6A1, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Phúc Khoa.

Chúng tôi về thăm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Phúc Khoa - trường nằm trong lộ trình đạt chuẩn năm học này của huyện. Nằm ven trục Quốc lộ 32, giáp danh với thị trấn huyện. Trường cũng có tới 50% học sinh ở nội trú, được hưởng 40% phụ cấp mức lương tối thiểu, tạo thuận lợi lớn cho công tác duy trì sỹ số học sinh cũng như nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện chuẩn về công tác xã hội hóa giáo dục, hội cha mẹ học sinh thuộc 2 bản Hô Be, Hô Bon đã tự đóng góp ngày công, vật liệu dựng 2 “nhà nấm”, làm không gian cho con em đọc sách, tìm hiểu tài liệu, phục vụ cho học tập.

 Về chất lượng học tập, qua sơ kết học kỳ I, trường có 4,4% học sinh giỏi, 33% học sinh khá và không có học sinh yếu, đặc biệt trường không có học sinh lưu ban, bỏ học. Trong năm học này, trường đã có 12 học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, có 1 học sinh được vinh dự đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Song, có 1 chuẩn quan trọng, quyết định công tác xây dựng trường chuẩn đó là xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập thì còn thiếu. Cụ thể, phòng thực hành các môn học; các phòng thư viện, truyền thống, làm việc của công tác Đoàn – Đội, kho; khu vệ sinh, để xe; thậm chí phòng làm việc của hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng cũng chưa được đầu tư.

“Nhà nấm” được hội cha mẹ học sinh bản Hô Be, Hô Bon (PHúc Khoa) góp công dựng lên cho con em có không gian đọc sách.

“Do thiếu chuẩn về cơ sở vật chất nên nhà trường có nỗ lực đến mấy cũng không đủ điều kiện để công nhận danh hiệu trường chuẩn. Hiện tại, tập thể thầy trò nhà trường đang tự động viên nhau khắc phục, vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên về lâu dài vẫn cần sự quan tâm đầu tư rất lớn từ cấp trên” – cô giáo Phạm Thị Đào – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo thống kê từ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Uyên, từ nay đến năm 2015, toàn huyện có 6 trường đang trong quá trình chờ công nhận đạt chuẩn, song chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy học thì vẫn chưa đạt. Dự tính, mỗi đơn vị trường cần 5 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục phòng học bộ môn và thiết bị dạy học. Như vậy, để đạt chuẩn, Tân Uyên cần khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Đây là khoản kinh phí không hề nhỏ đầu tư chỉ trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên có một điều đáng mừng là “đối với huỵên Tân Uyên, công tác xây dựng trường chuẩn luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và chương trình kế hoạch hoạt động của UBND huyện hằng năm. Do vậy, việc hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia hoàn toàn trong khả năng của huyện” – bà Nguyễn Thị Huyền – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện khẳng định.

Kế hoạch đã đặt ra, sự chỉ đạo quyết liệt của Phòng GD – ĐT cùng sự quan tâm đầu tư kịp thời của huyện, hy vọng công tác xây dựng trường chuẩn của huyện sẽ theo đúng lộ trình.

Năm học 2012 – 2013, huyện Tân Uyên có 44 đơn vị trường học thuộc Phòng GD – ĐT huyện quản lý. Khi chia tách huyện, Tân Uyên chỉ có 1 đơn vị trường chuẩn, đến hết năm nay, huyện sẽ có 7 trường được công nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Theo lộ trình năm 2010 - 2015, toàn huyện sẽ xây dựng thêm 8 đơn vị trường đạt chuẩn.

 

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...