Thứ bảy, 27/04/2024, 13:36 [GMT+7]

“Dân vận khéo” để bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc

Thứ hai, 28/08/2023 - 11:42'
(BLC) - Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai linh hoạt các hình thức, biện pháp trong công tác vận động quần chúng, đặc biệt chú trọng làm “Dân vận khéo” thông qua những việc làm thiết thực giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chăm lo an sinh - xã hội… Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Trong chuyến công tác mới đây tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, chúng tôi được nghe bà con kể về các chiến sỹ biên phòng giúp dân phát triển kinh tế. Theo câu chuyện của bà con, chúng tôi tìm đến Ðồn Biên phòng (ĐBP) Huổi Luông, đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt, Trung tá Lê Văn Quyết - Đồn trưởng ĐBP Huổi Luông chia sẻ, Đồn có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài hơn 13km với 9 điểm mốc, 15 cột mốc. Địa bàn rộng với trên 7.000 nhân khẩu, 4 dân tộc (Mông, Dao, Hà Nhì và Kinh) sinh sống tại 21 bản rải rác trên các triền núi cao. Thực hiện lời Bác dạy: “phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt, cho nên bộ đội, công an không những phải đoàn kết nội bộ, lại phải đoàn kết với nhân dân, dựa vào nhân dân, giáo dục nhân dân cảnh giác thì địch không làm gì được”. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ của Đồn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

cccc

Cán bộ, chiến sỹ Ðồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tuyên tuyền, vận động người dân chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Cùng với tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới với rất nhiều mô hình trồng lúa, ngô, nuôi lợn sinh sản, bò giống, đơn vị còn phối hợp trao tặng hàng nghìn suất quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Vận động, kết nối xây dựng nhà ăn, bể nước, sân chơi cho các trường học trên địa bàn trị giá gần 200 triệu đồng. Hiện, Đồn đang nhận đỡ đầu 2 em học sinh Giàng Mì Xó (bản Can Thàng) và Lý A Phú (bản Hồ Thầu) trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thường xuyên cử cán bộ quân y về cơ sở  khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân… Đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã, năm 2021, xã Huổi Luông được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 10,4%, thu nhập bình quần đầu người 36 triệu đồng/năm. Đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, ĐBP Huổi Luông không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn xây dựng được phên dậu vững chắc từ lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh hiện đang quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt – Trung dài 265,165km, 211 bản thuộc 22 xã/4 huyện (Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn). Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Tuy nhiên, trên tuyến biên giới, các hoạt động vi phạm Hiệp định, quy chế biên giới, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, địa hình phức tạp, thiên tai, dịch bệnh… thường xảy ra ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ở khu vực biên giới.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận  khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định và các hướng dẫn của cấp trên, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 34-KL/TW, Chương trình hành động của tỉnh, Kế hoạch, Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của BĐBP tỉnh Lai Châu trong tình hình mới.

Hàng năm Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch công tác vận động quần chúng, trong đó tập trung chỉ đạo các ĐBP căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, để lựa chọn các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn ở địa bàn biên giới. Qua đó tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Với nhiều hình thức và cách làm hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các ĐBP lựa chọn mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao. Điển hình như mô hình: nhóm hộ gia đình nuôi cá Tầm, cá Hồi tại bản Dền Sung, Sàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ); Trồng Chanh leo tại các bản Pô Tô, Hồ Thầu, Huổi Luông  (xã Huổi Luông); Chăn nuôi bò sinh sản tại bản Nhóm II (xã Vàng Ma Chải); Mô hình HTX Biên Cương bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ tại xã Mồ Sì San - huyện Phong Thổ. Mô hình nuôi Lợn thương phẩm tại các bản An Tần, Pa Tần 3 (xã Pa Tần) -  huyện Sìn Hồ. Mô hình nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ) - huyện Mường Tè... Việc triển khai các mô hình giúp dân ở các Đồn Biên phòng đã làm chuyển biến nhận thức trong Nhân dân, bà con biết tự chủ trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tích cực tăng gia, chăn nuôi có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.

vàng ma chải

Cán bộ, chiến sỹ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây đậu tương.

Qua thực hiện phong trào và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội. Các hoạt động xã hội từ thiện góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiêu biểu chương trình: “Nâng bước em tới trường – Con nuôi Đồn Biên phòng” được triển khai tại 22 xã biên giới của tỉnh với 57 cháu được nhận đỡ đầu, mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Mô hình “Tay kéo Biên phòng” của 13 đồn Biên phòng, cắt tóc miễn phí cho các cháu học sinh vào chiều thứ tư hàng tuần; “Vườn rau cho bé” của Đồn Biên phòng Huổi Luông. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Đặc biệt, hàng năm các đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” cho nhân dân các bản trên khu vực biên giới... Thông qua các hoạt động, người dân thêm tin tưởng, quý mến và luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ chiến sỹ biên phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hưởng ứng phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, các ĐBP còn phối hợp tổ chức làm mới 261 nhà; sửa chữa 62 nhà; di dời 35 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Giúp dân khai hoang hơn 40ha ruộng nước; hướng dẫn người dân trồng mới hơn 25ha cây thảo quả; mở mới hơn 60km đường dân sinh đến các bản, 6,7km mương thủy lợi; bồi dưỡng, phát triển, kết nạp 163 đảng viên; xóa 2 bản trắng đảng viên... Với những việc làm trên đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, các ĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới phát huy tốt vai trò, uy tín của các trưởng bản, trưởng dòng họ trong tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của phong trào tự quản đường biên, cột mốc và gìn giữ an ninh trật tự thôn, bản... Đến nay đã có 90 tập thể, 159 hộ gia đình, 670 thành viên đăng ký tham gia tự quản 241,135km đường biên giới. 61 tập thể, 150 hộ gia đình, 642 thành viên đăng ký tham gia tự quản 77 mốc quốc giới, 2 công trình biên giới; 203 tổ, 1.229 thành viên đăng ký tham gia tổ An ninh trật tự bản; 17.950 hộ/18.141 hộ đã ký cam kết thực hiện Phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xẫ hội ở khu vực biên giới; phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép... Đồng thời, triển khai có hiệu quả mô hình “Lũy tre biên thùy” và “Tiết học vùng biên”, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Có thể khẳng định, với những việc làm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa trong quá trình làm Dân vận khéo của lực lượng biên phòng đã góp phần giúp đồng bào nơi biên cương vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống mới, hướng tới ấm no, hạnh phúc. Và, trên hết là củng cố tình đoàn kết quân - dân, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Góp sức bảo vệ an ninh - chính trị, an toàn - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới Tổ quốc.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...