Thứ sáu, 03/05/2024, 04:13 [GMT+7]

8 tháng cùng con chữa bệnh tự kỷ

Thứ tư, 03/04/2013 - 14:48'
Mẹ bỗng hoang mang lo sợ khi thấy con trai 20 tháng tuổi không biết chỉ ngón trỏ, gọi không quay lại, không phân biệt được người thân, không hiểu lời người lớn nói...

>> 10 ngày chiến đấu với tử thần để cứu chồng

Mỗi một ngày trôi đi mẹ lại thấy tiếc nên càng phải gấp gáp cho con hơn nữa. Dù trong mắt hàng xóm con vẫn bình thường, hơi “chậm nói”, nhưng chỉ có mẹ mới hiểu con thiếu hụt nhường nào so với các bạn cùng trang lứa, hay thậm chí so với các em kém con cả nửa năm.

Mẹ đã từng tự ru ngủ mình rằng có trẻ nhanh, trẻ chậm nên con chậm cũng là bình thường thôi, rồi lớn lên con sẽ biết mọi thứ.

Mẹ mải mê với bộn bề công việc để kiếm sống nên cứ mặc kệ con, cứ để con lớn lên với cái tivi, với chị giúp việc chưa đầy 20 tuổi luôn mải mê với điện thoại.

Khi cho con ăn, chỉ cần chị giúp việc lườm một cái, chỉ cần chị lấy tay đập đập xuống gối là con le te hay miễn cưỡng chạy vào ăn dù có muốn hay không. Lúc đó mẹ lại cho rằng con mình ngoan thế, biết nghe lời chị. Mẹ chẳng làm được như vậy, mẹ đâu biết rằng con sợ chị giúp việc nên bảo gì phải ghe nấy.

Con 20 tháng tuổi, vì tiết kiệm cho gia đình và vì nghĩ con đủ tuổi để đến lớp cho có bạn có bè, để con có thể phát triển tốt hơn, nên mẹ cho chị giúp việc nghỉ. Mẹ bỗng nhận ra rằng con như một tờ giấy trắng, cái gì cũng không biết. Mẹ lên mạng tìm hiểu từ "tự kỷ" thì con trai mẹ nằm trong "danh sách đỏ" rồi. Con không biết chỉ ngón trỏ, gọi không quay lại, không phân biệt được người thân, không hiểu lời người lớn nói...

Mẹ hoang mang lo sợ cho con đi khám và bác sĩ kết luận là con đang có "nguy cơ tự kỷ". Chắc bác sĩ ưu ái con nên cho thêm từ "nguy cơ' đằng trước, nhưng chỉ có mẹ mới hiểu con thế nào.

Sau cái kết luận ấy, mẹ chẳng thể chủ quan được nữa. Ban ngày chơi với con, ban đêm mẹ như cò vạc tìm bới thông tin, càng đọc càng hoang mang, càng tự trách mình đã thờ ơ với con quá.

Đề bù đắp lại, mẹ và bố cố gắng nói chuyện về con. Bố dường như không chấp nhận sự thật, hay nói với mẹ rằng “anh đọc trên mạng lúc thì rất đúng, lúc lại không phải (con bị tự kỷ)”.

Mẹ phải cố gắng thuyết phục cả bố cùng cố gắng chăm sóc con, chơi với con nhiều nhất có thể. Cứ cố gắng làm tất cả cho con để nếu con không phải tự kỷ thì là một phúc đức của nhà mình, chứ để đến khi quá muộn thì hối hận cũng chả kịp đâu.

Thời gian đầu, nhà lúc nào cũng rối ren, om sòm. Bố mẹ nói chuyện với ông bà nội chuyện của con để đón anh con lên ở cùng, trong căn phòng thuê khoảng 15 mét vuông.

Anh ương bướng, chả chịu nhường em, mè nheo, đêm nhất định phải nằm ngủ với mẹ. Thằng em vừa thiu thiu thì thằng anh khóc ầm lên và ngược lại, bố mẹ đến là nẫu ruột.

Rồi dần dần anh con cũng cố chấp nhận ngủ với bố, vì bài học của bố “đàn ông ai lại khóc nhè, hay đọc bài thơ "Làm anh thật khó" ”… Bố giảng giải đủ điều cho anh con - mới chỉ 4 tuổi. Rồi mọi chuyện cũng dần dần vào quỹ đạo.

“Sư phụ” của con là anh, tương tác với con nhiều chính là anh, bày trò cho con chơi chính là anh, hay làm con đau, con khóc, hay những cú ngã đau gây ra cho con cũng chính là anh.

Trong môi trường “cạnh tranh” đó, mẹ cảm nhận con vui hơn, bắt chước anh nhiều hơn. Dù chưa chủ động, nhưng "sư phụ" của con làm nhiều cái mà mẹ không thể làm được. Cảm ơn chàng trai láu cá nghịch ngợm số 1 của mẹ.

Sau 8 tháng “can thiệp” cho con, “ thời gian vàng” cũng sắp hết, mẹ luôn luôn cố gắng chơi với con theo bản năng nhiều nhất có thể, học được cái gì hay mẹ lại nói với bố.

Từ đó, bố cũng thay đổi hẳn, đi làm về sớm, dẫn con đi chơi. Hoặc bố nấu ăn, làm những công việc nhà để 3 mẹ con ra đường xem hoa, xem xe cộ, xem những dòng người qua lại bên đường.

Những cách can thiệp cho con mẹ học được trên một diễn đàn của các bà mẹ cùng có con bị tự kỷ. Cái gì bí quá, mẹ lên đó nhờ tư vấn, và nhờ cô giáo can thiệp cá nhân của con tư vấn, lên chương trình, giúp mẹ, giúp bố, giúp anh Kay chơi với con nhiều hơn. Nhiều khi đơn giản chỉ là chơi, là dành nhiều thời gian cho con, tạo cho con chủ động, hứng khởi trong mỗi trò chơi. 

Giờ đây, con trai mẹ chuẩn bị tròn 29 tháng tuổi, đã biết nói dù còn ngọng líu lo, đã biết thể hiện mỗi khi muốn gì đó.

Mẹ cảm ơn các bác đi trước, luôn luôn chia sẻ những kinh nghiệm, những đúc kết từ thực tế, để cho các bà mẹ mới, cho các thế hệ sau phát hiện sớm hơn, can thiệp sớm hơn cho các con có nguy cơ bị tự kỷ , đúng cách hơn và chuyên nghiệp hơn.

>> Xem thêm: Cuộc chiến người mẹ giành cơ hội sống cho con trai


Theo Mekemzai VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...