Thứ tư, 01/05/2024, 17:52 [GMT+7]

Những người giữ đuốc trong mưa

Thứ hai, 23/04/2012 - 09:43'
(BLC) - Sinh có hạn, tử bất kỳ, cuộc sống của con người chẳng khác nào ngọn đèn trước gió. Với những người mang bệnh nan y thì ánh sáng đó chẳng khác nào dãi gió, dầm mưa, sẽ tắt bất cứ lúc nào nếu không có sự nâng niu. Và, có những người dám hy sinh để bảo vệ những “ngọn đèn trong mưa” mặc dầu những sinh mạng đó chẳng mấy liên quan đến họ.

Chuyện ở nơi kỳ lạ

“Nơi kỳ lạ” ấy là cái tên tôi cho rằng phù hợp nhất để nói về Trung tâm Phòng chống HIV (Sở Y tế). Nơi ấy có những con người với những suy nghĩ, hành động khác hẳn với nhiều người.

Buổi làm việc của Ban xét duyệt điều trị , Trung tâm phòng chống HIV-AIDS tỉnh.

Sự lạ đầu tiên là những con người ở đây. Người vào nơi này mang một căn bệnh vô cùng nan y mà người đời vẫn ví đó là bản án tử hình nhưng “trả góp”, đó là HIV. Cũng phải thừa nhận rằng sự kỳ thị của xã hội đối với những người mang loại virút này cũng còn nặng nề, đến ngay cả người nhà, người thân của họ cũng còn xa lánh. Bởi lẽ đó, nhiều người có “H” vẫn phải giấu giếm, những người không giấu được thì xa lánh, chọn những góc khuất của xã hội mà ẩn thân, “gặm nhấm” nỗi đau cả về thể xác và tinh thần. Nhưng lạ thay, sau khi tìm đến đây họ lại vui vẻ, lại hòa đồng và cái “H” quái ác kia được xem như những bệnh bình thường khác.

Những cán bộ ở Trung tâm này là những người đang làm một nghề đặt biệt, và họ cũng đặc biệt từ trong suy nghĩ đến hành động.  Với người có “H”, họ gần gũi, ân cần, thậm chí hơn 1 người bạn tri kỷ. Hàng ngày họ đi khắp thôn cùng ngõ hẻm để tìm bằng được những người có “H”, tuyên truyền khắp nơi rằng chúng tôi cần gặp, muốn tìm, muốn thấy những người có “H”. Lặn lội cả trăm cây số để gặp bằng được những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDSchỉ để nói vài câu chuyện cho họ vơi đi nỗi đau thể xác, vui vẻ tinh thần, cấp thuốc, rồi chia tay bằng lời nhắn nhủ rằng cứ đến chỗ chúng tôi mà lấy thuốc, không mất tiền.

Bà Giám đốc Trung tâm cũng chẳng ai xúi, ai thúc nhưng gõ cửa hết doanh nghiệp này, mạnh thường quân nọ để xin tiền và thậm chí có khi chỉ là gói bánh, hộp mì... để cho người có “H”.

Chữ tâm chắc chỉ thế này!

Nếu không trực tiếp chứng kiến có lẽ có nói rằng những y bác sỹ ở Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh hoạt động bằng cái tâm của nghề, tôi cũng chẳng tin lắm. Trong cái thời mà vật chất lúc nào cũng là đòi hỏi của cuộc sống, đối mặt với án tử thì khó mà giữ cho cái chữ tâm kia trong sáng, vậy mà những con người nơi đây vẫn vui vẻ “vác tù và hàng tổng”.

Cán bộ Trung tâm phòng chống HIV- AIDS hướng dẫn bệnh nhân cách dùng thuốc.

Có một lần, tôi may mắn được chứng kiến một bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Nhìn người bệnh vào Trung tâm với những biểu hiện của bệnh AIDS giai đoạn cuối, tôi gai hết người. Phản xạ rất tự nhiên tôi tụt lùi như để giữ khoảng cách an toàn và tôi bỗng đỏ mặt vì trong tình cảnh ấy các y bác sỹ của Trung tâm lại làm hành động trái ngược với tôi. Họ ân cần hỏi han, dìu bệnh nhân vào phòng. Trên gương mặt là những nụ cười như thể vừa gặp người nhà đi xa mới về, trái ngược hẳn với những giọt mồ hôi và đôi mắt không dám chớp của tôi. Nhìn anh chàng phóng viên đang mắt tròn mắt dẹt, một cán bộ Trung tâmchợt phì cười và vỗ vai: Chuyện thường ấy mà!

Sự việc này đúng là chuyện thường bởi có lần cán bộ của Trung tâm tìm đến một gia đình người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để tư vấn, lấy mẫu máu xét nghiệm, lần đầu đi không gặp đối tượng, lần thứ hai đi tiếp cận không thành công, lần thứ ba vào thì người nhà họ cầm dao đuổi đánh vì: “Sao cứ suốt ngày quấy rầy chúng tôi, hàng xóm họ nhìn vào thì sao”. Lại có lần, cán bộ của Trung tâm đi lấy mẫu máu xét nghiệm, gặp người không hiểu, họ lu loa rằng cán bộ lấy máu đem bán và tập hợp cả bản vây quanh hai cán bộ của Trung tâm. “Những chuyện tương tự chúng tôi gặp không ít bởi sự kỳ thị, e ngại của mọi người và nhất là sự thiếu thông tin, hiểu biết của người dân về HIV nên đã có nhiều hành động bất hợp tác” – bà Lê Thị Mai – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV-AIDS  giải thích.

Mọi người sẽ đặt câu hỏi về rủi ro nghề nghiệp của những người hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với người bệnh. Quả thật họ là những người có nguy cơ gặp rủi ro rất cao và thậm chí có nhiều người bị phơi nhiễm HIV. Đó là những tình huống sơ ý dẫm phải kim tiêm, tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Theo thống kê của Trung tâm thì từ khi thành lập đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 50 trường hợp như vậy. Tuy nhiên không một ai trong họ nhụt chí bởi một lẽ “cái tâm không cho phép!”. Có lẽ trời cũng thương người có tâm, có đức, cả 50 trường hợp bị phơi nhiễm nhưng sau khi điều trị, đến nay tất cả đều cho kết quả âm tính với virut HIV.

Đến Trung tâm tôi chẳng thấy ai hô hào về đạo đức nghề nghiệp, họ chỉ cần mẫn làm việc. Những việc của họ có khi chỉ là lấy mẫu máu xét nghiệm, tư vấn cho bệnh nhân, cho người nhà bệnh nhân, lặng lẽ quyên góp ủng hộ các câu lạc bộ của người có “H” hay những ngày vượt suối băng đèo mà trả kết quả cho bệnh nhân…

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tỉnh ta phát hiện thêm trên 300 người có “H” và hầu hết trong số họ sau khi lấy mẫu máu đều mất dấu do làm ăn xa và cán bộ của Trung tâm lại phải lặn lội lần từng nhà, từng bản để trả kết quả và tư vấn.

Không được thu bất kỳ loại phí nào đối với bệnh nhân và chắc chắn rằng chưa bao giờ được bệnh nhân tặng quà mà ngược lại đôi khi họ phải dốc ví mua quà cho bệnh nhân nhưng cán bộ Trung tâm vẫn luôn yêu nghề, nhiệt tình với công việc bởi với họ, niềm vui lớn nhất vẫn là nhìn thấy những người mang “H” khỏe mạnh, tiếp tục sống có ích và những em bé sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm âm tính…

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...