Thứ tư, 01/05/2024, 11:18 [GMT+7]

Nhiều khó khăn trong điều trị bệnh Lao

Chủ nhật, 20/05/2012 - 14:44'
(BLC) - Những năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế bệnh lao phát triển trong cộng đồng, nhưng việc điều trị bệnh lao hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Chỉ tính riêng năm 2011, đã có 4.184 bệnh nhân nghi mắc lao đến khám và xét nghiệm đờm, 488 bệnh nhân điều trị nội trú, 2.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú; phát hiện mới 152 bệnh nhân, xét nghiệm huyết học 241 ca, xét nghiệm nước tiểu 187 ca, chụp XQ 700 ca, siêu âm 300 ca.

Bác sĩ Khoa Lao (Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) chăm sóc bệnh nhân Lý A Đạch bị lao tái phát.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách phòng chống lao cấp huyện, xã; truyền thông và cấp phát tài liệu phòng chống lao tại các buổi họp thôn bản; công tác kiểm tra giám sát được tiến hành định kỳ hàng tháng tại cơ sở... Nhờ đó, chương trình phòng chống lao tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, công tác phòng chống lao vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là tỷ lệ người bệnh chưa tuân thủ các nguyên tắc điều trị lao còn cao (chiếm 64,3%); hiệu quả điều trị khỏi bệnh thấp (chỉ đạt 70% - thấp hơn so với yêu cầu của Chương trình phòng chống lao quốc gia đề ra là 85%).

Nguyên nhân chính là do thời gian điều trị lệnh dài từ 6-8 tháng. Trong đó, 2 tháng đầu điều trị tấn công tại cơ sở y tế, có sự giám sát của các y, bác sĩ; 4-6 tháng còn lại điều trị tại cộng đồng để tiêu diệt hết vi khuẩn lao trong tổn thương.

Nhưng thực tế, sau khi nằm viện người bệnh chỉ uống thuốc thêm một hai tháng, thấy cơ thể khoẻ mạnh nghĩ bệnh đã khỏi nên không điều trị, sau một thời gian các chất thuốc kháng lao hết tác dụng, số vi trùng lao còn lại kháng thuốc và khi phát tác rất khó điều trị.

Trường hợp của bệnh nhân Lý A Đạch, dân tộc Dao, ở bản Nậm Pe, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ là một điển hình. Bệnh nhân Đạch nhập viện vào tháng 6/2011 trong tình trạng ho kéo dài, đau tức ngực, khó thở, gầy, sút cân… Ngay lập tức các bác sĩ khoa Lao (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) đã khám và chẩn đoán: tràn dịch, tràn mủ màng phổi trái do lao. Các bác sĩ mổ dẫn lưu, bơm rửa màng phổi và điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ phòng chống lao.

Điều trị được gần 2 tháng, khi xét nghiệm đờm thấy âm tính, Bệnh viện chuyển bệnh nhân về Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ, sau đó bệnh nhân về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do bỏ thuốc, không sử dụng thuốc đúng thời gian nên bệnh lao không điều trị được khỏi hẳn. Ngày 2/3/2012 bệnh nhân Đạch lại nhập viện trong tình trạng ho, đau tức ngực, dẫn lưu cũ có nhiễm khuẩn. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc lao phổi AFB dương tính, biểu hiện của lao tái phát. Bệnh nhân Đạch nhập viện và tiếp tục điều trị.

Tâm sự với chúng tôi, anh Đạch nói: “Dự kiến thời điều trị bệnh lao của tôi sẽ dài gấp đôi thời gian điều trị ban đầu. Gia đình tôi đã nghèo nay càng nghèo hơn. Bây giờ tôi cảm thấy rất hối hận vì bỏ thuốc, không uống thuốc đúng thời gian theo hướng dẫn của y, bác sĩ. Tôi mong rằng các bệnh nhân lao khác đừng như tôi”.

Ngoài khó khăn về phác đồ điều trị bệnh lao kéo dài thì khó khăn nữa đó là sự hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế. Xã hội vẫn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bệnh lao thường dấu bệnh không đi khám; tâm lý của người dân thì khi bệnh nặng họ mới tìm đến bệnh viện … ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh cũng như việc xác định nguồn gốc lây lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì ngoài sự vào cuộc của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống lao còn cần sự phối hợp của cả cộng đồng và toàn xã hội.

Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra. Trong cơ thể, phổi là nơi vi khuẩn lao gây bệnh chủ yếu. Người mắc bệnh lao phổi dễ lây vi khuẩn lao sang người khác khi khạc đờm, ho hoặc hắt hơi. Người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc bệnh lao. Khi cơ thể có các biểu hiện: ho khạc kéo dài trên 2 tuần, có thể sốt nhẹ về chiều, ăn không ngon miệng, gầy sút cân, tức ngực, ho ra máu... cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị bệnh kịp thời.

 

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...