Thứ bảy, 04/05/2024, 13:43 [GMT+7]

Gửi xe có cần lấy vé?

Thứ ba, 27/11/2012 - 16:32'
(BLC) - Gửi xe phải có vé, đó là quy định và quan trọng hơn là căn cứ chứng minh việc chủ sở hữu ký gửi tài sản cho người nhận trách nhiệm trông giữ. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các khu chợ trên địa bàn thị xã Lai Châu việc này lại không được thực hiện.

Chợ phiên ở xã San Thàng mỗi tuần họp 1 lần vào ngày chủ nhật. Do vậy, đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào các dân tộc các địa phương trên địa bàn thị xã Lai Châu và một số xã của huyện Tam Đường. Với điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhu cầu giao thương nhiều nên những năm gần đây xe máy không chỉ phục vụ việc đi lại mà còn là phương tiện “kiếm cơm” của nhiều người dân các xã vùng cao. Do vậy, bãi gửi xe của chợ thường lên tới hàng trăm chiếc.

Người trông xe không hề chú ý xem đó có phải là chủ của chiếc xe đang được lấy ra khỏi bãi.

Số lượng xe gửi nhiều, người trông giữ xe rất vất vả trong việc sắp xếp xe theo hàng, lối, ghi số, trả vé cho khách nhưng theo quan sát của chúng tôi công việc của họ khá nhàn, chủ yếu là thu tiền phí trông giữ xe, còn việc đương nhiên phải làm theo quy định: ghi số - trả vé cho khách thì tuyệt nhiên không có. Theo đó, những chiếc xe được gửi theo quy trình rất đơn giản: gửi - lấy -  trả tiền mà không hề có vật chứng đảm bảo. Khi chúng tôi hỏi người trông giữ xe ở bãi: Gửi xe không có vé hả anh. Anh này trả lời: Mất làm sao được, ở đây chưa bao giờ xảy ra nhầm lẫn hay mất cắp xe đâu.

 Là khu chợ tập trung nhiều người dân đến mua - bán vào tất cả các ngày trong tuần nên chợ xép phường Đoàn Kết có đến 4 điểm trông giữ xe. Tuy nhiên những chiếc xe được gửi trong bãi cũng đều có chung tình trạng. Việc gửi giữ tài sản như xe máy được thông qua một hợp đồng đó là tấm vé gửi xe. Gửi xe là sự thỏa thuận dân sự người có xe và người trông xe, theo đó các bên sẽ xuất hiện quyền và nghĩa vụ, trong một khoảng thời gian nhất định bên gửi phải trả một khoản thù lao. Vậy mà cả bên gửi - giữ đều xem nhẹ điều này. Gửi xe không vé, nếu trường hợp xe bị đổi tráo, cầm nhầm hay mất cắp thì ai là người chịu trách nhiệm. Câu trả lời đương nhiên là người có tài sản bởi không có căn cứ để xử phạt người trông giữ.  

Và thực trạng này đang ngày ngày diễn ra ở hầu hết các bãi gửi xe ở các khu chợ trên địa bàn thị xã. Có thể chưa xảy ra những vụ việc đáng tiếc nhưng ai đảm bảo sẽ không có ngoại lệ khi những tài sản giá trị này được người chủ của nó bảo đảm ký gửi bằng con số không, trong khi các thủ đoạn trộm cắp xe gắn máy của bọn tội phạm ngày càng tinh vi.

Việc tự ý không ghi vé xe cho khách hoặc “chiều theo nguyện vọng của khách” như hiện nay của những người làm nhiệm vụ trông giữ xe tại các khu chợ đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu trộm cắp tài sản. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng trên, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trọng Tài

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...