Thứ hai, 06/05/2024, 05:56 [GMT+7]

Số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ sáu, 08/04/2016 - 17:51'
(BLC) – Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Báo Laichau Online đăng “Hỏi - đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021” để bạn đọc hiểu thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND, chế độ bầu cử, việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu ứng cử...

Ảnh minh họa.

Hỏi: Việc phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cơ quan nào dự kiến và theo căn cứ nào?

Trả lời:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở sau đây:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.

Hỏi: Số người được giới thiệu ứng cử là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Trả lời:

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo nguyên tắc:

- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500 nghìn dân thì cứ thêm 30 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu;

- Tỉnh không thuộc trường hợp quy định nêu trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu;

- Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu;

- Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu.

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện được thực hiện theo nguyên tắc:

- Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40 nghìn dân thì cứ thêm 5 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;

- Huyện không thuộc trường hợp quy định nêu trên và quận có từ 80 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80 nghìn dân thì cứ thêm 10 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;

- Thị xã có từ 70 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 70 nghìn dân thì cứ thêm 10 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu;

- Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 100 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100 nghìn dân thì cứ thêm 10 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

Hỏi: Số đại biểu Hội đồng Nhân dân được bầu ở đơn vị hành chính có nhiều đơn vị hành chính trực thuộc được quy định như thế nào?

Trả lời:

Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 45 đại biểu.

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã được thực hiện theo nguyên tắc:

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 01 nghìn dân trở xuống được bầu 15 đại biểu;

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 01 nghìn dân đến 02 nghìn dân được bầu 20 đại biểu;

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 02 nghìn dân đến 03 nghìn dân được bầu 25 đại biểu; có trên 03 nghìn dân thì cứ thêm 01 nghìn dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;

- Xã, thị trấn không thuộc các quy định nêu trên có từ 04 nghìn dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 04 nghìn dân thì cứ thêm 02 nghìn dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;

- Phường có từ 08 nghìn dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 08 nghìn dân thì cứ thêm 04 nghìn dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

Hỏi: Việc tính dân số trong cuộc bầu cử theo căn cứ nào?

Trả lời:

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính được căn cứ vào dân số của từng đơn vị hành chính. Số dân theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015.

B.T theo tài liệu Hỏi – đáp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 206 – 2021 (Hội đồng Bầu cử Quốc gia) – còn nữa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...