Thứ sáu, 17/05/2024, 07:09 [GMT+7]

Đưa Hiến pháp vào cuộc sống

Thứ ba, 11/02/2014 - 07:40'
9h50 ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi năm 2013), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Góp phần phổ biến sâu rộng nội dung và vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ ngày 11-2, Báo Hànộimới mở chuyên mục ĐƯA HIẾN PHÁP VÀO CUỘC SỐNG, đăng vào thứ ba hằng tuần. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Đề cao vai trò của báo chí trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp

Ngày 10-2, với tình cảm và trách nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi cởi mở về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (Hiến pháp). Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để bảo đảm các quy định của Hiến pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành kế hoạch, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của các cơ quan báo chí.

Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền thi hành Hiến pháp.Ảnh: THái Hiền

Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền thi hành Hiến pháp.Ảnh: THái Hiền

- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội! Để tổ chức triển khai tốt việc thi hành Hiến pháp, những nội dung trọng tâm các cơ quan, tổ chức ở TƯ và địa phương cần lưu ý và tập trung thực hiện thời gian tới là gì?

- Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến tất cả các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị. Có hai nội dung cần triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, đó là: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần, nội dung của Hiến pháp đến tất cả các tầng lớp cán bộ và nhân dân; rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp sẽ do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan tổ chức ở TƯ và địa phương đảm nhiệm. Với nhiệm vụ thứ hai, UBTVQH xác định, triển khai tốt sẽ bảo đảm có hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp và đã đề ra ba yêu cầu của việc rà soát văn bản pháp luật gồm: Rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở TƯ và địa phương ban hành để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp. Tiếp đó là ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Yêu cầu quan trọng nữa là lập danh mục, xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Theo kế hoạch, UBTVQH, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam… phải chủ trì thực hiện ngay trong năm nay và những năm tiếp theo để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát huy dân chủ, thực hiện chủ quyền của nhân dân; bảo đảm các quyền của con người, quyền cơ bản của công dân, để Hiến pháp mới thực sự là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong tình hình mới.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch trên ra sao, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

- Ngay sau khi Hiến pháp được thông qua, UBTVQH đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức khác ở TƯ và địa phương, căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và kế hoạch của UBTVQH khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp. Nội dung chi tiết và thời gian thực hiện đã được xác định; trách nhiệm theo dõi, giám sát công việc và tiến độ thực hiện cũng đã được ấn định. Ở chiều ngược lại, định kỳ hằng năm, các cơ quan cũng phải tự giác báo cáo kết quả triển khai thực hiện Hiến pháp của cơ quan, đơn vị mình với Chính phủ, UBTVQH để báo cáo Quốc hội. UBTVQH, các cơ quan khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội có kế hoạch cụ thể và hình thức thích hợp để giám sát việc thi hành Hiến pháp; hoàn thiện cơ chế bảo hiến hiện hành. Từ việc giám sát cho thấy, Chính phủ và nhiều tổ chức hữu quan đã có những khởi động tích cực, từ công tác tuyên truyền đến rà soát, chuẩn bị xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp.

- Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong quá trình thi hành Hiến pháp? 

- Không chỉ thời điểm này mà ngay cả quá trình xây dựng và tổ chức góp ý xây dựng Hiến pháp, các cơ quan thông tấn báo chí có vai trò rất tích cực, quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền về Hiến pháp, là diễn đàn để người dân phát huy quyền làm chủ của mình tham gia xây dựng Hiến pháp, phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp, báo chí vừa là công cụ quan trọng, hình thức hữu hiệu để tuyên truyền tinh thần và nội dung của Hiến pháp đến các tầng lớp cán bộ và nhân dân, định hướng, phản ánh tình hình thi hành Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan làm công tác tư tưởng, văn hóa, báo chí, xuất bản cần tiếp tục tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần tạo "sức đề kháng" cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc và mơ hồ về Hiến pháp.

- Thưa Phó Chủ tịch, sự đổi mới nhất trong lần sửa đổi Hiến pháp được đại biểu Quốc hội nhận định là quy định về quyền con người. Vậy phải làm thế nào để các quy định tốt đẹp đó được thực thi triệt để trong cuộc sống? 

- Đúng vậy. Trước đây, Chương V của Hiến pháp năm 1992 nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta đưa nội dung này lên Chương II, chỉ đặt sau chương về chế độ chính trị. Tên chương cũng có sự thay đổi, từ "quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân" chuyển thành "quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Sự thay đổi về tên gọi, bố cục này khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới có bổ sung một số quyền mới, tiêu biểu là quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, quyền xác định dân tộc… là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước. Bước tiến này càng thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người. 

Để thực thi các quyền đó, trước hết các cơ quan, tổ chức, mỗi cá nhân và công dân phải nhận thức được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Nhà nước và xã hội phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mọi vi phạm quyền con người, quyền công dân phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trong Hiến pháp quy định có quyền con người, quyền cơ bản của công dân có hiệu lực trực tiếp thi hành, có quyền phải ban hành luật để quy định rõ các điều kiện, trình tự, thủ tục để cho công dân thực hiện thuận lợi các quyền đó.

- Cho đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp. Nhìn tổng thể, Hiến pháp mới có những điểm ưu việt nào và đặt ra yêu cầu gì đối với các cơ quan liên quan?

- Tôi cho rằng, bản Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp trước, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nếu so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị. Hiến pháp mới khẳng định mạnh mẽ chủ quyền, quyền làm chủ của nhân dân; nêu đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; về kiểm soát quyền lực, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định rõ ràng, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước; hiến định một số thiết chế mới như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia; về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Đặc biệt, trong Hiến pháp mới, lần đầu tiên, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được ghi nhận. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách tạo ra sự bất bình đẳng.

Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì việc tôn trọng, nghiêm chỉnh thi hành và bảo vệ Hiến pháp phải là trách nhiệm và nghĩa vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Theo Hà Phong/Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...