Thứ bảy, 04/05/2024, 10:02 [GMT+7]

“Dân vận khéo” trong bảo vệ chủ quyền biên giới

Thứ ba, 05/07/2016 - 10:45'
(BLC) - Thực hiện Nghị quyết 14-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh về việc “Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp dân phát triển kinh tế - xã hội”, các đơn vị BP đã tích cực vào cuộc củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Lai Châu có 265,095 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, với 23 xã biên giới, 229 bản thuộc 4 huyện với 10 dân tộc sinh sống. Cùng với những khó khăn về kinh tế, xã hội, đây là địa bàn các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động di cư tự do, mua bán người, buôn bán trái phép chất ma túy … Xác định, địa bàn biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng- an ninh, lực lượng BP tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận - Đại tá Phan Hồng Minh – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải hướng dẫn người dân chăm sóc đàn dê.

Theo đó, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy về công tác dân vận, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết 14-NQ/ĐU về việc “Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Tập trung quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đến cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng. Chỉ đạo các đơn vị BP xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, các đơn vị BP đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết. Chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân. Đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tăng cường cán bộ, chiến sỹ bám sát địa bàn, thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; vận động bà con chấp hành quy chế khu vực biên giới, hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do…Với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, sử dụng hệ thống loa truyền thanh không dây; tuyên truyền tại hộ dân khi tham gia lao động, sản xuất giúp dân hoặc dạy học, khám bệnh, cấp phát thuốc…

Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho 52 bản với 2.529 hộ đăng ký tự quản 177,545/265,095 km đường biên giới; 1.610/3.989 người tự quản cột mốc quốc giới; phối hợp tuần tra 1.092 lần/6.821 lượt người, trong đó có 2.804 lượt dân quân, công an viên xã, bản tham gia; xây dựng được 141 tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản. Qua đó, phát hiện và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp.

Cùng với đó, nhằm giúp cấp ủy địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đẩy mạnh phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, đã có 3 Đồn BP thành lập các tổ công tác tại 3 xã biên giới. Tổ công tác BP xã Trung Chải (thuộc Đồn BP Hua Bum, huyện Nậm Nhùn), được thành lập vào cuối năm 2014, với nhiều hoạt động thiết thực đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa bàn biên giới. Trung úy Kháng A Cầu – Tổ trưởng Tổ công tác cho biết: 2 năm qua ngoài quản lý 7km đường biên và cột mốc 52 các chiến sỹ của Tổ công tác cũng tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay xã hoàn thành 9 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm.

Nét nổi bật trong thực hiện mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng BP những năm qua là đã xây dựng được nhiều mô hình như: Mô hình giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư; giúp đồng bào La Hủ, Mảng, Dao trồng lúa nước ở các xã Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Vệ Sủ (Mường Tè), xã Ma Ly Pho, Hoang Thèn, Vàng Ma Chải (Phong Thổ); Mô hình vận động nhân dân chăn nuôi gia súc tập trung, nuôi trâu sinh sản, lợn sinh sản với sự hỗ trợ vốn gần 1 tỷ đồng cho nhân dân ở xã Sin Suối Hồ, Huổi Luông (Phong Thổ); Mô hình trợ cấp học bổng hàng tháng từ quỹ “Hũ gạo tình thương” của bộ đội cho các cháu học sinh gia đình khó khăn đến trường.

Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, ngày càng mở rộng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội nơi biên giới. Điển hình như mô hình nuôi dê tập trung ở Đồn BP Vàng Ma Chải.Từ nguồn vốn 100 triệu đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) tài trợ cho bà con phát triển kinh tế, Đồn đã thống nhất với chính quyền địa phương vận động người dân trên địa bàn 3 xã đóng góp 10 ngày công để cùng cán bộ, chiến sĩ phát nương, san mặt bằng làm chuồng trại. Dê được giao cho các nhóm hộ chăm nuôi; cán bộ, chiến sĩ đơn vị mua sách về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng dê để nghiên cứu và cử cán bộ xuống tận địa bàn hướng dẫn bà con nuôi dê. Nhờ tích cực chăm sóc, phòng bệnh, đàn dê sinh trưởng phát triển ổn định. Nhóm bản Tô Y Phìn của xã Mù Sì San được giao 12 con dê, đến nay đã có 43 con; nhóm bản Tân Séo Phìn được giao 13 con, nay là 21 con; nhóm bản Pa Vây Sử được giao 30 con, nay có 39 con.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, các đơn vị BP tổ chức trên 1.500 buổi tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước; xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” của BĐBP trong xây dựng Nông thôn mới như: Mô hình giúp dân trồng thảo quả năng suất cao của Đồn BP Dào San, Sì Lở Lầu; Mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường tuần tra biên giới của Đồn BP Ma Lù Thàng; Mô hình vận động nhân dân làm chuồng gia súc 3 cứng của Đồn BP Nậm Xe… Hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ biên phòng thực hiện “4 cùng” với dân, giúp dân làm nhà, sửa nhà; thu hoạch mùa vụ, vệ sinh làng bản.

Các cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã lựa chọn, giới thiệu 20 cán bộ giàu kinh nghiệm tăng cường ở 20/23 xã biên giới tham gia cấp ủy; tham gia củng cố, kiện toàn các chi bộ. Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Đồng thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thực hiện các dự án Quy hoạch ổn định dân cư, đưa dân ra sát biên giới, làm đường tuần tra biên giới; vận động nhân dân định canh định cư, khai hoang phục hoá, phá nhổ cây thuốc phiện, cai nghiện tại cộng đồng.

Xây dựng và làm tốt các mô hình “Dân vận khéo”, BĐBP đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy lao động sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhân dân các xã biên giới tự nguyện hiến đất, góp công lao động, vật liệu xây dựng bê tông hóa 96,61 km đường giao thông thôn bản; xây dựng 59 phòng học tại 24 điểm trường; 29 công trình đường giao thông liên bản, nhà văn hóa bản, bể nước sinh hoạt, chuồng gia súc hợp vệ sinh. Tự nguyện giao nộp cho các Đồn BP 369 khẩu súng tự chế; 24 hộ/109 khẩu tại các xã Dào San, Tông Qua Lìn, Bản Lang, Sì lở Lầu có ý định di cư ở lại địa bàn yên tâm lao động sản xuất; giúp lực lượng chức năng tổ chức trên 10 vụ truy bắt các đối tượng buôn bán ma túy, lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Những mô hình “Dân vận khéo” đã thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở vùng biên giới, tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo tiềm lực để quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. 

Hồng Luyến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...