Thứ hai, 29/04/2024, 19:55 [GMT+7]

Nơi con sông Đà vào đất Việt

Thứ hai, 06/08/2018 - 09:47'
(BLC) - Trạm Kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ, Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè) là dãy nhà thưng gỗ tựa lưng vào núi, quay mặt ra sông Đà, khi đêm xuống, nằm nghe rõ cả tiếng nước chảy. Đây cũng là nơi bắt đầu của dòng sông Đà trên đất Việt Nam nên anh em thường gọi là Trạm đầu nguồn. Ở chốn rừng thẳm, có biết bao điều lý thú trong cuộc sống của những người lính biên phòng.

Nơi rừng thẳm

Chúng tôi đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ đúng vào mùa mưa. Mưa đầu nguồn xối xả, tầm tã và trắng trời biên giới. Đồn trưởng Ka Lăng, trung tá Lương Xuân Hà quyết định để chúng tôi đi bằng xe bán tải của đơn vị. Chỉ 40km với hơn nửa đường đã trải nhựa nhưng cũng phải mất hơn 2 tiếng chúng tôi mới vào trạm; bởi 15km đường đất còn lại chiếc xe bán tải phải mấy lần cài cầu mới qua được vũng lầy. Đang mùa mưa nên sông Đà nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Trung tá Lương Xuân Hà bảo: Mùa này mới thấy được sự hùng vỹ của sông Đà, chứ mùa cạn, nước chỉ như 1 dòng suối, có đoạn đá xếp thành hàng, lừng lững như đàn voi đang lội qua sông. 

Thay cờ Tổ quốc ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ.

Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ có 3 cán bộ, gồm trạm trưởng, thiếu úy Đặng Văn Mạnh; trạm phó đại úy Trần Anh Thơ và nhân viên kiểm soát Nguyễn Bá Quyết. Cả 3 người đều quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Đại úy Trần Anh Thơ và thiếu úy Đặng Văn Mạnh ra trường “một tay cầm hồ sơ Đảng, 1 tay cầm quyết định cứ thế mà Lai Châu thẳng tiến”, chỉ có đại úy Nguyễn Bá Quyết “vòng vèo” vào Kiên Giang mất 15 năm rồi mới về tới “Kẻng Mỏ”. Trạm có 3 người , nhưng  đàn bò, dê, ngựa gần 3 chục con mà con nào con ấy lông mượt óng vì béo tốt; đàn gà cũng gần trăm con, ngày nào cũng hơn chục quả trứng. Giàn bí, mướp thì trĩu quả, nhất là hàng chanh tứ quý sai muốn gãy cành. 

Việc sinh hoạt của trạm “trông cả” vào chiếc máy thủy điện, thế nào mà được ngày có khách, chiếc máy lại dở chứng. Sau khi dùng bữa cơm tối xong, chúng tôi bảo nhau đi ngủ sớm. Kỳ lạ là dù rất mệt nhưng tôi không thể nào ngủ được. Trăng đêm rằm sáng vằng vặc, xuyên qua khe cửa rọi cả vào phòng. Tiếng côn trùng kêu sau hiên nhà, ngoài bìa rừng cứ da diết. Tôi trở dậy, bước ra ngoài thấy đại úy Trần Anh Thơ đang gác ở đầu nhà. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh “Đầu súng trăng treo” ở biên giới, thật khó có thể diễn tả được cảm xúc.  

Đại úy Trần Anh Thơ có 29 năm quân ngũ thì 21 năm gắn bó với mảnh đất Mường Tè. Bao nhiêu vất vả của vùng đất đệ nhất khốn khó này, anh đều “nếm” cả. Anh bảo: Ngoài việc bảo vệ 15km đường biên trên sông, Trạm còn có nhiệm vụ phối hợp với địa phương bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà. Cánh rừng này bảo đảm nguồn nước cho các thủy điện dọc sông Đà là Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình - toàn là thủy điện lớn nhất, nhì khu vực Đông Nam Á. 

