Thứ tư, 01/05/2024, 12:14 [GMT+7]

Phong Thổ: Hàng nghìn người dân chưa được cấp thẻ BHYT

Thứ tư, 11/04/2012 - 08:30'
(BLC) - Theo quy định của nhà nước, trước ngày 1/1/2012, huyện Phong Thổ phải cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo và người dân tộc thiểu số nhưng đến nay toàn huyện vẫn còn hơn 2 nghìn người dân chưa được cấp thẻ BHYT.

Năm 2012 toàn huyện Phong Thổ sẽ phải cấp hơn 68 nghìn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo và người dân tộc thiểu số (nằm trong diện chính sách được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí). Nhưng thực tế, đến ngày 31/3, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện mới cấp bổ sung thêm 6.942 thẻ BHYT cho người dân (đạt 96,55% số người được hưởng BHYT). Trong đó, xã Bản Lang được cấp bổ sung 1.791 thẻ, Dào San 5.010 thẻ, Khổng Lào 67 thẻ và Sì Lở Lầu 11 thẻ… Số còn lại (hơn 2 nghìn người dân), đến nay chưa được cấp thẻ BHYT đang được chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách, đề nghị huyện cấp thẻ BHYT. Sự chậm trễ này đã đẩy người dân nghèo và người dân tộc thiểu số lâm bệnh vào hoàn cảnh khó khăn.

Người dân thiệt thòi

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết: “Về nguyên tắc, Trung tâm Y tế huyện không thể khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân nếu như không có thẻ BHYT. Khi người bệnh nhập viện, Trung tâm vẫn phải thu tiền viện phí. Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người nghèo, người dân tộc thiểu số. Do chưa có thẻ BHYT nên nhiều người mắc bệnh không dám vào viện điều trị, vì phải chi trả các khoản viện phí, thuốc điều trị bệnh. Chỉ những bệnh nhân bất khả kháng mới được người thân đưa đến nhập viện. Họ hầu hết là người dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Dao trình độ nhận thức còn hạn chế không biết kêu ai nên âm thầm gánh chịu thiệt thòi”.

Cán bộ BHXH huyện Phong Thổ cấp lại thẻ BHYT cho người dân ở bản Vàng Khon (thị trấn Phong Thổ).

Đến Trạm Y tế xã Bản Lang một chiều đầu tháng 4, chúng tôi gặp 3 bệnh nhân của bản Hợp 1 đang được các y sĩ khám, kê đơn thuốc. Bệnh nhân Vàng Thị Dem tâm sự: “Tôi bị bệnh tăng huyết áp thường xuyên hoa mắt chóng mặt. Mỗi tháng, tôi phải đến cơ sở y tế khám, điều trị bệnh ít nhất 2 lần. 3 tháng đầu năm 2012, tôi đã 6 lần khám, điều trị tại cơ sở y tế. Do chưa được cấp thẻ BHYT nên gia đình phải bán thóc, vay mượn hơn 1 triệu đồng để trả tiền viện phí cho tôi. Sáng nay, trưởng bản báo 19 giờ họp bản để nhận thẻ BHYT, tôi vui lắm. Mong rằng, năm tới huyện, xã cấp thẻ BHYT đúng thời gian để không thiệt thòi cho người dân”.

Bệnh nhân Lý Quẩy Páo (60 tuổi) ở bản Giao Chản (xã Bản Lang) cũng chưa được cấp thẻ BHYT. Ông bị viêm phổi nặng, khó thở, suy nhược cơ thể được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã điều trị. Sau 7 ngày điều trị nội trú tại trạm, bệnh của ông đã dần ổn định. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền thanh toán viện phí, cán bộ, y sĩ trong trạm đã quyên góp tiền giúp ông chi trả.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc cấp thẻ BHYT chậm trễ cho người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện do nhiều yếu tố. Khi chúng tôi đến tìm hiểu nguyên nhân thì chính quyền huyện, xã đổ lỗi cho dân còn người dân chỉ biết đợi chính quyền cấp thẻ BHYT.

