Thứ tư, 01/05/2024, 12:41 [GMT+7]

Phòng chống bệnh tay, chân, miệng: Thách thức lớn

Thứ năm, 10/05/2012 - 15:15'
(BLC) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng (TCM), Ban Giám hiệu Trường Mầm non Giang Ma (huyện Tam Đường) đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh. Song đây là một thách thức lớn đối với nhà trường bởi quá nhiều khó khăn.

Hiểu biết sơ đẳng về bệnh

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đèo Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Giang Ma cho biết: “Hiện trường có 13 lớp với tổng số 297 cháu. Ngay sau khi nhận được thông tin bệnh TCM xuất hiện trên địa bàn huyện, nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh TCM; tổ chức tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên về các biện pháp phòng chống bệnh… Tuy nhiên, do chỉ hiểu biết sơ đẳng về bệnh nên nội dung tuyên truyền đến phụ huynh học sinh chưa sâu”.

Hàng ngày các bé ở điểm trường trung tâm (Trường Mầm non Giang Ma, huyện Tam Đường) hầu như không được rửa tay với xà phòng sát khuẩn.

Do hiểu biết về bệnh TCM hạn chế nên cán bộ, giáo viên nhà trường lúng túng ngay cả khi người thân bị TCM nên rất khó phát hiện ra học sinh mắc bệnh này. Cụ thể, từ tháng 10/2011 đến nay, 2 cán bộ, giáo viên của trường rất lúng túng khi con (1 - 2 tuổi, chưa đi học) có triệu chứng của bệnh TCM. Khi đưa con đi khám ở bệnh viện, bác sĩ kết luận bị bệnh TCM và hướng dẫn các chị cách chăm sóc thì các chị mới biết.

Nguyên nhân khiến cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường hiểu biết về bệnh hạn chế chủ yếu do: nhà trường không có cán bộ y tế nên cán bộ, giáo viên nhà trường phải tự tìm hiểu thông tin về bệnh TCM qua cán bộ y tế của Trạm Y tế xã nhưng do công việc bận, việc tìm hiểu cũng chỉ ở mức độ nhất định.

Thiếu trầm trọng nước, xà phòng rửa tay

Trường Mầm non Giang Ma có 9 điểm trường nhưng có tới 8 điểm trường (Mào Phô cao, Mào Phô thấp, Giàng Tả, Ngài Trù, Cu Tỉ, Sin Câu, Sử Thàng, Bãi Bằng) không có nước. Riêng điểm trường trung tâm, cách đây khoảng gần 1 tháng, các giáo viên trong trường đã góp tiền lương mua ống dẫn nước từ đầu nguồn về, tuy nhiên lượng nước rất ít. Các cô giáo phải đi xin nước ở nhà dân để nấu ăn, rửa tay cho các bé.

Cô giáo Hoàng Thị Chiên - giáo viên lớp mẫu giáo lớn ở bản Mào Phô chia sẻ: “Hàng ngày tôi phải mang can, bình nước đi bộ khoảng 500m đường dốc đến các hộ dân để xin nước. Mỗi ngày tôi chỉ xin được khoảng 10 lít nước, nhiều nhất là 20 lít  nước. Lượng nước này dùng cho 26 cháu trong lớp rửa tay, rửa mặt buổi sáng, trước lúc ăn trưa và sau khi ngủ dậy. Vẫn biết rằng thiếu nước rửa tay thì nguy cơ các cháu bị bệnh TCM cao hơn nhưng do nước quá khan hiếm, bà con phải rất tiết kiệm mới có nước sinh hoạt nên tôi cũng không dám xin nhiều”.

Lời chia sẻ chân tình của cô giáo Chiên khiến chúng tôi thấy thương các bé và cảm thông với các cô giáo hơn. Tôi hỏi: Thiếu nước vậy các bé có xà phòng để rửa tay không? Đáp lại câu hỏi của tôi bằng một tiếng cái thở dài, cô giáo Chiên nói: “Nhà trường không có nguồn kinh phí để mua khăn mặt, bát, đũa hay xà phòng sát khuẩn nên hàng ngày các cháu chỉ rửa tay với nước. Cán bộ, giáo viên có góp tiền để mua xà phòng nhưng vì xà phòng có hạn nên 1 tuần các cháu chỉ được rửa tay bằng xà phòng 2 lần. Thiếu nước, việc vệ sinh nền nhà cũng không thực hiện được. Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc phòng chống bệnh TCM”.

Ngoài thiếu nước, thiếu xà phòng rửa tay, nhà trường còn phải đối mặt với việc không có thuốc, không có dụng cụ thiết yếu, không có dung dịch sát khuẩn, nước sát trùng. Bếp nấu ăn mượn của Trường Tiểu học, trong bếp không có chạn đựng bát, đũa… Phụ huynh khi được tuyên truyền thông tin về bệnh thường hay quên còn khi phát tờ rơi thì không hiệu quả bởi không biết chữ…

Rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giúp đỡ kịp thời, các tổ chức, cá nhân chia sẻ khó khăn với Trường Mầm non Giang Ma để tạo điều kiện tốt nhất cho các trẻ học tập, vui chơi và phát triển.

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...