Vui đâu chỉ ở chốn đông người

3 người đàn ông giữa mênh mông rừng thẳm, chỉ nghe thôi đã thấy buồn, thế nhưng hơn 1 ngày ở lại, tôi thấy cuộc sống của các anh trái ngược hoàn toàn với suy đoán ban đầu. Thiếu úy Đặng Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ, quê ở Thái Bình, mới ra trường được 2 năm. Anh Mạnh cao gần 1m9, nặng hơn 80kg, gương mặt rất đường nét, càng rắn rỏi hơn bởi nước da nâu nhìn trông giống diễn viên điện ảnh, người mẫu. Mạnh ít nói, tôi thấy hơi khó gần, nhưng tối hôm ấy, Mạnh nhìn tôi bảo: “Không có sóng điện thoại, chắc cả ngày nay anh không liên lạc được với gia đình nên sốt ruột lắm nhỉ, để em bố trí cho ít sóng wifi”. Rồi Mạnh mượn điện thoại của tôi thao tác như đang vào mạng, hua đi hua lại, miệng lẩm nhẩm câu gì như làm phép. Ấy thế mà 1 lúc thì quả thực có sóng wifi dù chập chờn. Hóa ra cách đó gần trăm mét là Trạm đo nước của bên Khí tượng thủy văn. Ở đó họ lắp đặt wifi để máy đo tự động báo thông số về máy chủ. Thương những người lính biên phòng, anh em bên trạm cho mật khẩu để lúc nào buồn vào đọc báo.

Mạnh nói với tôi: Em thấy ở những vị trí đặc biệt của Tổ quốc, người ta đều xây cột cờ, như Lũng Cú - Hà Giang, Lũng Pô - Lào Cai, Bến Hải - Quảng Trị... Em nghĩ, ở ngã 3 sông, suối biên giới này cũng rất xứng đáng để có 1 cột cờ như thế. Thỉnh thoảng vẫn có các bạn trẻ ở khắp mọi miền đất nước đi xe máy đến đây để thăm mốc 3 cùng số 18 - 1, 18 - 2 và 18 - 3. Các bạn bảo, cột mốc đặc biệt này dù xa xôi nhưng vẫn có tên trên bản đồ phượt, được chia sẻ trên mạng, tuy nhiên còn quá ít thông tin nên không nhiều người dám đến. Nếu có cột cờ, nhiều người sẽ đến đây hơn, vì thế mà nơi đây sẽ được nhiều người biết đến. 

Hay câu chuyện mà thiếu úy Đặng Văn Mạnh và đại úy Trần Anh Thơ vẫn mang ra “tiếp khách” đến chơi đã làm một người có thâm niên đi biên giới như tôi cũng phải giật mình. Khi đang ngồi uống nước ở sân, Mạnh quay sang nói với anh Thơ:

- Anh này, trạm mình cờ bạc đã đành, hôm qua em ra đồn cũng thấy cờ bạc.

Tôi giật mình rồi không hiểu tại sao mọi người lại có thể vô tư kể chuyện “tế nhị” trước mặt khách thế, chưa biết hỏi lại thế nào thì đại úy Thơ bảo:

- Trong tủ còn cờ mới, để anh vào lấy thay không có nhà báo lại về tỉnh, về Bộ nói cả đồn, cả trạm cờ bạc thì chết. 

Tôi đã có dịp đi đến các bản làng vùng biên giới của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu trên 20 năm nhưng đến tận giờ tôi mới được nghe giai thoại “cả đồn, cả trạm đều cờ bạc” nên mới toát mồ hôi hột với chuyện thay cờ Tổ quốc như thế. Nghe kể rằng, khoảng 20 năm trước, đến những đồn ở tuyến huyện Mường Tè phải mất cả chục ngày đường. Cả năm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mới vào kiểm tra 1 đến 2 lần. Vào 1 chiều mưa, đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (là bạn học cùng quê với Chỉ huy trưởng) cho cơ yếu “đánh điện” về Bộ Chỉ huy báo cáo tình hình đơn vị: “Đồn, trạm đều cờ bạc hết. Đề nghị Bộ Chỉ huy kiểm tra, cho hướng giải quyết”. Chỉ huy trưởng đọc điện rất lo. Lo vì Đồn Biên phòng sao lại đổ đốn như thế, phải kỷ luật cả đồn trưởng, chính trị viên, mà đó lại là bạn cùng lớp, cùng quê nên đích thân đi kiểm tra. Ấy vậy, khi vào đến nơi, thấy bạn cười ha hả chỉ lên cột cờ nói: “Cờ bạc thật đây này, bạn có mang cờ mới vào cho bọn tớ không?”. Đó là giai thoại kể lại, không ai biết đó là thật hay cũng chỉ là câu chuyện anh em tự nghĩ ra để lấy tiếng cười làm vui. 

Cứ như thế, trong mỗi câu chuyện, các anh đều mang đến cho chúng tôi những niềm vui rất đời thường mà thật thú vị - niềm vui đậm chất lính biên phòng đóng quân nơi biên giới. Và, đó chính là điều khiến tôi cũng như những người khác nhớ mãi về Kẻng Mỏ dù đã rời mảnh đất này.

Đức Duẩn - Trúc Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...