Thứ năm, 02/05/2024, 20:03 [GMT+7]

Tích cực phòng, chống bệnh dại

Thứ sáu, 12/08/2016 - 14:41'
Hiện nay thời tiết đang diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại dịch, bệnh phát triển trong đó có bệnh dại. Tuy đang giữa mùa hè - thời điểm dễ bùng phát dịch dại nhưng ở tỉnh ta tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát bởi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp chính quyền và sự cảnh giác của người dân.

Ứng phó, dập dịch

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay toàn tỉnh có hơn 30.000 hộ dân nuôi chó với trên 57.500 con chó. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh dại phát triển. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh khẳng định: Tỉnh ta hoàn toàn có đủ khả năng ứng phó, khoanh vùng, khống chế, dập dịch cả trên người cũng như trên đàn chó, mèo.

Bà Trần Thị Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Ngay từ cuối năm 2015, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch về kinh phí, vắc-xin, trình UBND tỉnh phê duyệt để chủ động dự phòng nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng dại (trên người). Có thể khẳng định, lượng vắc-xin hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kể cả khi nhu cầu tăng đột biến.

Cán bộ đội y tế dự phòng (Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ) tiêm phòng bệnh dại cho người dân.

Không chỉ trong năm nay mà nhiều năm qua, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh luôn duy trì các chuyên trang, chuyên mục về chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó tuyên truyền đậm nét về việc phòng, chống bệnh dại vào thời kỳ cao điểm. Các phóng sự đã cung cấp cho công chúng không chỉ những thông tin về tình hình dịch bệnh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như Nhân dân mà còn đăng tải những thông tin khoa học về bệnh dại để người dân chủ động nắm bắt, phòng ngừa. Bên cạnh đó, báo, đài còn có những bài viết phản ánh sự thờ ơ, chủ quan và những bài học đắt giá của một bộ phận dân cư để công chúng có thêm hiểu biết, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phòng bệnh. 

Việc lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại tại cơ sở cũng được các cấp chính quyền quan tâm. Bên cạnh các phương pháp tuyên truyền qua xe tuyên truyền lưu động, các panô cổ động, việc tuyên truyền qua các buổi họp dân cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Qua người có uy tín, già làng, trưởng bản những thông tin thô, cứng về dịch tễ học, vi sinh học, hóa chất, hay những phác đồ điều trị với những thuật ngữ chuyên môn khó nhớ khó gần được đơn giản hóa thành những ví dụ từ ngay cuộc sống của bà con nên hiệu quả tuyên truyền khá cao. Ông Sùng A Sảng - Bí thư Chi bộ bản Hô Bon (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) cho biết: “Hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dại, trong các cuộc họp bản ngoài tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chúng tôi cũng lồng ghép các thông tin về dịch bệnh, cách phòng ngừa cho bà con biết. Bây giờ bà con đã biết bệnh dại từ đâu mà có và phải phòng ngừa, ứng phó thế nào. Trong bản chẳng may có người bị chó cắn là lập tức vệ sinh vết thương, đi tiêm phòng ngay”.

Cũng bởi bà con đã nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống bệnh dại mà từ đầu năm đến hết ngày 22/7, toàn tỉnh đã có 705 trường hợp đến các cơ sở y tế để tiêm phòng dại, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015. Bà Trần Thị Liên phân tích: Không thể khẳng định việc số lượng người đến tiêm phòng tăng lên do bị chó nghi dại cắn là tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tăng lên bởi cũng có thể bà con đã cảnh giác cao hơn, nắm bắt được các thông tin về biểu hiện nghi dại của chó nên chủ động hơn trong việc tiêm phòng. Số người đến tiêm phòng đông hơn cũng có thể được giải thích là nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh ta giúp người nghèo tiêm vắcxin phòng dại miễn phí nên bà con có thêm nhiều cơ hội được phòng bệnh. Điều này có thể khẳng định nhận thức của người dân đã được nâng lên một bước.

Để ngăn chặn tận gốc của dịch bệnh, việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo là biện pháp căn cốt để giải quyết vấn đề. Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã tiêm phòng dại cho 30.367 con, đạt 52,81%, từ nay đến cuối năm, ngành Thú y tỉnh sẽ tiếp tục tiêm phòng dại bổ sung cho đàn chó, mèo của tỉnh để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi bệnh dại.

Đôi điều trăn trở

So với năm 2009 - năm tỉnh ta xuất hiện, bùng phát dịch dại thì đến nay công tác chuẩn bị, chủ động ứng phó với dịch bệnh của chính quyền và người dân đều đã có những bước tiến rất đáng mừng. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này chính là từ thời điểm đó đến nay tỉnh ta chưa tái bùng phát lại dịch dại. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đáng mừng, trong công tác phòng, chống bệnh dại vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải trăn trở.

Điều đáng nói nhất là việc nuôi thả chó, mèo. Đây là tình trạng phổ biến của tỉnh ta mà ngay cả ở các trung tâm huyện, thành phố vẫn xảy ra. Việc nuôi thả chó, mèo không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán bệnh dại.

Việc quản lý đàn chó, mèo vẫn đang là một vấn đề hết sức khó khăn. Qua khảo sát của phóng viên, rất ít tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản nắm được chính xác số lượng chó, mèo trong tổ dân phố, bản mình. Điều này khiến việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi rất khó chính xác, triệt để, dễ dẫn tới bỏ sót mầm bệnh.

Cán bộ Trạm Thú y huyện Phong Thổ kiểm tra vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo trước khi cấp cho các xã.

Tuy không nhiều nhưng vẫn phải nói đến một bộ phận dân cư còn chủ quan, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về bệnh dại. Có người khi bị chó, thậm chí chó nghi dại cắn nhưng không đi tiêm phòng gây hậu quả đáng tiếc như trường hợp của em Đèo Văn Chài (SN 2004 ở bản Hỳ, xã Ta Gia, huyện Than Uyên). Có trường hợp tin, sử dụng thuốc nam, thuốc bắc thay cho vắc-xin. Thậm chí nhiều người còn cho rằng việc tiêm vắc-xin phòng dại sẽ để lại những tác dụng phụ nặng nề. Về điều này bà Trần Thị Liên khẳng định: “Hiện nay Việt Nam đang sử dụng loại vắc-xin dại tế bào là Verorab và Favirab để phòng dại. Loại vắc-xin này rất an toàn, không có chống chỉ định, thậm chí có thể tiêm được cho cả phụ nữ mang thai. Những luồng tin trong dư luận về tác dụng phụ của vắc-xin có một số tin đúng nhưng đó là đối với loại vắc-xin cũ, loại ấy hiện nay đã bị cấm, không được sử dụng”.

Có thể khẳng định, dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng với sự vào cuộc, chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, nhận thức của người dân về dịch bệnh được nâng lên đáng kể, tỉnh ta sẽ tiến tới đẩy lùi bệnh dại.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...