Thứ hai, 29/04/2024, 05:44 [GMT+7]

Vì một Quốc hội thật sự đại diện cho dân

Thứ sáu, 18/03/2016 - 08:22'
70 năm đã trôi qua, kể từ khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước được tổ chức thành công ngày 6 tháng 1 năm 1946. 70 năm cũng là lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội, với biết bao cố gắng và thành quả đã đạt được.


Các ĐBQH bấm nút thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Trước hết, điều mà ai cũng nhận thấy là Quốc hội của chúng ta đang hoạt động ngày càng có hiệu quả và ngày càng thực quyền hơn. Điều này, một mặt, đang làm cho các quyết sách của đất nước được xem xét, cân nhắc kỹ càng hơn, khách quan hơn; mặt khác, làm cho chế độ trách nhiệm được xác lập rõ ràng hơn trong hệ thống.

Thật ra, ít khi tồn tại những thứ quyết sách tốt chung chung. Chính sách giữ giá đất thấp tốt cho việc đô thị hóa, thì ít tốt cho những người bị thu hồi đất. Chính sách lương bổng và phúc lợi lao động cao tốt cho những người lao động, thì ít tốt cho các nhà kinh doanh. Vấn đề đặt ra là bao giờ chúng ta cũng phải cân đối được lợi ích và sửa đổi được chính sách kịp thời theo đòi hỏi của cuộc sống. Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, là công cụ quan trọng bậc nhất để bảo đảm phép cân đối nói trên, cũng như để nhận biết chính xác một chính sách đang tác động tới đời sống của quảng đại quần chúng như thế nào. Đây thực chất là việc gắn chức năng đại diện với chức năng lập pháp và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thời gian qua, Quốc hội đã bảo đảm được ngày càng tốt hơn sự gắn kết này.

Đối với một nền quản trị quốc gia hiện đại, chế độ trách nhiệm là đòi hỏi quan trọng hàng đầu. Bằng việc tăng cường hoạt động giám sát, đặc biệt là hoạt động chất vấn, Quốc hội đang làm rõ được nhiều nội dung hết sức quan trọng liên quan đến chế độ trách nhiệm nói trên. Nội dung quan trọng thứ nhất là, việc các quan chức đang được giao quyền đã thực thi quyền lực của mình như thế nào, và nội dung quan trọng thứ hai là việc họ đáng được tín nhiệm đến đâu. Hai là, hoạt động lập pháp được tăng cường cũng là một thành tựu cần được ghi nhận. Thời gian qua, một số lượng rất lớn các văn bản pháp luật cần thiết cho việc xây dựng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã được Quốc hội thông qua. Hiện nay, tại một kỳ họp, Quốc hội đã có thể thông qua được từ 10 đến 15 dự luật. Đây là một khối lượng văn bản rất lớn mà trước đây phải cần ít nhất ba năm, thậm chí cả chục năm mới thông qua được. Tuy nhiên, sự đổi mới được thể hiện không chỉ về mặt số lượng, mà còn cả về mặt chất lượng. Chất lượng này được bảo đảm một phần là do sự lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc ý kiến của nhân dân trong quá trình làm luật. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong nhiệm kỳ này là một thí dụ điển hình. Chưa bao giờ lại có một sự tương tác sôi nổi như vậy giữa những người dân, những nhà doanh nghiệp với các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Thông qua sự tương tác và quá trình tham vấn này, nhiều điều khoản trong dự luật đã được bổ sung sửa đổi cho phù hợp hơn với nhu cầu của cuộc sống. Ba là, dân chủ được tăng cường trong các hoạt động của Quốc hội. Nếu trước đây, các đại biểu Quốc hội đều chỉ đọc tham luận là chính, thì ngày nay họ đã tranh luận thật sự và thẳng thắn về mọi quyết sách được đưa ra xem xét ở nghị trường. Những tranh luận như vậy đã góp phần làm cho đời sống nghị trường trở nên sống động hơn và hấp dẫn hơn đối với công chúng. Cũng cần nhấn mạnh rằng, các phương tiện kỹ thuật như hệ thống biểu quyết điện tử, hệ thống mi-crô phát biểu tại chỗ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sinh hoạt dân chủ ở nghị trường. Đồng thời, việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, việc bình luận, đưa tin của báo chí về các hoạt động của Quốc hội cũng đóng góp rất lớn vào tiến trình dân chủ nói trên.

Những thành tựu đạt được là hết sức to lớn, tuy nhiên những thách thức đang đặt ra cho Quốc hội trong giai đoạn mới cũng không nhỏ.

Thách thức đáng quan tâm hơn cả là khả năng đại diện cho nhân dân. Với cơ chế thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần đang từng bước được củng cố và mở rộng, nhiều thay đổi hết sức to lớn đã diễn ra trong đời sống của xã hội ta. Các thay đổi này bắt buộc phải được phản ánh về mặt chính trị. Các cơ quan đại diện, mà trước hết là Quốc hội đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong vấn đề này.

Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội nước ta chỉ có ba chức năng là: chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát, mà không có chức năng đại diện. Thông thường, đã là một cơ quan do nhân dân bầu ra thì chức năng đầu tiên phải là chức năng đại diện. Đây cũng là chức năng đầu tiên và quan trọng nhất của nghị viện ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Và bản chất dân chủ của chế độ thể hiện trước hết ở chức năng này.

Một số học giả cho rằng đại diện là tính chất của Quốc hội, vì vậy không nhất thiết phải triển khai thực hiện chức năng đại diện. Điều này thật ra chỉ là một mong muốn hơn là một thực tế. Có một vài lý do làm chúng ta băn khoăn về nhận định nói trên.

