Thứ hai, 13/05/2024, 10:11 [GMT+7]

Đưa Phong Thổ trở thành huyện phát triển trung bình của tỉnh

Chủ nhật, 25/11/2018 - 21:39'
(BLC) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, tăng cường quốc phòng - an ninh, tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đưa Phong Thổ trở thành huyện phát triển trung bình trong tỉnh”. Mặc dù mới đi hết nửa chặng đường nhưng huyện đã có 5/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; những chỉ tiêu còn lại cũng đạt từ 70% trở lên.

Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Thổ bắt tay thực hiện mục tiêu của Đại hội với vô vàn khó khăn. Là huyện vùng cao biên giới, thời tiết diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; địa hình đồi núi cao, chia cắt, đường biên giới dài; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc thực hiện hoạt động chống phá. Do đó, Huyện ủy tăng cường sự lãnh, chỉ đạo toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đã xác định gắn với tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh.

 Nhân dân xã Sin Suối Hồ thu hoạch thảo quả.

Đảng bộ huyện tăng cường công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi, Đảng bộ, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đã mở 3.285 hội nghị học tập, quán triệt với trên 310 nghìn lượt người tham gia, trong đó có 32.994 cán bộ, đảng viên; chỉ đạo xây dựng và ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội. Tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng Nhân dân, dư luận xã hội, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc ngay tại cơ sở.

Chỉ đạo các chi, Đảng bộ thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chỉ thị 05) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (gọi tắt là Nghị quyết TW4). Huyện ủy ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện và xác định các nhiệm vụ trọng tâm. Đã đưa nghị quyết, chỉ thị của Trung ương vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân lãnh đạo hàng năm gắn với liên hệ 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sau kiểm điểm, xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện 1 cuộc giám sát với 5 tổ chức, 3 cá nhân về thực hiện Nghị quyết TW4 gắn với Chỉ thị 05; tiến hành xử lý kỷ luật cách chức 1 đồng chí bí thư chi bộ; đưa ra khỏi Đảng 14 đảng viên.

Đổi mới phương thức lãnh đạo được Đảng bộ huyện đặc biệt coi trọng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện ban hành quy chế, chương trình làm việc toàn khóa, cụ thể hóa chương trình công tác năm. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV), BCH phụ trách các chi, Đảng bộ cơ sở. Quy chế làm việc của BCH có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; thường xuyên tổ chức các buổi làm việc của BTV, Thường trực Huyện ủy với cơ sở, qua đó nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc sát sao, quyết liệt. Phong cách lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của BCH, BTV có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ rộng rãi. Đồng thời tập trung cao độ trong lãnh, chỉ đạo; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Quan tâm phát triển Đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đã cử 113 cán bộ, công chức cấp xã đi học văn hóa; đào tạo chuyên môn 35 cán bộ; 289 đồng chí học lý luận chính trị; 26 đồng chí học cao cấp lý luận chính trị; 2.034 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng về chuyên môn, quản lý nhà nước. Kết nạp 357 đảng viên mới (đạt 131% so với mục tiêu Nghị quyết); nâng 1 chi bộ cơ sở thành lập Đảng bộ cơ sở; sáp nhập 1 chi bộ cơ sở; giải thể 1 chi bộ cơ sở; thành lập mới 1 chi bộ cơ sở. Duy trì 100% thôn, bản, trường học, trạm y tế có chi bộ; 51,7% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh; tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt 92%.

“Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận, Huyện ủy chỉ đạo tổ chức hội thi dân vận khéo các cấp; hướng dẫn thành lập thí điểm điểm 54 tổ dân vận thôn bản, kiện toàn khối dân vận 18 xã, thị trấn. Đồng thời, phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng hò, người cao tuổi và người có uy tín tại xã; đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết TW4.   

Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khẳng định: Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu trong học tập, công tác, lao động sản xuất tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin để quần chúng Nhân dân học tập, làm theo.

Phát huy nội lực, đoàn kết vươn lên

Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, BCH Đảng bộ huyện ban hành và chỉ đạo thực hiện Quyết định 1160-QĐ/HU ngày 18/10/2016 về ban hành “Đề án phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới giai đoạn 2016 - 2020” gắn với thực hiện đề án của tỉnh. Các phòng chuyên môn của huyện tiến hành rà soát, quy hoạch, triển khai thí điểm mô hình thâm canh, tăng vụ, đưa giống lúa có năng suất, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất; tiếp tục phát triển giống lúa đặc sản địa phương. Nhân dân chủ động khai hoang, phục hóa 352ha mở rộng diện tích gieo cấy lúa. Góp phần tăng năng suất lúa bình quân từ 40,7 tạ/ha (năm 2015) lên 42,6 tạ/ha (năm 2017). Diện tích rau màu đạt 190ha (tăng 17ha so với năm 2015).

Bước đầu hình thành mô hình phát triển một số cây dược liệu như: tam thất, sa nhân, đương quy, thất diệp nhất chi mai; chăm sóc 463ha thảo quả; trồng mới 19,7ha cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận...). Tiếp tục chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang chăn dắt, làm mới, gia cố 2.791 chuồng trại gắn với trồng mới 14ha cỏ, dữ trữ thức ăn. Xây dựng mới 1 cơ sở nuôi cá nước lạnh.

Đối với vùng thấp, xây dựng vùng sản xuất rau màu, lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Mường So, Khổng Lào với quy mô 90ha, ưu tiên đưa giống lúa đặc sản tẻ râu vào sản xuất gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu trên thị trường; vùng trồng chuối tại Huổi Luông, Ma Ly Pho, Bản Lang... với tổng diện tích 3.467ha (tăng 2.212ha so với năm 2015). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,3%; chăm sóc 1.449,5ha cây cao su hiện có.

 Với lợi thế có Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng, huyện phối hợp quản lý, tổ chức các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Nhân dân 2 bên giao lưu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế từng bước hoàn thiện, cơ sở dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc xếp phát triển... Qua đó, nâng tổng giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 17,1 triệu USD (trong 2,5 năm).

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương tận dụng, lồng ghép nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới. Đến tháng 6/2018, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 10,35 tiêu chí/xã. Nhờ tập trung các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 34,56%, giảm trung bình 4,2%/năm (đạt 105% mục tiêu Nghị quyết).

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học duy trì, phát triển, chất lượng giáo dục nâng lên. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Đời sống mọi mặt của đồng bào ngày càng cải thiện. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ cở, các cơ quan chức năng, đồn biên phòng tăng cường phối hợp nắm tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh tại cơ sở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ hữu nghị, hợp tác với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc duy trì và phát triển.

Mặc dù tạo dấu ấn mới sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội nhưng Huyện ủy Phong Thổ vẫn nhận định còn những khó khăn về trình độ phát triển hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ hẹp; nguồn vốn đầu tư ít. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... có những diễn biến khó lường. Vấn đề an ninh nông thôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Do đó, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng hơn nữa của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thì mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Hoàng Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...