Thứ bảy, 27/04/2024, 23:11 [GMT+7]

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Tiếp nhận 3 bệnh nhân nhi có biểu hiện giống bệnh chân - tay - miệng

Thứ ba, 27/09/2011 - 09:40'
(BLC) – Đó là số bệnh nhân nhi Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận từ ngày 22 - 25/9.

Bệnh nhi đầu tiên có những biểu hiện giống bệnh chân - tay - miệng là Nguyễn Phương Linh (13 tháng tuổi, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu). Sáng 22/9, Linh nhập viện trong tình trạng bị sốt cao, chảy nước dãi, nổi nhiều mụn nước trong miệng, bàn tay, bàn chân; hay quấy khóc; ăn uống kém. Đến ngày 25/9, Nguyễn Bá Bình Minh (18 tháng tuổi, trú tại phường Tân Phong, thị xã Lai Châu) và Mào Thị Ngọc Ánh (2 tuổi, trú tại khu phố 1, thị trấn huyện Mường Tè) cũng nhập viện với biểu hiện tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn.


Điều dưỡng Khoa Truyền nhiễm theo dõi sức khỏe bệnh nhân Mào Thị Ngọc Ánh (thị trấn huyện Mường Tè)

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Dương Thị Nhạn (Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Do thời tiết chuyển mùa nên trẻ nhỏ thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm VA, viêm đường hô hấp cấp, viêm amidan hốc mủ... Trẻ mắc bệnh thông thường có biểu hiện như sốt phát ban cũng có thể có những biểu hiện tương tự bệnh chân – tay – miệng. Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhi, Ban lãnh đạo khoa đã hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị tương tự bệnh chân – tay – miệng. Đến chiều ngày 26/9, tình trạng sức khỏe của Nguyễn Phương Linh và Nguyễn Bá Bình Minh đã ổn định, các mụn ở tay, chân, miệng đã hết, ăn uống bình thường và không còn quấy khóc.

Chúng tôi đến thăm bệnh nhân Mào Thị Ngọc Ánh khi bé đang say giấc. Nỗi lo lắng hằn trên đôi mắt chị Đao Thị Hương (mẹ cháu Ánh) khi đã mấy đêm thức trắng vì lo lắng cho sức khoẻ của con.

“Cách đây gần 1 tuần, cháu bị ho, khó thở, ngủ hay giật mình và nói mê man. Gia đình cứ nghĩ đó là những biểu hiện bình thường khi thời tiết chuyển mùa nên cháu bị viêm VA, do đó đã điều trị cho cháu bằng thuốc kháng sinh. 2 ngày sau, bệnh có giảm nhưng tiếp tục theo dõi tôi thấy cháu có biểu hiện rất mệt mỏi, ăn uống kém và hay quấy khóc. Cùng với đó là biểu hiện chảy nước dãi, sốt cao và nổi mụn ở lòng bàn tay, chân. Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh chân – tay – miệng và thấy con cũng có biểu hiện tương tự nên gia đình đưa cháu đi khám tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện và xin chuyển tuyến trên. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, cháu đã đỡ nhiều, gia đình tôi cũng yên tâm” – chị Hương tâm sự.

Được biết, ngay sau khi có tin báo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nhi gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm đối chứng.

Theo bác sỹ Đỗ Văn Giang – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những triệu chứng ban đầu như sốt, nổi ban vùng tay, chân, miệng (khi đó chưa có bọng nước) rất khó phát hiện chính xác bệnh để điều trị. Các bệnh nhi này không có những biểu hiện điển hình của bệnh tay – chân – miệng; thậm chí có trường hợp, trẻ không có hoặc có rất ít các nốt phỏng đỏ). Điều này rất nguy hiểm vì cha mẹ có thể chủ quan, không phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị khiến bệnh có nguy cơ bị biến chứng.

Bác sỹ Giang khuyến cáo: “Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiều bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện, bố mẹ không được bỏ qua các biểu hiện khác thường của con, đặc biệt là sốt cao. Nếu trẻ sốt cao liên tục từ 39 – 400 mà sử dụng thuốc hạ sốt thân nhiệt không giảm, cần phải đưa con đến các trung tâm y tế hoặc nhập viện ngay, không nên tự điều trị tại nhà”.

Hiện tại, trong khi chờ kết quả đối chứng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các bệnh nhân nhi trên vẫn được cách ly, theo dõi, chăm sóc, điều trị; yêu cầu phụ huynh theo dõi chính xác và báo cáo kịp thời tình trạng sức khỏe của con em với bác sỹ để có biện pháp xử lý. Ngành Y tế tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị y tế, dự trữ thuốc đặc hiệu cùng nhiều biện pháp tích cực nhằm phòng chống, điều trị khi có bệnh chân – tay – miệng xảy ra.

Hiện đã có 61/63 địa phương có trẻ mắc bệnh chân – tay - miệng. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận gần 48.000 ca mắc tay – chân - miệng tại 61 địa phương, trong đó có 102 trường hợp tử vong tại 21 tỉnh, thành. Các trường hợp tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam chiếm hơn 79% số mắc và 91% số tử vong của cả nước. Thành phố Hà Nội đã có 1 ca tử vong do bệnh chân – tay – miệng và là địa phương đầu tiên ở Miền Bắc. Trong 10 tuần gần đây, số ca mắc ghi nhận trên cả nước không tăng, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm.

 

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...