Đó là tình trạng cơ cấu, thành phần của các vị đại biểu Quốc hội hoàn toàn không phản ánh cơ cấu thành phần của các giai tầng xã hội. Nếu cơ cấu xã hội khác với cơ cấu của các đại biểu Quốc hội thì làm sao Quốc hội có thể đương nhiên có tính đại diện được. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận thấy một sự phản ánh cứng nhắc cơ cấu của xã hội chưa chắc đã hợp lý. Thí dụ, nước ta có đến 70% dân số là nông dân, thế nhưng đòi hỏi phải có 70% số đại biểu Quốc hội là nông dân thì chắc không nên.

Khi một đại biểu xuất thân từ một tầng lớp xã hội nào đó thì không đương nhiên hiểu hết các vấn đề và các nhu cầu của tầng lớp đó nếu không có sự tiếp xúc và tham vấn thường xuyên với họ. Mà tiếp xúc, tham vấn lại chính là các hoạt động cụ thể của chức năng đại diện.

Trên thực tế, nếu chức năng đại diện không vận hành thì các chức năng lập pháp, quyết định và giám sát cũng có thể vận hành sai, vì ý chí của nhân dân, lợi ích của nhân dân sẽ khó có thể phản ánh được đúng đắn trong các quyết sách của Quốc hội. Thí dụ, Luật Đất đai đã được ban hành và được sửa đổi nhiều lần. Tuy nhiên, những khiếu kiện về đất đai vẫn không hề giảm chứng tỏ những quan tâm và mắc mớ của những người dân đã không được xử lý thỏa đáng trong quá trình làm luật.

Thật ra, các đại biểu Quốc hội ở ta đã và đang làm rất nhiều việc thuộc về chức năng đại diện như tiếp xúc cử tri, tham vấn cử tri, tiếp nhận và thúc đẩy việc giải quyết khiếu nại của cử tri... Tuy nhiên, nếu chức năng đại diện được ghi nhận chính thức và thời gian được bố trí đầy đủ cho việc thực hiện chức năng này, hoạt động của QH chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Một thách thức khác là tính chất chồng chéo của các mối quan hệ đại diện ở trong Quốc hội. Nước ta là một trong rất ít nước chia Quốc hội ra thành các Đoàn đại biểu Quốc hội theo đơn vị tỉnh/thành phố. Việc chia Quốc hội ra thành các Đoàn đại biểu Quốc hội và việc mỗi tỉnh/thành phố lại còn có từ một đến hai đại biểu chuyên trách đang biến Quốc hội nước ta thành một cơ quan đại diện song trùng: vừa đại diện cho cử tri cả nước, vừa đại diện cho các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố. Cách tổ chức cơ quan lập pháp theo cách này có hai rủi ro: Một là, khi có xung đột lợi ích giữa trung ương và địa phương thì địa phương thường giành ưu thế ở Quốc hội (nếu như kỷ luật Đảng không được thực hiện nghiêm túc). Việc các địa phương đã giành được quyền có đại biểu chuyên trách của mình trong tổng số gần 30% đại biểu chuyên trách của cả Quốc hội cho thấy rất rõ xu thế nói trên.

Hai là, xảy ra xung đột lợi ích khi đại biểu chuyên trách của tỉnh, thành phố muốn giám sát (chất vấn) các Bộ trưởng. Các tỉnh, thành phố sẽ không cho phép đại biểu của mình làm hỏng quan hệ tốt đẹp của tỉnh với các Bộ trưởng vì các dự án của tỉnh, thành phố có thể bị ảnh hưởng. Việc một số đại biểu chuyên trách của địa phương đã được nhắc nhở vừa qua cho thấy rất rõ hiện tượng này.

Còn một thách thức ở tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Thật ra, một đất nước với 90 triệu dân hoàn toàn xứng đáng có được một Quốc hội chuyên nghiệp. Thông thường công việc càng khó khăn thì càng đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Làm đại biểu Quốc hội là một trong những công việc như vậy. Thế nhưng, phần lớn các vị đại biểu (hơn 70%) hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, hay cũng có thể gọi là theo chế độ nghiệp dư. Mà hoạt động nghiệp dư thì khó mà thạo việc.

Quốc hội chuyên nghiệp phải có các đại biểu chuyên nghiệp. Chỉ khi hoạt động chuyên nghiệp thì các đại biểu mới có đủ thời gian để thực hiện chức năng đại diện. Thật ra, không tiếp xúc thường xuyên với cử tri, không tham vấn cử tri về những quyết sách mà Quốc hội đang xem xét thì khó có thể phản ánh được lợi ích của cử tri (và cũng rất khó nắm sâu được chính sách). Hiện nay, chúng ta đã có gần 30% số đại biểu chuyên trách. Chuyên trách và chuyên nghiệp là hai chuyện khác nhau. Thế nhưng, không chuyên trách thì không có điều kiện thời gian và điều kiện tích lũy kinh nghiệm để trở thành chuyên nghiệp.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội chắc chắn phải đi theo một xu thế chung là bảo đảm tính dân chủ ngày càng cao hơn. Mà như vậy, thì năng lực đại diện cho dân bao giờ cũng là vấn đề cơ bản và quyết định nhất.

Quốc hội chuyên nghiệp phải có các đại biểu chuyên nghiệp. Chỉ khi hoạt động chuyên nghiệp thì các đại biểu mới có đủ thời gian để thực hiện chức năng đại diện.


Toàn cảnh Kỳ họp QH thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh trong bài | Trần Hải

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng/nhandan/Thứ Năm, 04/02/2016, 12:34:56

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...