Chủ nhật, 28/04/2024, 01:33 [GMT+7]

30 năm “nâng bước” tuần tra

Thứ sáu, 29/12/2017 - 17:12'
Trong cái se lạnh chiều đông cuối năm, chúng tôi có chuyến công tác tại Trạm Biên phòng Pắc Ma (Đồn Biên phòng Mù Cả). Đây là nơi con sông Đà “nhập quốc tịch” Việt Nam, bên cạnh những người lính quân hàm xanh ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia luôn có những người dân sát cánh cùng bộ đội trong những chuyến tuần tra; điển hình là “người lái đò sông Đà” tên gọi Lý Văn Khiêu, dân tộc Thái, hộ khẩu thường trú bản Pắc Ma, xã Mường Tè, huyện Mường Tè.

Lên nguồn Đà giang

 

Từng mấy lần lên cụm xã Pắc Ma, nhưng đây là chuyến đầu tiên chúng tôi chọn cho mình loại phương tiện độc mộc - đó là thuyền đuôi én gắn máy. Anh Lý Văn Khiêu, người có thâm niên gần 30 năm lái xuồng chở những người lính biên phòng đi tuần tra dọc sông Đà nhìn tôi từ đầu tới chân, nói đùa: “Có say sóng không? Có dám đi không? Vất vả, nguy hiểm đấy!”. Chúng tôi hiểu câu nói đó vừa như cổ vũ lại vừa như kích thích sự hiếu kỳ và chúng tôi quyết định phải đi bằng đường thủy để thấy hết cái dữ dội, hùng vĩ và bí hiểm của sông Đà.

Anh Lý Văn Khiêu chở cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mù Cả tuần tra nơi đầu nguồn sông Đà.

Chúng tôi và hai đồng chí chính trị viên Đồn Biên phòng Mù Cả và Ka Lăng, cùng 6 chiến sỹ của Đồn Biên phòng Mù Cả xuống tới chân cầu. Anh Lý Văn Khiêu nhanh tay khởi động máy, chiếc xuồng chở chúng tôi lao vun vút hướng lên đầu nguồn sông Đà. Chưa bao giờ tôi ngồi trên xuồng lao như một mũi tên lại thấy hào hứng đến thế. Dòng sông Đà êm đềm chảy, bất giác tôi nhớ đến tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đang miên man trong dòng suy tưởng, tôi được thiếu tá Nông Văn Hơn, chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng “kéo” về thực tại bởi tiếng hô lớn: “Mọi người cẩn thận, chuẩn bị lên đầu nguồn”.

Chiếc xuồng bắt đầu lắc bên này, đảo bên kia. Những con thác cao cả mét, trắng xóa, dựng đứng trước mũi xuồng. Tất cả chúng tôi đều nắm chặt mạn xuồng, khom lưng, chỉ mình anh Khiêu đứng cuối xuồng điều khiển tay lái, đu người bên này, rồi vươn tay bên kia, tập trung cao độ đưa chiếc xuồng vượt thác. Những con sóng tạo bọt trắng xóa muốn hất tung chiếc xuồng vào vách đá. Tám người trên xuồng đồng thanh hô to: “Cố lên, cố lên!”. Con thác đầu tiên chúng tôi đã vượt qua an toàn. Anh Khiêu nhìn tôi cười: “Thấy thế nào đồng chí, có thú vị không? Chưa nhằm nhò gì đâu. Tới gần sát đầu nguồn còn ghê rợn hơn nữa”. Mọi người đều cười thú vị, riêng tôi thì thấy lo.

Anh Lý Văn Khiêu cho biết: Bản tính sông Đà là thế, vào mùa cạn nó hiền như một kiều nữ chưa chồng, nhưng khi thủy chế thay đổi thì dòng sông chỗ nào cũng như một thạch trận với thiên la địa võng đang rình rập. Với bà con các dân tộc thì dòng sông chính là “dòng đời”, gắn liền với vui buồn đời họ, gắn với bát cơm tấm áo cho dù đó là bát cơm tấm áo đánh đổi bằng sự nhọc nhằn và nhiều khi bằng cả mạng sống mong manh. Trăm ngàn những cuộc mưu sinh treo trên các lèn đá, mài mòn các doi cát và phó thác vào sự may rủi, nơi các con sóng bạc đầu vừa kiêu hãnh lại vừa thách đố. Có người bảo con sông Đà biết vui buồn và giận dữ, biết hiến dâng và cả biết cách trừng phạt, đó là lúc dòng sông quăng quật qua 73 con thác dữ có tên và mấy trăm ghềnh thác không tên...

