Thứ hai, 29/04/2024, 08:44 [GMT+7]

Quyền, nghĩa vụ và nguyên tắc trong công tác bầu cử

Thứ sáu, 25/03/2016 - 11:01'
(BLC) – Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Báo Laichau Online đăng “Hỏi - đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021” để bạn đọc hiểu thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND, chế độ bầu cử, việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu ứng cử…

>> Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, huyện

Hỏi: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

Trả lời:

Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu;

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Hỏi: Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?

Trả lời:

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân.

Quyền ứng cử là quy định của pháp luật về việc công dân có đủ điều kiện thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hỏi: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?

Trả lời:

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Hỏi: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Hỏi: Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?

Trả lời:

Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Hỏi: Thế nào là nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử?

Trả lời:

Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.

Nguyên tắc bình đẳng được pháp luật quy định trong việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân, thể hiện ở các mặt như sau:

- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú;

- Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử;

- Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu;

- Giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.

Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

B.T theo tài liệu Hỏi – đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 206 – 2021 (Hội đồng Bầu cử Quốc gia)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...