Thứ bảy, 27/04/2024, 13:52 [GMT+7]

Cảnh báo tình trạng trẻ ngộ độc lá ngón

Thứ tư, 09/11/2016 - 16:18'
(BLC) - Ngộ độc do ăn lá ngón là thực trạng khá phổ biến ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đặc biệt thường rơi vào trẻ em do chưa nhận biết được các loại cây rừng. Vụ việc xảy ra ngày 6/11 tại xã Khun Há, huyện Tam Đường là ví dụ điển hình.

Bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Tam Đường) kiểm tra sức khỏe cho cháu Lù Thị Dủa.

Vào hồi từ 17 giờ - 17 giờ 30 phút ngày 6/11, Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Tam Đường) tiếp nhận 3 bệnh nhân nhi là: Lù Thị Sua (SN 2010) và 2 anh em Lù A Kính (SN 2009), Lù Thị Dủa (SN 2010) cùng trú tại bản Sàn Phàng Thấp (xã Khun Há) trong tình trạng mạch nhanh, khó thở, buồn nôn nhưng không nôn được, thỉnh thoảng lên cơn co giật. Theo thông tin từ gia đình cung cấp, 3 cháu đang theo học tại Trường Tiểu học xã Khun Há, ngày cuối tuần được nghỉ nên sau khi ăn cơm trưa, 3 cháu rủ nhau vào rừng chơi. Khoảng 16 giờ chiều, khi các cháu về, người nhà thấy đi loạng choạng và kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nhưng không nôn được, gặng hỏi thì các cháu cho biết đã ăn một loại lá trong rừng. Nghi con ăn phải lá ngón, các gia đình vội đưa 3 cháu đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.

Bác sỹ Lò Văn Thanh (Khoa hồi sức cấp cứu) cho biết: Sau khi nghe gia đình kể lại cộng với triệu chứng cũng như diễn biến tình trạng sức khoẻ của các cháu, chúng tôi lập tức tiến hành rửa ruột, đặt nội khí quản, theo dõi sức khỏe. Đến nay, sức khỏe của các cháu cơ bản ổn định. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, nhất là trẻ nhỏ tránh xa lá ngón vì đây là loại cây có độc tính cao, khi ăn phải nếu không được xử lý kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.

Anh Lù A Dềnh (bố của 2 cháu Lù A Kính và Lù Thị Dủa) chưa hết bàng hoàng khi trò chuyện với chúng tôi. Anh Dềnh chia sẻ: Do công việc nhà nhiều nên gia đình cũng không để ý đến các cháu, suýt nữa thì mất con. Từ nay tôi sẽ không để các con đi vào rừng chơi nữa. Còn theo lời anh Cứ A Chư (người nhà cháu Lù Thị Sua), cây lá ngón mọc rất nhiều ở xung quanh bản. Có lẽ do còn nhỏ tuổi, chưa phân biệt được nên các cháu đã hái và ăn nhầm loại lá này.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Tam Đường) đã tiếp nhận và điều trị cho 17 trường hợp liên quan đến lá ngón, trong đó xã Khun Há có đến 7 trường hợp.

Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh các gia đình có con nhỏ, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, quan tâm, quản lý con em chặt chẽ hơn nữa, tránh xảy ra các tai nạn thương tâm.

Hoàng Cường - Đài TT-TH Tam Đường

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...