Lách qua một cách khéo léo và ngạo nghễ giữa hai khe núi hẹp, một bên là ngọn Ka Lăng cao 1.799m và bên kia là dãy Ma Su cao 1.609m, sông Đà chảy vào Việt Nam theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đầu nguồn sông Đà là nơi còn khá hoang sơ. Chiếc xuồng đi vào vùng nước ổn định. Càng lên đầu nguồn, dòng sông càng hẹp, những phiến đá to nằm ngổn ngang dọc hai bờ sông. Có điều rất lạ là những phiến đá đều xanh ngắt như màu trời. Ngước nhìn lên là những cánh rừng già, um tùm tán lá và những cây cổ thụ to người ôm không xuể. Càng gần tới đầu nguồn, dòng nước càng đỏ ngầu, hai bên thì rừng già hun hút làm cho ai cũng có cảm giác ớn lạnh. Đi một đoạn, thấy những chú kì đà dài cả mét, bò lổm ngổm trên những phiến đá xanh ngắt nhô ra giữa dòng, tôi hét lên: “Ôi, cá sấu, sao lại có cá sấu ở đây?”. Mọi người cười ồ, nói: “Không phải là cá sấu mà là kì đà”. Tôi tròn mắt vì chưa thấy con kì đà nào lại to đến thế.

Lặng lẽ góp công

Anh Lý Văn Khiêu đi bộ đội năm 1986, là lính của Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu. Sau gần chục năm anh xuất ngũ trở về địa phương, bản Pắc Ma của anh lúc đó chưa có đường vào. Con người, hàng hóa muốn đến Pắc Ma đều phải chở bằng xuồng. Số tiền nhận được sau khi xuất ngũ, anh mua một chiếc máy nổ đầu 23 của Liên Xô (cũ), rồi tự đóng xuồng để chở anh em, họ hàng, chở thuê hàng hóa ra vào bản. Theo như lời anh kể, những năm 80 của thế kỷ trước, vùng đất này còn hoang sơ lắm, người đi lại rất ít, chỉ bộ đội biên phòng và các cô giáo cắm bản ở Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả... là thường xuyên đi lại. Tới tận những năm 90 vẫn thế. Các chuyến tuần tra của anh em Đồn Biên phòng Mù Cả, Đồn Biên phòng Ka Lăng và anh em, cán bộ, chiến sỹ đi công tác khác, anh Khiêu đều nhiệt tình chở hết. Thật cảm phục, một con người rất đỗi bình dị, chở anh em bộ đội biết bao chuyến tuần tra lên tận đầu nguồn suốt 30 năm. Bất chợt tôi hỏi đùa: “Chở bộ đội như thế, anh em có gửi tiền anh không?”. Anh cười sảng khoái, nói: “Anh em biên phòng tuyến này khổ, vất vả kể không hết. Mình từng là lính, mình hiểu chứ. Đi tuần tra thì anh em đổ dầu vào máy, mình chở đi thôi, ai lại lấy tiền”.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng phối hợp cùng dân quân xã Ka Lăng và Tá Bạ (huyện Mường Tè) thường xuyên tuần tra bảo vệ biên giới nới đầu nguồn sông Đà.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, Mốc 18(3), 17(1), 16(2) thuộc Đồn Biên phòng Mù Cả quản lý; cột mốc 18(2), 34, 35, 36 thuộc Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý. Anh Khiêu đã giúp những người lính biên phòng tuần tra đường sông, kiểm tra rừng đầu nguồn suốt 30 năm nay luôn được an toàn. Những luồng rạch, thác nước hung dữ luôn được anh tính toán thật cẩn thận, nhìn lượng nước dâng lên vào đợt mưa tối hôm trước để quyết định đi hay không. Vì chỉ một sơ suất nhỏ như đi không đúng luồng nước, xuồng có thể va vào đá là mất an toàn. Hơn 30 năm qua, những chuyến tuần tra của hai đồn biên phòng đều do một tay anh lái. Những người lính biên phòng nơi đầu nguồn cũng chỉ tin tưởng tay lái của anh, một niềm tin có thể ví như sắt đá cho tới tận bây giờ.

Sau mấy ngày công tác tại địa bàn, điều mà chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất, tâm đắc nhất là tình cảm của Nhân dân Pắc Ma, Mù Cả đối với Đảng và Bác Hồ. Đồng chí Toán Ma Tơ - Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả xúc động: “Nhờ ơn Đảng và Chính phủ, nhờ có các cấp, các ngành ở tỉnh, huyện và nhất là các đồn biên phòng đóng chân trong khu vực nên Nhân dân Pắc Ma, Mù Cả mới có cuộc sống hạnh phúc hôm nay”. Pắc Ma, Mù Cả chưa giàu và nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, song từ những bước đi ban đầu hôm nay tin tưởng vào tương lai phía trước. Trên miền biên cương xa xôi này, ý Đảng đã gặp lòng dân và đang từng ngày đơm hoa kết trái. Trong khát vọng chung ấy, sự góp sức của những người dân bình thường 30 năm “nâng bước” tuần tra cho bộ đội như trường hợp anh Lý Văn Khiêu thật đáng được ghi nhận và nhân lên như một điển hình cụ thể về tình đoàn kết quân - dân...

Châu Phương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...