Thứ bảy, 04/05/2024, 17:02 [GMT+7]

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ San Thàng

Thứ ba, 12/03/2013 - 11:13'
(BLC) – Một điều đáng lo ngại tại chợ San Thàng (thị xã Lai Châu) hiện nay đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chưa được đảm bảo, người dân còn coi nhẹ, thờ ơ.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các hộ dân trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm và vận động bà con nâng cao ý thức đảm bảo VSATTP. Nhưng vì nhận thức của bà con còn hạn chế nên ngay cả các hoạt động tại chợ cũng khó đi vào quy củ, nề nếp chứ chưa nói gì đến vấn đề đảm bảo VSATTP.

Trước cửa gian hàng bún, phở rất nhiều người bán lợn cắp nách.

Đối với những cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm thường xuyên thì bà con cũng đã đăng ký để có “ki ốt” bán hàng “đàng hoàng” với diện tích từ 2 – 5m2. Nhưng còn một số người bán thực phẩm theo mùa vụ thì thường không có chỗ ngồi quy định mà thi thoảng nhàn rỗi, bà con lại làm vài cân phở, bún, bánh… bán tại chợ. Tuy bà con cũng phải trả khoản nhỏ tiền vé chợ nhưng cứ đến chợ sớm và tìm được vị trí nào, đặt giá phở tại điểm nào ưng ý thì bà con chọn chỗ ấy để ngồi bán. Chợ vào chính phiên, người đi như mắc cửi như thể xới bụi lên trong khi những mẹt bánh, giá bún chẳng có gì che, đậy. Không chỉ thế, khu bán đồ ăn với khu bán gà, lợn, rau ở đây chẳng bao giờ phân chia ranh giới rõ ràng nên càng mất vệ sinh.

Hiện tại chợ có hơn 40 quầy bán hàng phở, bún, bánh các loại. Chủ yếu là thực phẩm được chế biến thủ công của người Giáy xã San Thàng. Những quầy hàng được dựng bằng vầu, nứa phủ bạt, xung quanh không được che chắn cẩn thận, thậm chí còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng, mưa, gió; bụi. Các gian hàng được ngăn cách với nhau bằng chính những cây cột dựng quầy; đặc biệt nhiều người bán còn tư tưởng mơ hồ, mông lung, suy nghĩ đơn giản về vấn đề VSATTP nên chỉ cần 1 chậu nước nhỏ, chủ quầy đã có thể dùng để rửa hàng chục, thậm chí hàng trăm cái bát.

Trái cây bị hỏng, thối vẫn được nhiều người dân mua về ăn.

Không những thế, quầy bán hàng ăn còn xen lẫn với bán quần áo, bán vải may mặc, khiến người ra vào càng đông đúc, tấp nập. Điều đáng nói hơn nữa là bên cạnh quầy bún, phở, hàng ăn rất nhiều người còn bán lợn cắp nách, gà, vịt, thỏ... Mùi xú uế lan tỏa khắp các khu chợ, thậm chí phân gia súc, gia cầm còn vương cả vào các quầy hàng nhưng hầu hết người dân thường không mấy bận tâm, coi đó như là việc bình thường, vẫn thản nhiên thưởng thức các loại bánh, phở.

Một điều đáng quan tâm nữa là các loại trái cây bán tại chợ thường là những loại quả bị dập nát, héo rũa, thậm chí còn bị thối đến 2/3 quả. Theo tâm sự của chị Vùi Thị Liếng (bản San Thàng 2) – người bán hàng lâu năm tại chợ thì bà con dân tộc thiểu số thường hay mua các loại quả bị hỏng vì lý do đơn giản mà thiết thực là giá rất rẻ. Nắm bắt được tâm lý đó nên những thương nhân thường mang những sản phẩm “bị loại” đến bán tại chợ, với mong muốn “tận dụng” cứu lại “chút vốn cuối cùng” và cũng là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con. Không cần phải bảo quản, phương tiện đựng đơn giản chỉ cần trải lên mảnh nilon, hay chiếc bao tải cũ rích tức thì bà con cũng xúm xít vào mua.

Đồng chí Chu Văn Ban - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh tra công tác VSTP tại xã San Thàng.

Trước những bất cập đó, năm 2012, Ban Chỉ đạo Vì chất lượng vệ sinh An toàn thực phẩm xã San Thàng đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng thị xã tập huấn cho 12 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Xã cũng thành lập 2 Đoàn kiểm tra, giám sát thường kỳ 143/168 cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn xã; nhắc nhở, cảnh cáo 16 cơ sở dịch vụ ăn uống; 12/13 bản được tuyên truyền với 18 buổi tại 11 cụm loa với 3 nghìn người tham gia. Thông qua Lễ hội ẩm thực hàng năm tổ chức tại bản văn hóa San Thàng I, xã cũng tuyên truyền VSATTP tới người dân… Nhưng do trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, ý thức người dân chưa cao nên đã không kiểm soát được hết, nhiều trường hợp sau khi nhắc nhở lại đâu vào đấy.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Chu Văn Ban – Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Thời gian tới Chi cục VSATTP sẽ chỉ đạo Ban VSATTP xã San Thàng kiện toàn đội ngũ cán bộ, đề ra mục tiêu phương châm hoạt động từng tháng, quý rõ ràng, thường xuyên rà soát thống kê, phân loại chương trình làm việc cụ thể, giao trách nhiệm cho từng thành viên, kiểm tra VSATTP cả với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ theo thời vụ. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể, đơn vị, cơ quan tuyên truyền lồng ghép các chương trình; lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp vào từng thời gian, địa điểm... Đặc biệt sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm.

Chợ San Thàng còn có tên gọi khác là “chợ Tam Đường đất”. Là nơi tập trung giao lưu của nhân dân 7 xã: Nùng Nàng, Thèn Sin, Tả Lèng, Giang Ma, Hồ Thầu, Bản Giang, San Thàng và thị xã Lai Châu. Chợ San Thàng chỉ họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần nên số lượng người đến chợ trao đổi, mua bán, đi chơi lên đến từ 3 nghìn – 4 nghìn người/phiên chợ.


Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...