Y sĩ Trần Thị Lan (Trạm Y tế xã Bản Lang) đo huyết áp, kê đơn, tư vấn cho bệnh nhân Lù Thị Hương (bản Hợp 1, xã Bản Lang, chưa được cấp thẻ BHYT mua thuốc điều trị bệnh).

Theo chúng tôi nhận định thì người dân cũng có lỗi do thiếu hiểu biết, không khai báo họ tên, nhân khẩu đầy đủ với chính quyền địa phương. Mặt khác, cán bộ bản không đến từng hộ kê khai nhân khẩu mà lấy danh sách cũ từ những năm trước nên thiếu trẻ mới sinh, thừa người đã tử vong, sai họ, tên đệm là khó tránh khỏi. Khi chính quyền xã tổng hợp danh sách đề nghị huyện cấp thẻ BHYT cho các bản vẫn đểsót. Điển hình như: Toàn xã Bản Lang có 14 bản nhưng xã chỉ gửi danh sách ra Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện 10 bản, thiếu 4 bản chưa có danh sách. Người dân ở 4 bản (Hợp 1, Sàng Giang, Giao Chản, Nậm Lùng) của xã Bản Lang chưa có danh sách, đến ngày 4/4 vừa qua mới được nhận thẻ BHYT. Trước đó, những người dân chưa có thẻ BHYT lâm bệnh đến cơ sở y tế khám, điều trị vẫn phải trả tiền viện phí...

Ông Đặng Xuân Tiến - cán bộ phụ trách thu BHXH, BHYT, cấp sổ BHXH và phát thẻ BHYT (BHXH huyện Phong Thổ) cho biết: “Từ đầu tháng 11/2011, BHXH huyện đã liên hệ với Phòng LĐTB&XH huyện triển khai kế hoạch làm thẻ BHYT năm 2012 cho người dân. Nhưng không hiểu vì sao, đến ngày 20/12/2011, Phòng LĐTB&XH huyện mới chỉ gửi danh sách đề nghị BHXH huyện cấp thẻ BHYT cho người dân ở 15/18 xã, thị trấn. Sau 7 ngày nhận được danh sách, BHXH huyện đã cấp đầy đủ thẻ BHYT cho người dân ở 15/18 xã, thị trấn. Đối với 3 xã: Dào San, Lản Nhì Thàng, Pa Vây Sử thiếu danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, Phòng LĐTB&XH huyện đã tháo gỡ bằng cách làm tờ trình xin BHXH tỉnh ra hạn thẻ BHYT năm 2011 có hiệu lực sử dụng từ 1 - 2 tháng đầu năm 2012. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã tiếp tục hướng dẫn trưởng bản lập danh sách đề nghị cấp bổ sung cho người dân chưa có thẻ BHYT”.

Mỗi năm, BHXH huyện sẽ cấp bổ sung 4 đợt thẻ BHYT. Nhưng việc cấp bổ sung thẻ BHYT cũng phải mất một khoảng thời gian từ 2 - 3 tháng. Theo ông Phạm Văn Phong - Phó Phòng LĐTB&XH huyện Phong Thổ thì trước đây, các xã trên địa bàn huyện đều có cán bộ chuyên trách LĐTB&XH nên việc lập danh sách cấp thẻ BHYT cho người dân có phần thuận lợi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, các xã không bổ nhiệm cán bộ chuyên trách LĐTB&XH mà công việc của cán bộ LĐTB&XH được giao cho cán bộ văn phòng xã kiêm nhiệm. Vì vậy, việc chậm trễ trong vấn đề cấp thẻ BHYT cho người dân là do chính quyền xã chưa cung cấp danh sách đầy đủ, kịp thời cho Phòng LĐTB&XH huyện gửi BHXH huyện in thẻ.

Việc cấp thẻ BHYT chậm trễ đã khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi. Không có thẻ BHYT, một số bệnh nhân người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế. Khi bệnh quá nặng họ mới được người nhà đưa đến cơ sở y tế điều trị thì đã muộn nên nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. Mong rằng, huyện sớm đưa ra giải pháp rà soát, thống kê triệt để, cấp thẻ BHYT đầy đủ, đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho nhân dân.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...